Hình minh họa
Đồng Nai sẽ đấu giá 39 khu đất trong năm 2025
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai vừa có buổi làm việc với Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh và các cơ quan liên quan về kế hoạch đấu giá đất năm 2025, theo báo Đồng Nai.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Mai Phong Phú cho biết, từ trước đến nay nhiệm vụ xây dựng và thực hiện kế hoạch đấu giá đất là Sở Tài nguyên và môi trường. Hiện nay, Sở đã trình UBND tỉnh về kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2025, kế hoạch đã lấy ý kiến thành viên UBND tỉnh và đang hoàn thiện để trình ký ban hành.
Theo kế hoạch, năm nay tỉnh sẽ tổ chức đấu giá 39 khu đất. Trong đó, 17 khu đất đã cơ bản đã hoàn tất thủ tục; 21 khu đất theo các đề án khai thác quỹ đất lợi thế tỉnh đã ban hành trước đây kiến nghị UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương hoàn thành thủ tục để đấu giá; bổ sung thêm 1 khu đất đấu giá tại huyện Xuân Lộc.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh, vướng mắc đối với các khu đất dự kiến đấu giá là quy định cụ thể thẩm định điều kiện, năng lực người đăng ký tham gia đấu giá; lựa chọn đơn vị tổ chức cuộc đấu giá; giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh chủ trì lập, trình kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất hàng năm cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh.
Những khu vực nào tại Bình Định sẽ lên thành phố, thị xã trong thời gian tới?
Ngay trong năm 2025, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu sẽ có thêm một thành phố và một thị xã. Định hướng đến năm 2035, toàn tỉnh sẽ có 18 đô thị các loại.
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, toàn tỉnh có 21 đô thị (1 đô thị loại I - TP Quy Nhơn; 2 đô thị loại III - TP An Nhơn, TX Hoài Nhơn; 1 đô thị loại IV - đô thị Tây Sơn; 17 đô thị loại V). Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên 55%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt 10%; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 11%; diện tích cây xanh đô thị bình quân đạt 6 m2/người; tỷ lệ người dân đô thị sử dụng nước sạch tập trung đạt 90%; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 30 m2.
Đến năm 2030, hệ thống đô thị tỉnh có 21 đô thị. Trong đó, cùng với TP Quy Nhơn, TP An Nhơn, sẽ phát triển TX Hoài Nhơn lên thành phố; đối với đô thị loại IV, cùng với thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát), còn có hai huyện Tuy Phước, Tây Sơn và đồng thời phát triển lên thị xã; 15 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh trên 60%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt 11%; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 16%; diện tích cây xanh đô thị bình quân 10 m2/người; tỷ lệ người dân đô thị sử dụng nước sạch tập trung đạt 95%; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 33 m2.
Hạ tầng giao thông Đà Nẵng sẽ được đầu tư như thế nào trong năm nay?
Trong năm 2025, TP. Đà Nẵng sẽ đẩy nhanh xây dựng hàng loạt hạ tầng giao thông kết nối nội tỉnh và khu vực. Cụ thể như dự án cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu; tuyến đường vành đai phía tây (đoạn qua Khu công nghệ thông tin tập trung); khởi công dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường nội thị khu vực quận Thanh Khê, Liên Chiểu; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường nội thị khu vực quận Ngũ hành Sơn.
Đồng thời, sớm hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các đường trục chính, liên khu vực kết nối theo quy hoạch, tuyến đường vành đai phía tây, tuyến đường vành đai phía tây 2 (đoạn từ đường số 8 khu công nghiệp Hòa Khánh đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), tuyến đường Nguyễn Sinh Sắc nối dài, tuyến đường 30m đoạn từ đường Ngô Quyền đến đường Lê Tấn Trung, tuyến giao thông kết nối đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan với quốc lộ 14B, tuyến đường kết nối đường Tuyên Sơn - Túy Loan với đường Cầu Đỏ - Túy Loan;
Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ chợ Túy Loan đến quốc lộ 14G, tuyến kết nối từ ĐT.601 lên đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Hòa Liên, đường Ngô Xuân Thu, cụm nút giao thông Lê Thanh Nghị - Cách Mạng Tháng Tám - Thăng Long - đường dẫn lên cầu Hòa Xuân, hầm qua sân bay, các tuyến đường giao thông kết nối khu bến cảng Liên Chiểu với Khu thương mại tự do...
Hà Nội khởi công tuyến đường nối với nơi sẽ xây dựng nhà hát 10.000 tỷ
Tuyến đường Đặng Thai Mai có tổng chiều dài 1,26km, điểm đầu giao với đường Xuân Diệu, điểm cuối tại khu biệt thự Tây Hồ. Với quy mô mặt cắt ngang từ 20,5m đến 93,6m, tuyến đường bao gồm đường xe chạy, hè đường, hệ thống cấp thoát nước, chiếu sáng, cây xanh và trục cảnh quan sinh thái.
Dự án có tổng mức đầu tư 552,697 tỷ đồng, sử dụng ngân sách quận Tây Hồ (165 tỷ đồng) và ngân sách Thành phố Hà Nội giai đoạn 2025-2026.
Để triển khai dự án, quận Tây Hồ cần thu hồi tổng diện tích 49.317m2 đất với 183 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng. Trong đó, quận dự kiến bố trí tái định cư cho 49 hộ và tổng kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) ước tính đạt 391,431 tỷ đồng.
Ngày 18/12/2024, UBND quận Tây Hồ đã ban hành Quyết định số 2205/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch và tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, và tái định cư, với mục tiêu hoàn tất GPMB vào tháng 6/2025, đảm bảo dự án hoàn thành đúng kế hoạch vào tháng 6/2026.
-
Hải Phòng đấu giá thành công khu đất hơn 1,6ha để xây toà nhà 27 tầng, giá trúng gần 950 tỷ đồng; Đầu tư 1,5 tỷ USD, “ông lớn” Nhật Bản tiết lộ kế hoạch triển khai các dự án tại Việt Nam;Thành phố trực thuộc Trung ương “trẻ nhất” Việt Nam mời gọi đầu tư khu đô thị gần 1.200 tỷ đồng... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.