Theo ghi nhận của Thanh Niên, hàng trăm cán bộ công an đã được huy động để đảm bảo an ninh trật tự cho phiên tòa. Chỉ những người có giấy mời mới được vào tòa. Một số người dân và cả người nước ngoài đứng khá đông ở phía góc đường, chếch đối diện tòa án.
Từ trái qua: Bị cáo Đoàn Văn Vươn và bị cáo Đoàn Văn Quý
Các bị cáo gồm: Đoàn Văn Vươn (50 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi), Đoàn Văn Quý (47 tuổi), Đoàn Văn Vệ (39 tuổi), bị truy tố về hành vi “giết người” theo điều 93 Bộ luật hình sự.
Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn, 43 tuổi), Phạm Thị Báu (vợ ông Quý, 31 tuổi) bị truy tố về hành vi “chống người thi hành công vụ” theo điều 257 Bộ luật hình sự.
Từ trái qua: Bị cáo Đoàn Văn Sịnh và bị cáo Đoàn Văn Vệ
Từ trái qua: Bị cáo Phạm Thị Báu và bị cáo Nguyễn Thị Thương
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Phạm Đức Tuyên. Luật sư (LS) bảo vệ cho các bị cáo gồm: LS Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Hà Luân bảo vệ cho bị cáo Vươn và Quý; LS Phạm Văn Nga bảo vệ cho bị cáo Sịnh và Vệ; LS Trần Đình Triển, Vũ Văn Lợi, Nguyễn Hồng Bách, Đinh Thị Hòa, Nguyễn Minh Long bảo vệ cho bị cáo Thương và Báu.
Người bị hại là ông Lê Văn Mải, nguyên Trưởng công an H.Tiên Lãng cùng 6 cán bộ, chiến sĩ thuộc công an, Ban chỉ huy quân sự huyện.
Theo cáo trạng của Viện KSND thành phố, ngày 28.12.2011, sau khi nhận được thông báo cưỡng chế thu hồi khu đầm của UBND H.Tiên Lãng, Đoàn Văn Vươn không chấp nhận nên đã bàn bạc cùng Quý, Sịnh, Đoàn Văn Thoại, em trai Vươn và Phạm Thái, anh vợ Quý (cả hai hiện đang bỏ trốn, đã có quyết định truy nã của Công an Hải Phòng) quyết tâm giữ khu đầm bằng mọi cách.
Sau đó, cả gia đình ông Vươn đã tổ chức làm hàng rào, trải rơm tẩm xăng, làm mìn tự tạo chôn trên đường vào khu đầm, đồng thời mua thêm súng hoa cải (trước đó Vươn và Quý đã có một khẩu). Sáng ngày 5.1.2012, khi lực lượng cưỡng chế của huyện tiến vào khu đầm, Quý đã kích nổ bình ga, sau đó Quý và Thoại dùng súng hoa cải tiếp tục bắn vào đoàn cưỡng chế và bỏ trốn khỏi hiện trường.
Hậu quả làm 7 người trong đoàn cưỡng chế bị thương (giảm từ 1 % đến 43% sức lao động).