29/01/2020 1:35 PM
CafeLand - Năm 2019, Bình Thuận là địa phương có sự bùnh nổ mạnh mẽ về bất động sản nghỉ dưỡng. Với thế mạnh gần 200km đường bờ biển phủ đầy cát trắng bên làn nước trong xanh, cùng hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm sắp triển khai, địa phương này hứa hẹn sẽ là điểm đến của nhà đầu tư trong năm 2020.

Hạ tầng giao thông trở hành động lực cho sự bùng nổ bất động sản Phan Thiết – Bình Thuận. Ảnh: Hoàng Sang

Bình Thuận là “gương mặt” tuy mới mà cũ trên thị trường bất động sản năm 2019. Mới là bởi trong năm vừa qua, nơi đây có thị trường nhộn nhịp nhất, với hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng đình đám được triển khai. Cũ là bởi Bình Thuận từ lâu đã là một điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài nước với những địa danh du lịch biển nổi tiếng như “thủ phủ” resort Mũi Né, Mũi Kê Gà, La Gi….

Động lực bứt phá

Nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Bình Thuận là cầu nối giữa các vùng Đông Nam Bộ - Tây Nguyên và Nam Trung Bộ rất thuận lợi để phát triển kinh tế. Bình Thuận có diện tích tự nhiên rộng khoảng 7.800km2, với đường bờ biển dài 192km, cùng số dân hơn 1,3 triệu người. Địa phương này đang có nhiềm tiềm năng để thu hút đầu tư ở nhiều lĩnh vực.

Với hơn 300 ngày nắng trong năm, Bình Thuận là tỉnh đi đầu cả nước về thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời. Hiện trên địa bàn tỉnh có 108 dự án năng lượng tái tạo đăng ký đầu tư, với tổng công suất khoảng 6.858 MW, trong đó 39 dự án đã hoạt động với tổng công suất 1.832 MW.

Bình Thuận cũng là địa phương có nguồn khoáng sản đa dạng bao gồm than bùn, vàng, thiếc, wolfram và có trữ lượng titan khoảng 599 triệu tấn.

Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện cũng có chín khu công nghiệp với tổng diện tích 3.048 ha, cùng với đó là 23 cụm công nghiệp nằm tại nhiều địa phương.

Cảng biển Quốc tế Vĩnh Tân vừa được đưa vào khai thác trong tháng 4/2019 đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế biển của tỉnh Bình Thuận. Đây là dự án thuộc nhóm cảng biển số 4 có công suất khai thác 8 triệu tấn/năm được xây dựng trên diện tích hơn 140 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.300 tỉ đồng chia làm nhiều giai đoạn đầu tư.

Cảng Vĩnh Tân đi vào vận hành giúp tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông, dễ dàng kết nối các khu công nghiệp tại tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và vùng Tây Nguyên. Cảng trở thành trung tâm logistic giúp nâng cao năng lực vận tải, giảm chi phí, tạo lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Phát huy tiềm năng

Trong số những tiềm lực để xây dựng nền kinh tế thì du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng ven biển vẫn là thế mạnh của tỉnh Bình Thuận. Đặc biệt, Bình Thuận cũng đang ở trong giai đoạn thuận lợi khi các “thủ phủ” du lịch khác như Phú Quốc, Nha Trang hay Đà Nẵng đang có dấu hiệu bão hoà.

Bất động sản nghỉ dưỡng ven biển Bình Thuận giàu tiềm năng

Báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 560 cơ sở lưu trú đang kinh doanh với tổng cộng 16.500 phòng. Số lượng lưu trú đã xếp hạng là 90, trong đó có ba cơ sở đạt tiêu chuẩn 5 sao, 27 cơ sở 4 sao, 17 cơ sở 3 sao… Đó là chưa kể số lượng căn hộ và biệt thự cho thuê.

Theo số liệu của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, tính riêng trong chín tháng đầu năm 2019, Bình Thuận đã đón hơn 4,5 triệu lượt khách, trong đó có hơn 560.000 lượt khách quốc tế. Dự kiến hết năm 2019, địa phương này sẽ đạt con số 6,4 triệu lượt khách ghé thăm. Mục tiêu của tỉnh năm 2020 là thu hút khoảng 7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 850.000 lượt và trở thành trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia và quốc tế.

Bên cạnh tiềm năng được thiên nhiên ban tặng, bất động sản Bình Thuận có dịp “cất cánh” khi hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm sẽ được triển khai xây dựng. Quan trọng hơn cả là hai dự án hạ tầng nghìn tỉ gồm sân bay Phan Thiết và đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết.

Dự án sân bay Phan Thiết được Chính phủ xác định là sân bay quân sự - dân dụng kết hợp, được xây dựng trên tổng diện tích 543 ha, với vốn đầu tư lên đến 10.000 tỉ đồng. Sân bay này đạt cấp 4E với đường cất/hạ cách 3.050m với công suất thiết kế là 2 triệu hành khách/năm.

Dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết có chiều dài toàn tuyến khoảng 99km, riêng đoạn qua Đồng Nai dài 51,5km đi qua các địa phương Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Khánh và Thống Nhất. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 15.000 tỉ đồng.

Sau khi những dự án này đi vào hoạt động, khoảng thời gian di chuyển của du khách từ TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… đến Phan Thiết được rút ngắn và trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Những cánh chim lớn đổ về

Tiềm năng thiên nhiên sẵn có cùng với những dự án hạ tầng giao thông kết nối được triển khai đang làm tăng tính hấp dẫn cho thị trường bất động sản Bình Thuận. Phân khúc nghỉ dưỡng nơi đây đang được ví như chiếc bánh đang được phân chia bởi những người “khổng lồ”.

Tại hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận năm 2019, ông Nguyễn Ngọc Hai – Chủ tịch UBND tỉnh đã trao quyết định đầu tư cho 11 dự án có tổng vốn đầu tư gần 1 tỉ USD. Bên cạnh đó, ông Hai cũng đã ký thoả thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 14 dự án của các đối tác trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư hơn 20 tỉ USD trong nhiều lĩnh vực.

Cũng tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã khẳng định, Bình Thuận có nhiều lợi thế để phát triển, trong đó kinh tế biển và các trụ cột chính là du lịch, năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao là những yếu tố nổi bật để thu hút đầu tư. Với lợi thế đường bờ biển dài gần 200km, có nhiều bãi tắm đẹp, quỹ đất ven biển còn nhiều, Bình Thuận rất thuận lợi để phát triển du lịch kết hợp với kinh tế biển theo chủ trương của Chính phủ.

Trong số những người “khổng lồ” tạo sóng ở thị trường bất động sản năm 2019 có thể kể đến NovaLand với dự án Novaworld Phan Thiết. Đây là tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng giải trí có quy mô lên đến 1.000ha, nằm trên đường Lạc Long Quân, thuộc phường Tiến Thành, thành phố Phan Thiết. Dự án bao gồm các loại hình như nhà phố, biệt thự, shophouse và khách sạn. Tiện ích nổi bật tại dự án này có khu thể thao phức hợp 220 ha, cụm sân golf 36 lỗ, công viên bãi biển 16 ha và công viên chủ đề 25 ha.

Một dự án lớn khác do Tập đoàn Nam Group phát triển là Thanh Long Bay tọa lạc trên tuyến đường ven biển Mũi Kê Gà, thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam. Đây là dự án tổ hợp du lịch giải trí nghỉ dưỡng thể thao biển có mô 90 ha, bao gồm các loại hình như căn hộ biển, nhà phố thương mại và biệt thự biển. Tiện ích nổi bật tại dự án gồm có trung tâm thể thao trên biển, spa, cảng du thuyền, khu resort sinh thái, khu nhà hàng chủ đề và phố ẩm thực.

Hammubay cũng là một dự án gây chú ý tại thị trường Bình Thuận. Tổ hợp vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng này nằm trên mặt tiền đường Trần Lê, thuộc phường Đức Long và xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết. Dự án có tổng diện tích gần 130 ha và mặt tiền bờ biển trải dài, với các loại hình bất động sản gồm đất nền, nhà phố thương mại và biệt thự. Tiện ích tại dự án có quảng trường Hamubay, khu phức hợp vui chơi giải trí, khu thể thao trên biển.

Công ty Hưng Lộc Phát, một doanh nghiệp chuyên phát triển dòng sản phẩm căn hộ tại TP.HCM, nay cũng đánh dấu sự hiện diện tại thị trường Phan Thiết với dự án có tên Summerland Mũi Né. Dự án có quy mô hơn 30 ha nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, được chủ đầu tư giới thiệu sẽ là tổ hợp nghỉ dưỡng, giải trí 5 sao với nhiều sản phẩm nhà phố, shophouse, biện thự, khách sạn condotel… Bên cạnh các doanh nghiệp đã lộ diện thì sức nóng của thị trường Bình Thuận cũng đang thu hút của nhiều ông lớn quan tâm, thăm dò.

Ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Công ty đầu tư Phú Vinh nhận định, các dự án ven biển luôn có sức hút lớn với nhà đầu tư Việt Nam lẫn nước ngoài so với các sản phẩm cùng loại tại vùng cao nguyên hay lõi trung tâm của đô thị. Do đó, trong những năm tới thị trường bất động sản tại các địa phương ven biển vẫn là xu hướng đầu tư được đông đảo nhà đầu tư hướng đến.

Không chỉ toàn màu hồng

Những thông tin về việc triển khai xây dựng sân bay, cao tốc, cùng với sự đổ bộ của hàng loạt dự án bất động sản quy mô lớn tại thành phố Phan Thiết đã có tác động tích cực lan toả ra nhiều khu vực lân cận. Trong đó có phần giúp hồi sinh Mũi Kê Gà - một địa danh từng rất nổi tiếng về du lịch.

Dù tiềm năng nhưng bất động sản nơi đây không chỉ toàn màu hồng. Ảnh: Hoàng Sang

Mũi Kê Gà thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam có cung đường ven biển uốn lượn tuyệt đẹp, từng là nơi lý tưởng để phát triển bất động sản du lịch biển. Vào những năm 2000, một làn sóng nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đổ về vùng biển này để xây dựng các khu du lịch, resort. Tuy nhiên, khi những dự án này bắt đầu hoạt động, lượng khách đổ về Kê Gà ngày mỗi đông thì cũng là lúc dự án mang tên Cảng Kê Gà xuất hiện.

Cảng biển có chức năng vận chuyển bôxit từ Tây Nguyên trị giá đầu tư 1 tỉ USD đã buộc tất cả các dự án du lịch tại Kê Gà ngưng hoạt động. Dự án này sau đó không thể triển khai, nhưng đã nhấn chìm những khu du lịch, resort vào cảnh hoang phế. Đến năm 2013, dự án cảng biển Kê Gà chính thức bị “khai tử”. Bất động sản Kê Gà lại bắt đầu rục rịch hồi sinh sau biến cố lớn.

Hiện nay, nhiều dự án du lịch cũ đang được chủ đầu tư cải tạo, sửa chữa để tiếp tục đón du khách. Một số dự án quy mô lớn như Aloha Beach, Thanh Long Bay… được đầu tư xây dựng đã tạo ra luồng sinh khí mới cho vùng đất này.

Bên cạnh sự “sống lại” của những vùng đất cũ, hiệu ứng hạ tầng cũng đã kéo theo những cơn sốt đất, đẩy giá trị bất động sản nơi đây tăng đáng kể. Khu vực TP Phan Thiết là nơi các hoạt động mua bán đất nền ven biển diễn ra sôi động nhất. Đặc biệt các khu vực ven biển như Lạc Long Quân, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Nguyên Giáp, Huỳnh Thúc Kháng…

Một môi giới bất động sản tại đây cho biết, giá đất trên đường Võ Nguyên Giáp hiện đã tăng ở mức hơn 20 triệu đồng/m2, đường Huỳnh Thúc Kháng có giá 13-14 triệu đồng/m2, khu vực đường Lạc Long Quân đi ra khu vực mũi Kê Gà cũng rơi vào khoảng 20 triệu/m2.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia bất động sản, sự tăng giá của thị trường bất động sản Bình Thuận đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trên thực tế, giá đất tăng chủ yếu dựa vào những thông tin hạ tầng, song các dự án này cũng chỉ đang nằm trên quy hoạch.

Mặt khác, không phải khu vực nào của Bình Thuận cũng đều sôi động. Ngay tại thủ phủ resort Mũi Né, khu đô thị Long Sơn – Suối Nước đã bị lãng quên suốt nhiều năm qua. Theo đề án được UBND tỉnh Bình Thuận đưa ra năm 2008, khu đô thị Long Sơn - Suối Nước có diện tích quy hoạch lên đến hơn 700 ha sẽ là khu đô thị du lịch đa năng đầu tiên và lớn nhất Bình Thuận. Tuy nhiên, hiện nơi đây chỉ có một vài dự án hoạt động. Số còn lại đang bị bỏ hoang, xây dựng dang dở suốt nhiều năm qua.

Sự bùng nổ dự án bất động sản thời gian qua cũng gây ra nhiều mặt trái khi hàng loạt dự án bị phanh phui do có sai phạm trong quá trình triển khai, xây dựng.

Cụ thể, trong tháng 5/2019, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã phải có nhiều văn bản liên quan đến một số dự án bất động sản ở địa phương vẫn đang trong giai đoạn triển khai xây dựng hạ tầng theo giấy phép, chuẩn bị đầu tư, thậm chí chưa hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng… nhưng đã tổ chức rao bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua. Một số dự án được nhắc tên như khu du lịch nghỉ dưỡng Apec Mandala Wyndham Mũi Né; khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát; khu dân cư Nam Cảng cá phường Đức Long; dự án Sentosa Villa…

Kỳ vọng vào tương lai

Cũng như nhiều khu vực khác, bất động sản Bình Thuận cũng đã trải qua những thời kỳ thăng trầm khác nhau. Cơn sốt đất đầu năm 2019 của tỉnh này đã để lại không ít hệ lụy. Tuy nhiên, đây cũng là một minh chứng kho thấy tiềm năng phát triển của khu vực này còn rất lớn khi Bình Thuận đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng.

Khi tuyến đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết được hoàn thành sẽ rút ngắn được thời gian kết nối trung tâm kinh tế lớn nhất nước là TP HCM, hứa hẹn sẽ tạo ra được bước đột phá cho bất động sản khu vực này. Hơn nữa, những “cánh chim lớn” đang đổ về khu vực này đầu tư cũng sẽ tạo ra một bước đột phá cho thị trường bất động sản nơi đây với những dự án nhà ở, khu du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp. Qua đó cũng sẽ ngày càng thu hút thêm khách du lịch trong và ngoài nước.

Hệ luỵ từ cơn sốt đất sân bay

Xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết) là địa phương được quy hoạch một phần để xây dựng dự án sân bay Phan Thiết. Thế nhưng, đa số người dân ở đây đều mù mờ về dự án sân bay này. Những thông tin mà họ có được cũng chỉ là “nghe nói”, nhưng họ lại rất sôi nổi khi nói về những cơn sốt đất bất thường mà dự án sân bay đã mang đến.

Anh Nguyên, nhân viên tại văn phòng môi giới bất động sản trên đường Trần Bình Trọng, cho biết thời điểm này cơn sốt đã qua đi, giao dịch không còn rầm rộ như thời điểm những tháng đầu năm 2019. Lý do là hiện đang có đoàn thanh tra tỉnh về siết chặt việc phân lô tách thửa. Tuy nhiên, mức giá bán vẫn không giảm so với thời điểm sốt đất.

Theo đó, giá đất thổ cư mặt tiền đường 715 hiện được giao dịch từ 4 – 5 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Đất nông nghiệp, trồng cây lâu năm có phần nhỏ thổ cư cũng có giá từ 3 – 4 triệu đồng/m2. Đối với các vị trí cách mặt tiền đường từ 500m – 1km thì giá sẽ mềm hơn, khoảng 2 – 3 triệu đồng/m2.

“Mức giá này là một trời một vực nếu so với cách đây vài năm. Hồi đó, đất đai ở đây chỉ có giá vài trăm nghìn một mét vuông”, anh Nguyên nói.

Ông Nguyễn Văn Vương, một người dân ở xã Thiện Nghiệp chỉ tay về những lô đất được quây rào bằng dây kẽm gai, cho biết đất ở đây là cát sỏi canh tác khó khăn, cây trồng chủ yếu là cây điều, cây keo cho thu nhập bấp bênh. Phần lớn người dân có đời sống khó khăn.

Đầu năm 2019, người ta bảo dự án sân bay sắp xây dựng, rồi cơn sốt đất ào tới. Mỗi ngày vùng quê vốn bình yên đón hàng chục lượt ô tô của người ở đâu về mua đất. Những miếng đất vốn rẻ như cho thì này được họ ra giá hàng trăm triệu, thậm chí vài tỉ đồng. Con số mà cả đời người dân cũng không bao giờ nghĩ tới.

Cả đời khó khăn, con cái thiếu thốn, căn nhà nhỏ xiêu vẹo, nay đất được giá, nhiều người dân đã cắt bán để trang trải cuộc sống, xây lại ngôi nhà, cho con cái vốn làm ăn. Cứ như vậy, chẳng mấy chốc mà phần lớn đất đai về tay người khác. Nhiều người dân còn tiếc nuối vì vừa bán thì giá đất lại tăng, nhưng nhiều người cũng ngậm ngùi khi giờ có tiền cũng chẳng thể mua lại miếng đất ngày xưa của mình.

Cơn sốt đất thoáng qua nhưng hệ lụy nó để lại thì không ai khác chính những người dân địa phương phải lãnh chịu. Tình trạng các dự án ma, phân lô bán nền tràn lan của các nhóm đầu cơ, cò đất đã buộc chính quyền, thanh tra vào cuộc siết chặt. Điều này vô tình đã ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.

Ông Phương, một người dân chia sẻ, gia đình có miếng đất nên muốn tách thửa để sang nhượng lại cho các con làm nhà ở, hoặc bán để lấy vốn làm ăn. Lúc trước việc này rất dễ dàng, nhưng bây giờ cha con ông phải lên xuống ủy ban mấy lần rồi mà vẫn chưa được.

“Mặc dù họ nói người dân địa phương tách thửa cho con cái trong gia đình thì được nhưng khi làm thì không dễ. Những người ở đâu đâu về đây rồi mua đất, buôn bán sai luật để rồi bây giờ người dân địa phương phải chịu hậu quả”, ông Phương bức xúc.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.