4,1 tỷ USD kiều hối về TP.HCM trong năm nay đang là niềm hy vọng của nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản trong thời điểm năm hết Tết đến.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, lượng kiều hối năm nay chảy vào bất động sản (BĐS) giảm mạnh, chỉ đạt 23%, trong khi năm 2011 là 52%. Tuy nhiên, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM năm nay lại tăng 15% so với năm ngoái, đạt 4,1 tỷ USD. Như vậy, hơn 20.000 tỷ đồng từ kiều hối sẽ chảy vào các dự án trong dịp này. Số tiền này thực ra chẳng thấm vào đâu so với toàn thị trường, tuy nhiên đây lại là niềm hy vọng duy nhất trong thời điểm cuối năm của nhiều chủ đầu tư.

Tâm lý chờ đợi giá giảm thêm nữa của người tiêu dùng khiến hàng loạt dự án đã hoàn thành nhưng vẫn không thể bán hết hàng

Ồ ạt bung hàng

Theo Công ty BĐS Hưng Thịnh (Hưng Thịnh land), vào ngày 20/1 tới, doanh nghiệp này sẽ chính thức mở bán gần 100 căn của dự án căn hộ cao cấp Screc II Metro Apartment ở khu An Phú - An Khánh (Q.2, TP.HCM). Ông Nguyễn Nam Hiền, Phó Tổng giám đốc Hưng Thịnh land cho biết, mức giá 17 triệu đồng/m2 (chưa thuế VAT, bao gồm nội thất cao cấp) của dự án này có thể nhỉnh hơn so với một số dự án (tương đương về chất lượng) ở những khu vực khác, tuy nhiên nếu so với những dự án cùng khu vực thì giá mềm hơn khoảng một-hai triệu đồng/m2. Ngoài dự án này, mới đây Hưng Thịnh land cũng mở bán đợt cuối căn hộ Carina Plaza do Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, Hưng Thịnh land còn mở bán 300 nền đất tại dự án khu dân cư tại thành phố Tân An, Long An.

Tập đoàn C.T Group cũng mở bán đợt bốn dự án căn hộ cao cấp Léman C.T Plaza (Q.3, TP.HCM)… Dự án Ngọc Bích Residence ở Đồng Nai với hơn 300 nền nhà phố và gần 60 căn biệt thự cũng vừa được Công ty Kim Oanh mở bán. Ngoài ra, Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn cũng mở bán căn hộ Âu Cơ Tower (Q.Tân Phú, TP.HCM) với giá bán khoảng 1,2 tỷ đồng/căn. Để hút khách, chủ đầu tư chiết khấu cho người mua 100 triệu đồng/căn hộ nếu thanh toán 95% giá trị hợp đồng. Ngoài ra, khách hàng còn được Ngân hàng BIDV cho vay theo lãi suất hỗ trợ kích cầu của Chính phủ với thời hạn lên đến 15 năm. Dự kiến quý I/2013 giao nhà.

Ảnh minh họa: Phùng Huy

Hy vọng vào kiều hối

Các dự án được tung ra vào thời điểm này không chỉ nhắm vào nhu cầu an cư của người dân mà còn để ý đến nguồn kiều hối đổ về nước thời điểm cuối năm. Ông Ngô Dương Hoàng Thao, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Đại Đông Dương cho rằng, lượng kiều hối năm nay về TP.HCM cũng như cả nước tăng so với năm ngoái là một tín hiệu vui. Tín hiệu này sẽ tác động lên BĐS, tuy

khiêm tốn, bởi dòng tiền này còn bị cản trở khá nhiều ở thị trường này. Là một kiều bào nên ông Thao khá am hiểu những chính sách cho phép kiều bào mua nhà. Theo ông Thao, hiện nay kiều bào chưa được sở hữu BĐS nếu không đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Điều này khiến lượng kiều hối chảy về Việt Nam bị hạn chế nhiều. “Do đó, để kích thích kiều bào mua BĐS, Chính phủ cần có một chính sách đặc biệt cho đối tượng này”, ông Thao nói.

Lượng kiều hối đổ về nước ngày một tăng chính là điểm tựa của các chủ đầu tư dự án trong bối cảnh thị trường chưa thực sự lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia BĐS, điều cần thiết nhất là phải tạo dựng được lòng tin của người tiêu dùng. Trong đó, yếu tố quan trọng là chủ đầu tư không được thất hứa với người mua, để bán được hàng, bắt buộc chủ đầu tư phải cam kết giao nhà đúng hẹn. Ví dụ: giao trễ hẹn, vật tư xây dựng không đúng như ký kết… những điều đã xảy ra khá nhiều ở các dự án góp vốn.

Nên mở rộng chính sách cho kiều bào mua nhà

Theo thống kê của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho đến thời điểm này, mới chỉ có gần 300 trường hợp cá nhân người nước ngoài và kiều bào chính thức mua nhà tại Việt Nam được đăng ký và chấp thuận chính thức từ các cơ quan quản lý, trong đó, chủ yếu là ở TP.HCM và một số tỉnh, thành phía Nam. Con số này quá nhỏ bé so với khoảng 81.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, cùng hàng trăm ngàn kiều bào và người nước ngoài khác đang quan tâm đến thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam.

Nguyên nhân chính xuất phát từ quy định khá khắt khe về điều kiện được mua, sở hữu nhà ở của các cá nhân người nước ngoài và kiều bào. Theo quy định, kiều bào chỉ được sở hữu một căn hộ chung cư trong các dự án phát triển nhà ở thương mại trong thời hạn tối đa 50 năm với điều kiện “phải có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc giấy tờ chứng nhận được phép cư trú tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên và không thuộc đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự….”. Nếu chiếu theo quy định này, khoảng 20.000 người nước ngoài đang sống ở Việt Nam có đủ điều kiện mua nhà.

Ông Lê Chí Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, xét tình hình hiện nay, việc kích thích cá nhân người nước ngoài và kiều bào sẽ mở ra một lối thoát cho việc giải quyết hàng tồn kho BĐS, nhất là với các dự án căn hộ cao cấp. Ông Hiếu cho biết thêm, nếu sợ người nước ngoài lấn lướt thì có thể ra các giới hạn tỷ lệ mua của nhà đầu tư nước ngoài đối với một dự án hay quy định sở hữu tối đa như Singapore đang thực hiện. Hay Nhà nước có thể quy định những đối tượng này chỉ được mua căn hộ có mức giá không thấp hơn 30 triệu đồng/m2 như ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM gợi ý.
Theo Ca Hảo (Báo Phụ nữ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.