31/10/2023 5:29 PM
Bỏ quy định giao dịch bất động sản phải qua sàn; Đồng Nai muốn được giao làm dự án sân bay Biên Hòa; Hàng chục nghìn m2 “đất vàng” hơn chục năm bỏ hoang ở trung tâm TP.HCM... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Hình minh họa

Bỏ quy định giao dịch bất động sản phải qua sàn

Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), trong đó có việc bắt buộc giao dịch qua sàn hay không.

Theo báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội dung giao dịch bất động sản có qua sàn hay không được quan tâm trong các dự thảo. Luật Kinh doanh bất động sản 2014, các giao dịch bất động sản không quy định bắt buộc phải qua sàn. Tuy vậy, tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2023), Chính phủ trình Quốc hội, đề xuất hai phương án là mua bán, chuyển nhượng, cho thuê bất động sản hình thành trong tương lai phải qua sàn, còn các giao dịch khác không bắt buộc.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị không quy định bắt buộc, mà chỉ khuyến khích giao dịch bất động sản qua sàn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thuận với quan điểm này và dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sau giải trình, tiếp thu sửa đổi theo hướng trên. Thay vào đó, Nhà nước khuyến khích mua bán, chuyển nhượng, thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất qua sàn bất động sản.

Hàng chục nghìn m2 “đất vàng” hơn chục năm bỏ hoang ở trung tâm TP.HCM

Khu đất 14.700m2 được bao bọc bởi 4 trục đường ở trung tâm TP.HCM được phê duyệt để xây dựng Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng. Tuy nhiên, hơn 10 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận, khu đất này vẫn chỉ để cỏ dại mọc um tùm.

Đã hơn chục năm nay, khu “đất vàng” này chỉ được rào chắn bao quanh, phía bên trong một ít vật liệu xây dựng được chủ đầu tư tập kết, phần lớn diện tích đất chỉ để cỏ dại mọc um tùm. Chủ đầu tư dự án hiện đang là liên danh gồm Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt và Tổng Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa. Trong đó, Phát Đạt là doanh nghiệp đã và đang phát triển nhiều dự án bất động sản trong cả nước.

Đồng Nai muốn được giao làm dự án sân bay Biên Hòa

UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị giao UBND tỉnh làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án Cảng hàng không Biên Hòa.

Văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, việc sớm đưa sân bay Biên Hòa vào khai thác hàng không dân dụng là hết sức cần thiết, tạo điều kiện rất lớn cho việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Đồng Nai. Sân bay Biên Hòa được xây dựng từ trước năm 1955, phục vụ cho mục đích quân sự. Sân bay này thuộc địa phận TP. Biên Hòa và cách TP.HCM khoảng 30km.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt sân bay Biên Hòa được quy hoạch là sân bay quốc nội khai thác lưỡng dụng (quân sự và dân sự).

Vì sao vốn bồi thường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM giảm hơn 7.200 tỉ đồng?

Chi phí giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3 đoạn qua địa bàn thành phố được phê duyệt thời điểm cuối năm 2022 là hơn 18.900 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi rà soát hồ sơ pháp lý đất của người dân và quỹ đất đền bù, các địa phương xác định tổng chi phí bồi thường, tái định cư cho dự án còn 11.700 tỉ đồng, giảm hơn 7.200 tỉ đồng so với mức phê duyệt.

Cụ thể, nhu cầu kinh phí bồi thường của TP. Thủ Đức là 6.225 tỉ đồng, huyện Củ Chi cần 1.718 tỉ đồng, huyện Hóc Môn cần 1.614 tỉ đồng và huyện Bình Chánh cần 1.687 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tổng chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hạ tầng khu tái định cư và các chi phí khác là 453 tỉ đồng.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.