15/04/2025 6:45 PM
Thông tin mới nhất về tuyến đường sắt tốc độ cao 350km/h, chạy qua 20 tỉnh thành; TP.HCM sẽ đầu tư hơn 77.000 tỷ đồng tới năm 2030 để phát triển cảng biển; Lấy ý kiến về sáp nhập TP.HCM với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Bất động sản 24h: Cuối năm 2026 sẽ khởi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam- Ảnh 1.

Hình minh họa

Thông tin mới nhất về tuyến đường sắt tốc độ cao 350km/h, chạy qua 20 tỉnh thành

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, với chiều dài hơn 1.500km, kết nối 20 tỉnh, thành phố từ Hà Nội đến TP.HCM dự kiến được khởi công xây dựng vào cuối năm 2026.

Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ dự thảo nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết 172/2024 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Theo đó, Bộ Xây dựng đã lập kế hoạch chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao với 3 giai đoạn.

Giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, gồm lập hồ sơ mời thầu các gói thầu tư vấn lập báo cáo, tư vấn giám sát, thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến hoàn thành công tác thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước và trình Thủ tướng phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi từ nay đến tháng 9/2026.

Giai đoạn giải phóng mặt bằng gồm bàn giao cọc, công tác kiểm đếm, lên phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, xây dựng khu tái định dự kiến thực hiện từ năm 2025 đến tháng 6/2028. Giai đoạn chuẩn bị triển khai dự án bao gồm lựa chọn nhà thầu và khởi công công trình từ tháng 10/2026 đến tháng 12/2026.

TP.HCM sẽ đầu tư hơn 77.000 tỷ đồng tới năm 2030 để phát triển cảng biển

Ngày 14/4, Bộ Xây dựng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một phần trong chiến lược nâng cao năng lực vận tải biển, đảm bảo TP.HCM duy trì vị thế là một trong những trung tâm logistics hàng đầu của khu vực.

Theo quy hoạch, các khu bến cảng trọng điểm của thành phố sẽ bao gồm Cát Lái - Phú Hữu, sông Sài Gòn, Hiệp Phước, Nhà Bè, Long Bình và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Đặc biệt, khu bến cảng Cát Lái - Phú Hữu dự kiến sẽ được đầu tư 07 bến cảng với tổng cộng 22 cầu cảng, chiều dài lên tới 3.640m và năng lực thông qua hàng hóa từ 90 triệu tấn đến 99 triệu tấn mỗi năm. Đây là một trong những khu bến cảng trọng yếu, góp phần lớn vào khả năng vận chuyển hàng hóa của TP.HCM trong tương lai.

Khu bến cảng trên sông Sài Gòn sẽ không tiếp nhận hàng hóa, mà chủ yếu được chuyển đổi công năng để phục vụ cho các bến đón khách sau khi di dời. Tuy nhiên, trước khi việc di dời hoàn tất, bến cảng này vẫn sẽ được khai thác với quy mô hiện tại, phục vụ khoảng 93.000 đến 101.000 lượt khách mỗi năm.

Trong khi đó, khu bến cảng Hiệp Phước, một trong những khu vực quan trọng của thành phố, sẽ được đầu tư 20 bến cảng, với tổng chiều dài lên tới 8.372m, đáp ứng năng lực thông qua hàng hóa từ 73 triệu tấn đến 84 triệu tấn, phục vụ nhu cầu hàng hóa tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.

Hà Nội chi gần 880 tỷ đồng xây cầu vượt Lê Trọng Tấn – Quốc lộ 6

Hà Nội vừa chính thức phê duyệt chủ trương đầu tư cầu vượt tại nút giao đường Lê Trọng Tấn – Quốc lộ 6, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 880 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2026–2028.

Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội làm chủ đầu tư, thuộc nhóm B, được kỳ vọng sẽ giải tỏa áp lực giao thông và cải thiện đáng kể diện mạo đô thị khu vực cửa ngõ phía Tây Thủ đô.

Cầu vượt quy mô 4 làn xe, thiết kế có nhịp chính và nhịp dẫn bằng thép, chiều dài toàn cầu khoảng 883m. Ngoài ra, sẽ tổ chức lại giao thông tại nút, xén hè mở rộng mặt đường xe chạy, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu mới, đồng thời di dời, xây dựng lại hạ tầng kỹ thuật và cây xanh để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Lấy ý kiến về sáp nhập TP.HCM với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu

TP.HCM triển khai lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu để thành lập thành phố mới, nhằm mở rộng không gian phát triển.

Từ ngày 13/4, các phường ở TP.HCM bắt đầu phát phiếu lấy ý kiến cử tri về việc sáp nhập TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thành TPHCM mới. Người dân chọn "đồng ý" hoặc "không đồng ý" và có thể ghi ý kiến khác vào phiếu, theo Báo điện tử Chính phủ.

Theo đề án, TP.HCM sau sáp nhập sẽ có diện tích hơn 6.772 km2, dân số hơn 13,7 triệu người và 190 đơn vị hành chính cấp cơ sở.

Trung tâm hành chính - chính trị ở 86 Lê Thánh Tôn (quận 1, TP.HCM), cơ sở 2 ở Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, đường Lê Lợi, TP. Thủ Dầu Một và cơ sở 3 ở Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số 1 đường Phạm Văn Đồng, TP Bà Rịa.

Việc sáp nhập trên nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và thúc đẩy liên kết vùng theo Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị đồng thời tạo động lực phát triển cho toàn khu vực Đông Nam Bộ.

Hoàng An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.