CafeLand - Kinh tế khu vực châu Á Thái Bình Dương năm 2016 có nhiều biến động hơn so với những năm trước. Tốc độ tăng trưởng thấp hơn, lãi suất tăng cao tác động đến tâm lý các nhà đầu tư bất động sản. Thêm vào đó, hai sự kiện bất ngờ là Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ cùng sự thất bại của thủ tướng Ý Matteo Renzi trong cuộc trưng cầu dân ý về việc cải tổ hiến pháp đã gây ra những biến động diện rộng trên thị trường.
Những tín hiệu lạc quan
Theo dữ liệu dòng vốn toàn cầu mới nhất từ Công ty nghiên cứu bất động sản Jones Lang Lasalle (JLL), tổng khối lượng giao dịch bất động sản trong quý 3/2016 là 33,1 tỷ USD, nâng tổng lượng giao dịch 9 tháng đầu năm trong khu vực lên 86,6 tỷ USD, ít biến động so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường hoạt động tích cực nhất trong khu vực với khối lượng giao dịch ở mức 9,8 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ. Hong Kong ghi nhận mức độ tăng trưởng đáng kể so với quý trước. Lượng giao dịch tại quý 3 cao hơn 50%, chủ yếu là lượng giao dịch đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc.
Dữ liệu cũng cho thấy, lượng giao dịch bất động sản tại Singapore đã tăng 61% so với cùng kỳ năm 2015 nhờ một lượng lớn giao dịch ở phân khúc bất động sản thương mại. Tại thị trường Hàn Quốc, lượng giao dịch trong 9 tháng đầu năm tăng 49% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang cố gắng cải thiện tình hình tài chính bằng việc bán và cho thuê lại những tòa nhà thô. Đồng thời, các quỹ đầu tư tài chính có sức thanh khoản tốt đang tìm kiếm hiệu suất đầu tư đã giúp thị trường sôi động hơn.
Tại thị trường Nhật Bản, lượng giao dịch bất động sản trong quý 3 đạt 8,7 tỷ USD do tác động của việc đồng Yên tăng 19% trong năm qua. Tại Úc, mặc dù lượng giao dịch thấp hơn 9% so với cùng kỳ nhưng vẫn đang hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là ở khu vực Sydney và Melbourne.
Số liệu từ Công ty CB Richard Ellis (CBRE) Việt Nam cũng cho thấy, trong 18 tháng qua, khu vực châu Á đã nhận được nguồn vốn lớn từ các tổ chức, nhất là từ khu vực Trung Đông và Bắc Mỹ. Trong đó, nửa đầu năm 2016, nguồn vốn đầu tư đến từ các tổ chức quốc tế (ngoài khu vực châu Á) chiếm 57% trên tổng tỷ trọng đầu tư trong lĩnh vực bất động sản thương mại và tăng 9% so với năm 2012.
Nhìn chung, hoạt động kinh doanh bất động sản tại khu vực châu Á Thái Bình Dương năm 2016 khá sôi động và là tín hiệu lạc quan trong bối cảnh thế giới hiện nay.
Vững bước trong trật tự thế giới mới
Theo ông Frederic Neumann, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại ngân hàng HSBC, dự báo 2017 sẽ là năm khó khăn nhất đối với khu vực kể từ năm 2009. Lãi suất tăng cao, điều kiện tài chính thắt chặt cùng với sự gia tăng sản lượng trái phiếu kho bạc Mỹ trong năm nay sẽ là mối lo ngại hàng đầu của các nhà đầu tư.
Còn ông Terence Tang, Giám đốc điều hành dịch vụ đầu tư của Colliers International tại châu Á, cho rằng lãi suất và chính trị là mối quan tâm của các nhà đầu tư bất động sản trong năm tới. Những chính sách với chủ nghĩa bảo hộ của chính quyền Donald Trump, cộng với những tuyên bố mơ hồ về hành động trừng phạt và kịch liệt phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ chắc chắn tác động đến sự tăng trưởng ở khu vực châu Á và tâm lý của các nhà đầu tư. Theo HSBC, Indonesia, Philippines và Ấn Độ có thể sẽ được bảo vệ nhiều hơn từ “hiệu ứng Trump”. Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Châu Á Thái Bình Dương sẽ không còn là “miếng bánh ngon” cho các nhà đầu tư trong năm tới, khi đối mặt với lãi suất tăng và thách thức từ công nghệ đột phá. Nhưng với mức tăng trưởng kinh tế cùng với chính trị ổn định, khu vực này vẫn sẽ thấy lợi nhuận tích cực.
Theo dự báo của Cushman & Wakefield, JLL cùng nhiều chuyên gia khác, khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ có mức độ tăng trưởng tốt hơn các khu vực khác, duy trì tốc độ tăng trưởng khá vào năm 2017 với GDP tăng từ 5-5,2%. Quản lý kinh tế vĩ mô thận trọng sẽ tiếp tục củng cố hoạt động kinh tế, tạo tín hiệu tốt cho bất động sản thương mại.
Giá thuê tăng cao
Kinh tế ổn định sẽ tạo điều kiện cho phân khúc văn phòng cho thuê phát triển, dẫn đến yêu cầu không gian văn phòng mới sẽ đạt mức cao kỷ lục trong khu vực. Thị trường phát triển mạnh là những nơi có tốc độ tăng trưởng trên diện rộng giữa các ngành và lĩnh vực như Thượng Hải, Bắc Kinh, Tokyo và các trung tâm công nghệ thông tin, dịch vụ thuê ngoài như thành phố Bengaluru, Manila và Hyderabad. Hơn nữa, sự phát triển tích cực trong lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ tài chính và bảo hiểm (BFSI), công nghệ, truyền thông, viễn thông (TMT) và các ngành dịch vụ, kinh doanh khác sẽ tạo nguồn cầu lớn.
Giá thuê dự kiến sẽ tăng nhanh nhất ở Sydney và Melbourne, lần lượt ở mức 10-11% và 8-9%. Tại Tokyo, giá thuê sẽ tiếp tục đạt mức cao nhất trong 8 năm qua vào năm 2017 nhưng nguồn cung cho thị trường vào năm 2018 có thể kìm hãm tốc độ tăng tiền thuê được ghi nhận trong 5 năm qua. Các trung tâm công nghệ hàng đầu của Ấn Độ, Bengaluru, Hyderabad cũng sẽ chứng kiến sự tăng trưởng giá thuê cao nhất trong số các thị trường mới nổi trong năm tới với mức tăng 17%, 10% và 6% tương ứng. Thượng Hải sẽ có giá cho thuê thấp nhưng ổn định, trong khi các nhà đầu tư Singapore sẽ phải chờ đợi đến năm 2018 mới tăng trưởng trở lại. Thị trường văn phòng của Hong Kong được phần lớn cũng thiết lập đến năm 2018 nhưng giá trị bán lẻ sẽ tiếp tục giảm trong hai năm tiếp theo.
Sôi động đầu tư nước ngoài
Năm 2017 sẽ tiếp tục chứng kiến sự quan tâm của nhà đầu tư với nguồn vốn dồi dào, giúp duy trì đầu tư ổn định trong khu vực. Đây sẽ là một năm kỷ lục đối với Ấn Độ nhờ vào hai giao dịch bất động sản tư nhân nước ngoài đang diễn ra với trị giá gần 3 tỷ USD.
Đầu tư nước ngoài sẽ vẫn là một trụ cột vững chắc trong việc nâng khối lượng giao dịch trong khu vực, với Trung Quốc giữ vị trí trung tâm. Trong năm 2016, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành nhà đầu tư bất động sản nước ngoài lớn nhất, chiếm 25% đầu tư nước ngoài vào khu vực, tăng từ 13% trong năm 2015. Đầu tư của đất nước này sẽ được duy trì trong năm 2017 nhờ vào nguồn vốn khổng lồ. Ngoài ra, các quỹ đầu tư nước ngoài từ các nước sản xuất dầu mỏ sẽ xem xét đầu tư bất động sản để đa dạng hóa dự trữ của họ. Hoạt động xuyên biên giới sẽ tiếp tục thúc đẩy một tỷ lệ lớn các giao dịch ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Tìm thị trường mới
Các nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng trong năm 2017, nhưng họ đang tìm kiếm thêm giá trị. "Tìm kiếm giá trị là một thách thức. Do đó, các nhà đầu tư sẽ ngày càng tìm giá trị trong giao dịch ở ngoài thị trường, các thành phố mới và thành phố thứ cấp, cũng như các lĩnh vực mới hơn", tiến sĩ Megan Walters, Trưởng phòng nghiên cứu của JLL châu Á Thái Bình Dương cho biết.
Một yếu tố chủ chốt trong năm tiếp theo đối với bất động sản thương mại châu Á sẽ là những tác động của công nghệ đột phá, trong đó có ảnh hưởng đến một số lĩnh vực và thị trường, nhưng vẫn chưa thể là một yếu tố tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản.
Giao dịch nhiều hơn
Năm 2016 đã ghi nhận một số giao dịch nổi bật trong lĩnh vực bất động sản. Chẳng hạn, quỹ đầu tư quốc gia Qatar đã mua dự án Asia Square Tower 1, dự án phức hợp Century Link ở quận Pudong (Thượng Hải) đã được bán với giá 2,96 tỷ USD cho công ty bảo hiểm China Life tại Bắc Kinh và Brookfield Asset Management đã mua lại trung tâm tài chính quốc tế Seoul với giá 2,7 tỷ USD.
"Đây là dấu hiệu cho thấy xu hướng mua bán dự án sẽ tiếp tục trong năm 2017. Hầu hết các ngân hàng trung ương sẽ vẫn duy trì mức lãi suất thấp trong thời gian dài, điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy nguồn vốn đầu tư vào bất động sản cũng như tăng công suất và hoạt động thuê. Lợi nhuận của các loại tài sản cốt lõi vẫn ổn định nhờ vào nguồn cầu của các đầu tư”, theo ông Stuart Crow, Trưởng bộ phận thị trường vốn châu Á Thái Bình Dương của JLL.
Mở ra nhiều cơ hội cho các nước
Trong năm 2017, các nhà đầu tư sẽ vẫn tiếp tục dõi theo khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam tăng 12% so với năm trước. Dự báo những điều kiện thuận lợi sẽ tiếp tục gia tăng, khi thị trường minh bạch hơn và tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến sẽ đạt khoảng 6%, phù hợp với tốc độ tăng trưởng đề ra trong năm nay.
Các thị trường đã phát triển như Australia và Singapore vẫn còn hấp dẫn. "Các nhà đầu tư thích Australia vì tính minh bạch và lợi nhuận cao hơn. Đối với Singapore, các nhà đầu tư vẫn đang nhận thấy sự hấp dẫn từ thị trường này, mặc dù đây là quốc gia có thị trường thường biến động.", ông Crow cho biết.
Theo dự báo của bà Sigrid Zialcita, Giám đốc Nghiên cứu của Cushman & Wakefield khu vực châu Á Thái Bình Dương, bất chấp sự thay đổi liên tục và bất ổn trong môi trường chính trị và kinh tế trên toàn cầu, các nền kinh tế châu Á Thái Bình Dương sẽ tiếp tục có triển vọng tăng trưởng vững chắc. Hầu hết các thị trường chính trong khu vực được xem là nơi trú ẩn an toàn và hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, với lợi nhuận thu được ở hầu hết các thị trường chính đã vượt qua mức thấp của 10 năm qua, nhà đầu tư sẽ buộc phải có một cái nhìn trong dài hạn với các khoản đầu tư của họ. Như vậy, thị trường như Singapore, đang ở mức thấp mang tính chu kỳ, được coi là mục tiêu đầu tư tốt. Điều này cũng sẽ đẩy đầu tư rủi ro cao hơn vào các thị trường mới nổi. Thị trường ở Ấn Độ và Đông Nam Á, dẫn đầu là Philippines và Việt Nam được kì vọng sẽ hưởng lợi từ sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài.
Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.