04/04/2014 9:56 PM
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt các giải pháp khơi thông thị trường bất động sản được đưa ra sau rất nhiều tiếng kêu thảm thiết của giới kinh doanh bất động sản…

“Chết phơi xương cá”

Cách đây vài tuần, một gói cứu trợ bất động sản được chính thức công bố. Theo đó, ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) sẽ phối hợp một số ngân hàng thương mại xây dựng gói tín dụng 50 nghìn tỷ đồng hỗ trợ phát triển thị trường xây dựng chuyên nghiệp thông qua chuỗi liên kết bốn nhà, gồm: Chủ đầu tư, nhà thầu, nhà sản xuất vật liệu xây dựng và ngân hàng.

Các dự án thiếu vốn bỏ hoang sẽ sắp tới sẽ được hỗ trợ?

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt các giải pháp khơi thông thị trường bất động sản được đưa ra sau rất nhiều tiếng kêu thảm thiết của giới kinh doanh bất động sản.

Còn nhớ, cách đây hơn một năm, tại một hội thảo bất động sản khi gói cứu trợ 30 nghìn tỷ sắp được tung ra hướng đến người mua nhà thu nhập thấp và nhà xã hội thì một chủ doanh nghiệp nhà hạng sang cho rằng cần xem xét lại gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng. Bởi theo ông chủ địa ốc này nếu chỉ tháo gỡ khó khăn cho nhà thu nhập thấp thì không thể giải phóng hàng tồn kho bất động sản.

“Nếu chỉ quan tâm đến nhà thu nhập thấp thì 3 năm nữa thôi, chúng tôi sẽ chết phơi xương cá hết", ông Lê Quốc Chính, Giám đốc phát triển kinh doanh công ty TNHH Hibrand Vina cất lời vào tháng 5.2013.

Không rõ để ra được các giải pháp cứu trợ nhằm giải phóng hàng tồn đang chất cao như núi thì các ông chủ địa ốc và các nhà sản xuất vật liệu xây dựng đã phải bỏ ra nhiều công sức thế nào. Bởi theo thông tin mới nhất thì bộ Xây dựng vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương ngừng cấp phép các dự án nhà ở thương mại mới.

Vì vậy, nếu các giải pháp của giới ngân hàng đổ tiền vào bất động sản thì sẽ làm “sống dậy” những bãi đất hoang đang chậm tiến độ hàng năm trời, hay những dự án đang dang dở giữa chừng vì thiếu vốn.

“Cái giá phải trả, sao lại hỗ trợ”

Nếu đọc những thông tin nguồn vốn ồ ạt đổ vào bất động sản để cứu những ông chủ địa ốc rất có thể nhiều người sẽ chạnh lòng. Bởi, khi được Chính phủ thông qua được gói 30 nghìn tỷ đầu năm 2013 để người thu nhập thấp có nhiều cơ hội hơn để mua nhà thì bộ Xây dựng cũng đã “phải đấu tranh” rất nhiều khi có người chỉ muốn đưa ra con số 20 nghìn tỉ.

Và có thể, đọc thấy những số tiền lớn kể trên đổ vào bất động sản thì những nông dân đang chăn nuôi hộ cá thể đang chết thật sự cũng sẽ ngơ ngác không hiểu vì sao. Bởi, hàng triệu nông dân với vài đàn gà đã là gia sản thì chỉ có quyết định 10 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ họ. Và số tiền này vẫn treo qua 2 năm đến đầu tháng 3 này bộ NN&PTNT mới hỏi ý kiến một số địa phương, ban ngành để giải ngân số tiền trên.

Cách đây không lâu, khi có thông tin về gói hỗ trợ cứu bất động sản, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Tổng GĐ Công ty Đất Lành nói: “Quan trọng nhất hiện nay là các cơ quan quản lý tìm các giải pháp để tiêu thụ các gói tín dụng 30 nghìn tỷ chứ chưa cần nói đến gói này hay gói khác”.

“Nếu tính trên mặt bằng nền kinh tế quốc gia, các mặt bằng xã hội thì các ngành nghề khác rất quan trọng như cafe, cá basa, lúa gạo… cũng cần được hỗ trợ, tại sao lại ưu tiên cho BĐS như vậy? Vì chính các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã gây nên cơn khủng hoảng này, giờ phải trả giá là điều tất yếu.

Thời kỳ hưng thịnh của bất động sản thì nhiều đại gia đã sắm phi cơ, xe "khủng" rất hoành tráng có chia sẻ gì với người dân đâu, giờ khó khăn lại đề nghị hỗ trợ”, ông Đực nói.

Thông Chí (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.