25/06/2012 1:51 PM
Có một sự trùng hợp không thể phủ nhận giữa dòng vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản và cơn “nóng – lạnh” của thị trường.
Số liệu của Tổng cục Thống kê đã chỉ ra sự quay trở lại của dòng vốn ngoại vào thị trường này trong thời gian 5 tháng đầu năm. Liệu đây có phải là tín hiệu cho sự khởi sắc của thị trường?
Đa phần người dân sẽ chịu gánh nặng từ mức giá quá cao của BĐS. Ảnh: C.T
Khởi sắc trong chật hẹp

Trong 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 72.994 tỷ đồng, bằng 36,4% kế hoạch năm và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2011. Với các đề án tái cấu trúc ngân hàng, tái cấu trúc doanh nghiệp, mua bán nợ… đang được sôi nổi bàn thảo, còn hàng trăm nghìn tỷ nữa kỳ vọng sẽ được tung ra. Vì thế, có thể dự đoán về sự khởi sắc trở lại của BĐS, nhưng người dân ở đâu trong sự hồi phục này lại là một câu chuyện khác (?!).

Tổng cục Thống kê cho biết, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/5 đạt 5,329 tỷ USD. Trong đó, riêng ngành kinh doanh bất động sản (BĐS) đạt trên 1,576 tỷ USD, bao gồm: 1,2 tỷ USD của 2 dự án cấp phép mới và 376 triệu USD vốn tăng thêm. Tính chung lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ bằng 68,2% cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, với riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản thì tỷ lệ vốn đầu tư vào lĩnh vực chiếm gần 29,6% (đứng thứ 2 sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo). Đây là một điểm mới rất đáng chú ý, dù mức tăng cũng chỉ trong khuôn khổ chật hẹp.

Số tiền gần 1,6 tỷ USD đăng ký vào lĩnh vực bất động sản là một thay đổi lớn nếu nhớ rằng, năm 2011, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực kinh doanh BĐS tính từ 1/1/2011 đến 20/8/2011 có con số luỹ kế chỉ là 275,26 triệu USD với 9 dự án. Tính chung cả năm 2011 lĩnh vực kinh doanh bất động sản có tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 845,6 triệu USD, chỉ chiếm 5,8% tổng số vốn FDI đăng ký năm 2011. Cùng với số vốn FDI khiêm tốn vào lĩnh vực là sự trầm lắng của thị trường.

Có nhiều cách lý giải “cơn sốt giá” bất động sản năm 2008. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận, 2008 là năm ghi nhận lượng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào bất động sản nhiều nhất. Với riêng thị trường Hà Nội, báo cáo mới đây của UBND TP Hà Nội cho biết, năm 2008 vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực BĐS đạt 5 tỷ USD, chiếm hơn 50% cả giai đoạn 2006 – 2010. Số vốn thực hiện năm 2008 cũng đạt con số kỷ lục với 1,456 tỷ USD chiếm 36% vốn thực hiện cả giai đoạn 2006 – 2010. Sau năm 2008, lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực này đã sụt giảm nhanh chóng. Tính đến thời điểm này, năm 2011 là một “điểm đáy” của sự sụt giảm khi lượng vốn ngoại đổ vào BĐS cả năm 2011 chỉ xấp xỉ một nửa lượng vốn đổ vào 5 tháng đầu năm 2012 và kém xa các năm từ 2008 - 2010.

Cùng với “điểm đáy” của dòng vốn, năm 2011 cũng được đánh giá là năm ảm đạm nhất của thị trường bất động sản trong vòng 10 năm trở lại đây. Người nước ngoài, với kinh nghiệm làm thị trường của mình, luôn có lý trong việc tung ra đồng vốn, vì thế việc tăng lượng vốn đầu tư vào BĐS những tháng đầu năm 2012 rõ ràng không phải không mang lại những kỳ vọng. Có lẽ cũng bởi thế, vốn ngoại dù ít dù nhiều cũng có những tác động nhất định tới việc “dẫn dắt” thị trường.

“Thị trường vẫn sống sót”

Báo cáo quý I/2012 - toàn cảnh thị trường BĐS Hà Nội của Công ty CBRE Việt Nam mở đầu bằng khẩu hiệu: “Chúng tôi giữ vững lập trường – Thị trường vẫn sống sót”. Đây cũng là điều mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã khẳng định trong buổi giao lưu trực tuyến đầu năm, “Không để cho thị trường bất động sản đổ vỡ”. Đã có không ít “nghìn tỷ” được một số ngân hàng tung ra hướng vào những đối tượng có “trọng điểm” sau tuyên bố của Thống đốc. Cùng với việc tốc độ tăng CPI giảm, lãi suất cũng đang được giảm thậm chí ở mức khá mạnh. Đó cũng là một điểm kỳ vọng cho bất động sản.

Luôn có một độ trễ giữa vốn đăng ký với số tiền bỏ ra thực hiện của các dự án bất dộng sản có yếu tố nước ngoài. Điều này, thậm chí còn được giải thích là động thái giữ chỗ của các nhà đầu tư ngoại. Việc giữ chỗ xảy ra khi có đánh giá về lợi nhuận hấp dẫn của “miếng bánh” trong tương lai. Khoảng trễ giữa thời điểm đăng ký và giải ngân cũng có thể coi là một động thái nghe ngóng chính sách trong nước của các nhà đầu tư nước ngoài. Lượng vốn ngoại có lẽ chỉ nên xem là cách “góp gió thành bão” của nhà đầu tư khôn ngoan.
Ở trên đã chỉ ra sự tương đồng giữa dòng vốn ngoại đổ vào BĐS và cơn “nóng - lạnh” của thị trường, nhưng cũng cần phải thấy rằng giải đoạn 2003 -2010 cũng là giai đoạn tăng trưởng tín dụng rất cao, thậm chí có thể dùng hai chữ “khủng khiếp”. Đỉnh điểm là năm 2007 với mức tăng trưởng tín dụng lên tới 53,9%. Những năm sau đó, dù mức tăng đã giảm nhưng cũng vẫn ở mức 39,6% năm 2009 và 29,8% năm 2010. Có chỉ dấu cho thấy khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ với việc Chính phủ công bố Chỉ thị 19 của Thủ tướng đặt mục tiêu “phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,0-6,5%”. Cụ thể, Chỉ thị viết: “Tập trung thực hiện các giải pháp chính sách, trước hết là các chính sách tiền tệ, tín dụng, chính sách thuế, đất đai, cải cách hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp và chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng”.

Bên cạnh dấu hiệu mở vốn của các ngân hàng cho lĩnh vực BĐS, hàng loạt các dự án cũng đã được bung hàng chào bán thời gian qua như: Dự án Knight Frank Việt Nam, Dự án Golden Land, Dự án Star Tower, Dự án Nam Đô Complex… Đây có phải là động thái đón đầu xu hướng mới của các chủ dự án?!
Theo Gia đình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.