Bộ Công Thương đề xuất 2 trường hợp gồm mua bán điện giữa đơn vị phát điện, khách hàng thông qua đường dây kết nối trực tiếp hoặc mua bán điện thông qua hệ thống lưới điện quốc gia.

Theo báo Tuổi trẻ, Bộ Công Thương mới đây đã có báo cáo Thủ tướng về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, trong đó có phương án có thể qua đường dây riêng, không do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý,

Cụ thể, Bộ Công Thương đưa ra 2 trường hợp gồm mua bán điện giữa đơn vị phát điện, khách hàng thông qua đường dây kết nối trực tiếp hoặc mua bán điện thông qua hệ thống lưới điện quốc gia.

Bộ Công Thương đề xuất mua bán điện trực tiếp, không qua EVN

Với trường hợp thứ nhất là mua bán điện thông qua đường dây kết nối trực tiếp, đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn khi mua bán điện không bị giới hạn về các điều kiện như công suất, sản lượng, cấp điện áp đấu nối, mục đích sử dụng điện...

Tuy nhiên, đơn vị phát điện có trách nhiệm thực hiện đầy đủ việc đầu tư xây dựng dự án điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực. Các bên cũng sẽ phải có trách nhiệm thực hiện các quy định trong mua bán điện, giá bán điện theo quy định tại Luật Điện lực và quy định về giá bán điện do Bộ Công Thương ban hành.

Giá bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện lớn được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1062 ngày 4/5 (giá bán lẻ điện bình quân 1.920,3732 đồng/kWh) và các thông tư của Bộ Công Thương.

Trường hợp thứ 2 là mua bán điện thông qua hệ thống lưới điện quốc gia, bên phát điện và bên mua điện vẫn phải thông qua đơn vị bán lẻ điện (hiện EVN đang nắm độc quyền), tức là người mua và người bán không giao dịch trực tiếp với nhau như trường hợp thứ nhất.

Trường hợp này cũng kèm theo nhiều điều kiện với người mua và người bán. Theo đó, yêu cầu đặt ra là đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện gió, hoặc điện mặt trời phải đấu nối vào hệ thống điện quốc gia và có công suất đặt từ 10 MW trở lên. Còn khách hàng sử dụng điện lớn là các tổ chức, cá nhân đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp từ 22 kV trở lên.

Ngoài ra, các khách hàng cũng được ký kết trực tiếp hợp đồng kỳ hạn dạng chênh lệch với đơn vị phát điện.

Trong hợp đồng này, các bên sẽ cam kết về việc thanh toán khoản chênh lệch giữa giá thị trường điện giao ngay và giá cam kết tại hợp đồng cho một mức sản lượng điện cụ thể trong từng chu kỳ giao dịch trong trương lai.

Để tạo thuận lợi trong triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xây dựng nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Chủ đề: Điện tái tạo,
Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.