Hình minh họa
Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ
Sáng 15/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ có cuộc tiếp xúc với cử tri huyện Cờ Đỏ sau Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, theo báo Chính phủ.
Về hạ tầng giao thông, Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện lại, nhất là phát triển cả 5 phương thức giao thông vận tải (đường bộ, hàng không, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa), phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc và trên 1.000 km đường ven biển, trong đó khu vực ĐBSCL phải phấn đấu hoàn thành 400-500 km đường cao tốc.
Trong đó, về đường sắt, Thủ tướng cho biết cùng với Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam từ Hà Nội vào TPHCM, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ và kéo dài xuống tận Cà Mau.
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi được trình lên Bộ Giao thông Vận tải vào năm 2023, hướng tuyến của tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ), đi qua 6 tỉnh/thành phố với tổng chiều dài 174,42km. Quy mô xây dựng bao gồm 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa, khám xe, chỉnh bị.... được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi - khổ 1435mm - điện khí hóa.
Về phương án tổ chức, tàu khách được tổ chức từ Tân Kiên và ga Bình Triệu đến ga Cần Thơ; bố trí thêm một số đoàn tàu ngoại ô từ ga Tân Kiên đến ga Tam Hiệp. Tày hàng sẽ vận hành từ Tân Kiên đến ga ga An Bình và Cần Thơ.
Bình Dương sắp khởi công loạt dự án hàng chục nghìn tỷ đồng
Một số dự án lớn dự kiến triển khai bao gồm: cảng sông An Tây, đường Vành đai 4 TP.HCM, khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ, Khu Công nghệ thông tin tập trung và nhiều dự án hạ tầng quan trọng khác.
Trong đó, cảng sông An Tây có tổng vốn đầu tư 2.279 tỷ đồng, quy mô 180ha, bao gồm 97ha khu cảng và 83ha khu đô thị - tái định cư. Dự án được xây dựng tại phường An Tây (TP.Bến Cát), giáp sông Sài Gòn và kết nối trực tiếp với cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) và cảng Cát Lái (TP.HCM).
Cảng được thiết kế với công suất 7 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, khả năng tiếp nhận tàu đến 3.000 tấn và dự kiến hoàn thành trước năm 2030. Đây là mắt xích quan trọng trong chuỗi logistics, giúp giảm tải giao thông đường bộ và tăng cường năng lực vận chuyển hàng hóa từ Tây Ninh, Bình Phước và Tây Nguyên.
Với đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua Bình Dương dài hơn 47km, với tổng vốn đầu tư 18.993 tỷ đồng, sẽ tạo trục giao thông chiến lược kết nối Bình Dương với TP.HCM, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đồng Nai sắp khởi công nâng cấp hai tuyến đường 1.500 tỷ đồng nối cửa ngõ sân bay Long Thành
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết trong tháng 12 này sẽ khởi công dự án nâng cấp đường tỉnh 25B và xây dựng đường tỉnh 25C, nhằm phục vụ kết nối giao thông cho sân bay Long Thành dự kiến khai thác trong năm 2026. Hai dự án vừa được tỉnh Đồng Nai thống nhất bổ sung vào danh sách công trình, dự án trọng điểm của tỉnh.
Theo đó, Dự án Nâng cấp đường tỉnh 25B (đoạn từ trung tâm huyện Nhơn Trạch ra quốc lộ 51) có chiều dài hơn 9,2km, đi qua khu vực các huyện Long Thành, Nhơn Trạch có tổng mức đầu tư gần 1,5 ngàn tỷ đồng. Dự án Xây dựng đường tỉnh 25C dài hơn 2km từ quốc lộ 51 đến hương lộ 19 trên địa bàn 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch, có tổng mức đầu tư hơn 647 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai, trong quy hoạch Dự án sân bay Long Thành, 2 tuyến đường T1 và T2 có vai trò kết nối với các trục giao thông chính trong khu vực để kết nối giao thông cho sân bay này.
Tuyến T2 sẽ kết nối với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây để phục vụ kết nối giữa sân bay Long Thành và TPHCM. Tuyến T1 sẽ kết nối với quốc lộ 51 và các tuyến đường tỉnh 25B, 25C. Các tuyến đường tỉnh 25B, 25C có vai trò kết nối với tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và Đường Vành đai 3 - TPHCM.
TP.HCM có hơn 74.000 phòng cho thuê chưa đạt tiêu chuẩn với 185.000 người đang ở
Thông tin trên được Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết tại chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” số tháng 12/2024 với chủ đề “Cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng” do HĐND TP.HCM phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông TP và Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức sáng 15/12.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết theo khảo sát của Sở Xây dựng cùng các địa phương trong năm 2024, trên địa bàn thành phố có gần 60.000 công trình nhà ở riêng lẻ có mục đích thuê để ở, với hơn 629.000 phòng.
Trong đó, số lượng phòng đáp ứng tiêu chuẩn sàn 4m2/người khoảng 555.000 phòng. Khoảng 74.000 phòng chưa đáp ứng tiêu chuẩn với khoảng 185.000 người đang ở. Số lượng phòng chưa đạt chuẩn chủ yếu tập trung ở Quận 7, 12, Tân Phú, Bình Tân và TP Thủ Đức.
Đối với các trường hợp không đạt chuẩn, ông Khiết cho biết, Sở Xây dựng yêu cầu các chủ nhà trọ cải tạo, sửa chữa để đảm bảo tiêu chí. Đồng thời, Sở Xây dựng cũng đã đề xuất UBND TP yêu cầu các cơ quan liên quan khi thực hiện các biện pháp xử lý không áp dụng biện pháp cực đoan như tháo dỡ, đóng cửa, tránh gây xáo trộn đời sống dân cư.
-
Bất động sản 24h: Lãi suất cho vay đã giảm mạnh?
Lãi suất cho vay đã về mức thấp kỷ lục; Vinhomes muốn làm khu đô thị 2.500 ha tại nơi sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ đô Hà Nội sẽ thay đổi thế nào đến năm 2050... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.