Mới đây, Bitexco tuyên bố sẽ ngừng cung cấp dịch vụ trông giữ xe tại tầng hầm nếu chủ hộ không đóng phí. Mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân về sở hữu tầng hầm của tòa nhà đang là vấn đề nan giải ở nhiều chung cư hiện nay.

Đua nhau tăng phí

Tại dự án The Manor, trong suốt thời gian dài, chủ đầu tư và cư dân xảy ra tranh chấp về sở hữu phần chung riêng liên quan tới tầng hầm và tầng trệt của tòa nhà. Theo đại diện chủ đầu tư, tầng hầm The Manor được đầu tư hiện đại nhưng mức phí trông giữ xe ôtô tại đây đang áp dụng mức tối thiểu một xe là 875.000 đồng/tháng. Đơn vị này cũng phải ứng số tiền hàng tỷ đồng để thuê doanh nghiệp trông giữ xe đảm bảo an ninh, an toàn tài sản cho cư dân. Không đủ kinh phí để tiếp tục bù đắp, Bitexco - chủ đầu tư dự án - có thể ngừng dịch vụ trông giữ xe tại tầng hầm với những xe không đóng phí. Trong thời gian gần đây, nhiều hộ dân không đóng phí vì cho rằng chủ đầu tư chưa chứng minh được quyền sở hữu tầng hầm.

Cách đây 5 năm, cư dân The Manor cũng đã phải biểu tình phản đối chủ đầu tư tự thu phí dịch vụ giá trên trời phí gửi xe ôtô là 100 USD/tháng, xe máy 10 USD/tháng... Việc khiếu kiện ầm ĩ cuối cùng cũng có tác dụng. Chủ đầu tư đành giảm giá tuy vẫn cao hơn so với quy định. Hiện phí trông xe máy 104.000 đồng/tháng, ôtô 875.000 đồng/tháng xe thứ nhất và 1,2 triệu đồng/tháng xe thứ hai.

Trước The Manor, không ít dự án cũng vướng mắc phải tình trạng tương tự. Đơn cử như chung cư Keangnam bị tai tiếng trong thời gian dài do tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân về mức phí dịch vụ của tòa nhà, trong đó có tiền gửi xe "giá khủng". Phí trông ôtô, xe máy được chủ đầu tư áp dụng lần lượt là 1,462 triệu đồng và 104.000 đồng mỗi tháng, trong khi đó, quy định phí giữ ôtô và xe máy tại các chung cư trên địa bàn quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm là 875.000 đồng và 45.000 đồng. Mức phí xe máy tính theo lượt của chủ đầu tư đưa ra lên tới 10.000 đồng, gấp nhiều lần quy định của thành phố. Theo đại diện chủ đầu tư, mức phí giữ xe cao hơn khung quy định của thành phố để hạn chế người ngoài vào gửi xe ở chung cư.

Người dân chung cư 96 Định Công biểu tình phản đối mức phí trông giữ xe cao hơn so với quy định

Tại dự án Sky City 88 Láng Hạ cách đây một năm, hàng trăm chiếc xe ôtô hạng sang cùng cư dân sinh sống trong tòa nhà này đã treo băng rôn phản đối việc Ban quản lý tòa nhà thu tiền quá cao so với quy định. Ban quản lý đã đơn phương gửi thông báo đến từng căn hộ về việc sẽ thu phí đỗ xe ôtô với mức giá 2,5 triệu đồng/tháng/xe và mức phí quản lý 8.000 VNĐ/m2/tháng. Sau khi nhận được thông báo này, hầu hết người dân đều cảm thấy ngỡ ngàng và lo lắng. Lý do, phía ban quản lý chưa bàn bạc và lấy ý kiến của cư dân đã tự động đưa ra mức phí gửi xe trên với lập luận: "Tầng hầm thuộc sở hữu của nhà đầu tư và nhà đầu tư có quyền kinh doanh dưới mọi hình thức... ". Trước sức ép của cư dân, chủ đầu tư đã buộc phải hạ mức thu phí trông giữ xe.

Tương tự như vậy, dự án Golden Westlake cũng bị cư dân đang sinh tố "tố" vì đã vô cớ tăng phí trông xe, vi phạm nhiều khoản trong việc quản lý và sử dụng toà nhà. Chủ đầu tư Công ty TNHH Hà Việt Tung Shing đã yêu cầu cư dân phải nộp phí đỗ xe tầng hầm với mức 2,5 triệu đồng/tháng, sau đó, lại thông báo giảm xuống còn 2 triệu. Đơn vị này cũng yêu cầu, tất cả những cư dân chưa đóng tiền thuê chỗ đỗ xe theo giá mới sẽ bị khóa thẻ ra vào tầng hầm để xe. Không đồng tình với mức phí quá mập mờ, nhiều cư dân chưa đóng tiền thuê chỗ đỗ xe theo giá mới đã tập trung lại yêu cầu Ban quản lý có câu trả lời thoả đáng. Mâu thuẫn chính xung quanh việc chủ đầu tư khẳng định sở hữu riêng đối với các tầng hầm và toàn quyền kinh doanh tầng hầm.

Dự án chung cư 93 Lò Đúc, NO5 Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính hay 96 Định Công cũng từng bị người dân biểu tình phản đối về mức phí trông giữ xe cao hơn so với quy định của thành phố.

Cần pháp lý đủ mạnh

Cần pháp lý đủ mạnh

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch công ty luật Basico, việc tầng hầm của nhà chung cư là sở hữu chung hay riêng vẫn chưa thật rõ, nên đã dẫn đến nhiều vụ tranh chấp về sở hữu với tầng hầm. Nếu chủ đầu tư cho thuê nhà, thì đương nhiên tầng hầm để xe thuộc sở hữu của họ. Còn nếu chủ đầu tư bán nhà, thì tầng hầm để xe phải thuộc sở hữu của người mua. Chủ đầu tư nào bán căn hộ nhưng vẫn cố tình giữ lại quyền sở hữu tầng hầm để xe cho mình, thì không khác nào muốn giữ lại sở hữu lối đi, hành lang, cầu thang đi vào căn hộ.

Ông Đức cho rằng, ai đứng ra trông xe không quan trọng. Khác nhau cơ bản ở chỗ, khoản thu từ việc giữ xe ấy vào túi nhà đầu tư hay quay trở lại bù đắp cho chi phí vận hành chung cư. Nếu thuộc trường hợp thứ hai thì giá cả trông xe không thật sự quan trọng, vì tiền chỉ từ túi nọ sang túi kia của chính người dân trong chung cư.

Ông Đức đưa ra kiến nghị, cần ban hành các văn bản quy định và giải thích thật rõ ràng, hợp lý khẳng định: tầng hầm (để xe) phải thuộc sở hữu chung. Chỉ trong trường hợp có thoả thuận khác, thì mới thực hiện theo thoả thuận.

Luật sư Trương Chí Công, văn phòng luật sư C&M cho biết, về nguyên tắc, những người sở hữu căn hộ, ngoài việc sở hữu riêng các diện tích sử dụng riêng, còn là đồng chủ sở hữu đối với toàn bộ diện tích chung của toà nhà và họ phải được pháp luật bảo vệ quyền sở hữu đó.

Theo ông Công, cần có quy định cụ thể diện tích để xe tối thiểu tính trên số lượng căn hộ tại Toà nhà được sử dụng làm nơi để xe ôtô, xe máy của các căn hộ. Diện tích để xe này cũng phải thuộc sở hữu chung của toà nhà và các cư dân và chủ đầu tư phải được quy định tại Hợp đồng mua bán.

Người dân sinh sống tại chung cư có mức thu phí cao hơn quy định có quyền gửi đơn khiếu nại lên UBND TP. Hà Nội, yêu cầu tiến hành các biện pháp xử phạt hành chính và biện pháp cưỡng chế thực hiện quy định của cơ quan quản lý nhà nước.
Duy Anh (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.