Có thể coi đây là lượng hàng tồn kho trong trạng thái thị trường bất động sản đóng băng hiện nay.
Theo tính toán, nếu lấy giá trị mỗi căn hộ chỉ là 1 tỷ đồng thì lượng vốn bị “chôn” ở đây đã lên đến 70.000 tỷ đồng, còn nếu mức giá là 2 tỷ đồng thì số vốn bị đóng băng lên tới 140.000 tỷ đồng. Số liệu này vẫn được coi là khá khiêm tốn so với giả bán căn hộ trên thị trường hiện nay.
Bản tham luận cũng dẫn các con số thống kê từ 69 công ty bất động sản niêm yết cho thấy, đến quý 4/2011, các công ty này đang gánh một khoản nợ vay khoảng 67.000 tỷ đồng và chi phí lãi vay mỗi năm là 13.400 tỷ đồng. Đáng nói là trong cơ cấu nợ vay, khoản vay ngắn hạn trong quý 4 đã tăng lên 26.400 tỷ đồng. Cũng có nghĩa, các công ty này phải có 39.800 tỷ đồng để trả nợ vay đến hạn và lãi vay trong năm 2012. Trong khi đó, lượng tiền mặt còn lại tại 69 công ty chỉ đủ để trả 1/4 số nợ trên và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước lãi vay và thuế chỉ bằng 1/3 chi phí lãi vay mỗi năm. Những tính toán này cho thấy lượng nợ xấu thực rất lớn đang và sẽ tiếp tục đè nặng lên các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và hệ thống ngân hàng.
Cũng theo nhận định của Dragon Capital, nếu không có giải pháp để kích cầu mua căn hộ, sẽ cần ít nhất 7 năm mới tiêu thụ hết lượng căn hộ tồn kho hiện nay.
Xung quanh vấn đề này, có ý kiến bình luận: Nhu cầu chỗ ở của người dân ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh còn rất lớn, nhưng họ không mua căn hộ, bên cạnh chuyện giá cả cao còn vì chất lượng kém. Nếu chất lượng tốt, cơ sở hạ tầng hoàn thiện thì có lẽ thời gian để tiêu thụ “hàng tồn kho” không kéo dài đến thế. Khi người tiêu dùng mất lòng tin thì đừng nói 7 năm chứ 20 năm chắc gì đã bán hết. Cũng có ý kiến cho rằng, có lẽ cần phải giảm giá đến 50% để tiêu thụ số căn hộ này và các ngân hàng cũng phải chấp nhận “hy sinh” vì đã đầu tư quá nhiều vào bất động sản.