Hình minh họa
Sớm bàn giao mặt bằng cao tốc Vân Phong – Nha Trang và Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột
Cao tốc Vân Phong – Nha Trang là dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 có tổng vốn đầu tư 11.808 tỉ đồng. Dự án có chiều dài dự án khoảng 83,35 km, đi qua 4 huyện, thị xã gồm Vạn Ninh với 32,255km, Ninh Hòa với 28,982km, Diên Khánh với 14,88km và Khánh Vĩnh với 7,9 km. Theo Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, về tiến độ giải phóng mặt bằng dự án hiện đã chi trả tiền bồi thường cho 2.439/2.778 trường hợp bị ảnh hưởng; bàn giao hơn 73,7/84km mặt bằng cho chủ đầu tư; hoàn thành 4/6 khu tái định cư phục vụ dự án; di dời được 3/20 hệ thống hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng…
Trong khi đó, dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đã được khởi công từ tháng 6/2023 có chiều dài 117,5 km, trong đó đoạn qua tỉnh Khánh Hòa khoảng 33,2 km và qua tỉnh Đắk Lắk khoảng 84,3 km. Đường cao tốc có vận tốc thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng. Dự án này có vai trò quan trọng giúp kết nối các tỉnh Tây Nguyên với khu vực miền Trung, đặc biệt là khu kinh tế Vân Phong.
Khánh Hòa ‘lệnh’ xử lý dứt điểm các vi phạm tồn đọng kéo dài tại nhiều dự án
UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các sở ngành liên quan hỗ trợ UBND thành phố Nha Trang trong việc xử lý dứt điểm các công trình vi phạm tồn đọng kéo dài tại các dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang (phường Vĩnh Trường); Khu biệt thự Nha Trang Sea Park (xã Phước Đồng), khu vực Đồng Muối (phường Phước Long).
Trong một diễn biến khác có liên quan, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, trong đó có nội dung liên quan đến việc xử lý các công trình xây dựng vi phạm.
Trong báo cáo, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã chỉ đạo UBND thành phố Nha Trang tổ chức cưỡng chế tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm còn tồn đọng tại các dự án, như khu biệt thự cao cấp Oceanview, phường Vĩnh Trường; khu biệt thự Nha Trang – Seapark, xã Phước Đồng; các công trình tại khu vực Đồng Muối, phường Phước Long; khu vực nghĩa trang công Binh, xã Vĩnh Ngọc.
Vingroup sắp phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu cho VinFast vay
Số tiền 10.000 tỷ đồng gồm 6.000 tỷ là kỳ hạn 36 tháng và 4.000 tỷ đồng kỳ hạn 24 tháng. Cụ thể, ba lô trái phiếu VICH2326001, VICH2326002 và VICH2326003 được phát hành với kỳ hạn là 36 tháng. Lãi suất của 2 kỳ tính lãi đầu tiên sẽ cố định ở mức 15%/năm. Từ kỳ thứ ba trở đi lãi suất sẽ bằng tổng của 4,5% và lãi suất tham chiếu. Ngày phát hành dự kiến là 14/9.
Bên cạnh đó, hai lô trái phiếu còn lại là VICH2325004 và VICH2325005 có kỳ hạn hơn là 24 tháng. Lãi suất của 2 kỳ tính lãi đầu tiên sẽ cố định ở mức 14,5%/năm. Lãi suất các kỳ tiếp theo bằng tổng của 4% và lãi suất tham chiếu. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và xác lập nghĩa vụ nợ trực tiếp với Vingroup. Mệnh giá mỗi trái phiếu là 100.000 đồng.
Bộ Công Thương đề xuất cho doanh nghiệp mua bán điện trực tiếp, không cần qua EVN
Bộ Công Thương đưa ra 2 trường hợp gồm mua bán điện giữa đơn vị phát điện, khách hàng thông qua đường dây kết nối trực tiếp hoặc mua bán điện thông qua hệ thống lưới điện quốc gia. Với trường hợp thứ nhất là mua bán điện thông qua đường dây kết nối trực tiếp, đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn khi mua bán điện không bị giới hạn về các điều kiện như công suất, sản lượng, cấp điện áp đấu nối, mục đích sử dụng điện...
Tuy nhiên, đơn vị phát điện có trách nhiệm thực hiện đầy đủ việc đầu tư xây dựng dự án điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực. Các bên cũng sẽ phải có trách nhiệm thực hiện các quy định trong mua bán điện, giá bán điện theo quy định tại Luật Điện lực và quy định về giá bán điện do Bộ Công Thương ban hành. Giá bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện lớn được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1062 ngày 4/5 (giá bán lẻ điện bình quân 1.920,3732 đồng/kWh) và các thông tư của Bộ Công Thương.
Trường hợp thứ 2 là mua bán điện thông qua hệ thống lưới điện quốc gia, bên phát điện và bên mua điện vẫn phải thông qua đơn vị bán lẻ điện (hiện EVN đang nắm độc quyền), tức là người mua và người bán không giao dịch trực tiếp với nhau như trường hợp thứ nhất. Trường hợp này cũng kèm theo nhiều điều kiện với người mua và người bán. Theo đó, yêu cầu đặt ra là đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện gió, hoặc điện mặt trời phải đấu nối vào hệ thống điện quốc gia và có công suất đặt từ 10 MW trở lên. Còn khách hàng sử dụng điện lớn là các tổ chức, cá nhân đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp từ 22 kV trở lên.
-
Bất động sản 24h: Lộ diện nhà thầu đáp ứng kỹ thuật gói thầu 35.000 tỷ sân bay Long Thành
Liên danh Vietur “ăn chắc” gói thầu 35.000 tỷ sân bay Long Thành; Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân gói 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội; Nguyên nhân khiến hơn 30 dự án bất động sản tại Bình Định chậm triển khai... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.