Trước nhu cầu bức thiết về nhà ở xã hội và nhà ở cho người có thu nhập thấp, gần đây UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép các DN đầu tư xây dựng hàng loạt các dự án chung cư Vĩnh Điềm Trung, An Bình, 312 Dã Tượng...

Căn hộ chung cư Vĩnh Điềm Trung với giá cao, không phù hợp cho người có thu nhập thấp. Ảnh: Lưu Phong

Tuy nhiên, các căn hộ chung cư đều chào bán với giá cao “cắt cổ” nên hầu hết các đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp không thể tiếp cận được các dự án này. Công nhân lao động (CNLĐ) cũng đành “ngoảnh mặt” khi nhà ở tại khu công nghiệp cho thuê giá cao!

Chung cư dành cho... nhà giàu!

Các đối tượng thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có nhu cầu nhà ở rất lớn, nhưng việc triển khai xây dựng một số nhà ở xã hội quá chậm, hoặc lập thủ tục rồi “treo” dự án kéo dài. Mới đây, UBND tỉnh đã phải thu hồi hai dự án nhà ở thu nhập thấp là chung cư An Sinh và dự án 57 Cao Thắng, phường Phước Long. Điều đáng nói là, dự án đã thu hồi nhưng hiện vẫn chưa có phương án xử lý nguồn vốn 69,5 tỉ đồng thuộc sở hữu nhà nước sau khi chuyển giao cho TCty Sông Hồng để thực hiện dự án nhà ở 57 Cao Thắng!

Hiện một số dự án chung cư như Vĩnh Điềm Trung, An Bình... chào bán căn hộ nhưng ít người thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách đăng ký mua vì giá quá cao. Về nguyên tắc, giá bán nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp được xây dựng trên cơ sở tính đủ chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng, kể cả lãi vay (nếu có) và lợi nhuận định mức (không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước vào giá bán nhà ở - PV).

Sở Tài chính là đơn vị tham mưu giúp UBND tỉnh thẩm định và phê duyệt giá bán, giá cho thuê nhà ở theo đề nghị của chủ đầu tư. Nhưng thực tế bất hợp lý là sự chênh lệch mức giá quá cao của các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người có nhu cầu nhà ở.

Chị Đặng Thị Hiền - cán bộ ngành công thương tỉnh - cho hay: “Hàng trăm cán bộ, viên chức có thu nhập thấp, trong khi hiện nay giá bán bình quân của các dự án nhà ở từ khoảng 7-8 triệu đồng/m2. Cá biệt, giá bán căn hộ của chung cư Dã Tượng bình quân 16,6 triệu đồng/m2. Đây là mức giá bán căn hộ chỉ dành cho... nhà giàu, chứ các đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp hoàn toàn không có khả năng tiếp cận!”.

Để đảm bảo hoàn vốn cho chủ đầu tư, UBND tỉnh Khánh Hòa đã sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để nhận “chuyển giao” 46 căn hộ của chủ dự án 312 chung cư Dã Tượng với giá cao để bán lại cho người có nhu cầu. Tuy nhiên, theo giám sát của HĐND tỉnh, hiện dự án này vẫn còn 21 căn hộ chưa có người đăng ký mua! Tồn tại hiện nay là, tỉnh chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể đối với đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp...

“Treo” các dự án nhà ở cho CNLĐ

Tỉnh Khánh Hòa đã triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng nhà ở cho CNLĐ ở các khu công nghiệp (KCN) để kêu gọi đầu tư theo hướng xã hội hóa. Thế nhưng, đến nay hầu hết các dự án này đều “treo”, do không thu hút được nhà đầu tư, còn phụ thuộc vào các dự án đang triển khai đầu tư ở các KCN!

Hiện tại ở KCN Suối Dầu, huyện Cam Lâm với 9.000 CNLĐ đang làm việc, với mức lương rất thấp, chỉ từ 2-3 triệu đồng/tháng. Trong thời gian qua, tại KCN này đã xây dựng một khối nhà cho công nhân thuê, nhưng giá thuê quá cao (khoảng 500.000 đồng/tháng, sau đó giảm còn 200.000 đồng/tháng, chưa tính các khoản chi phí quản lý, điện nước...).

Chị Võ Thị Thanh - công nhân may ở KCN Suối Dầu - cho biết: “Mức giá cho thuê nhà ở như vậy là không phù hợp với thu nhập của người lao động. Đa số CNLĐ đi thuê nhà ở của các hộ tư nhân ở xung quanh KCN với giá chỉ 200.000 đồng/phòng/4 người”.

Ông Trần An Khánh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa - bức xúc nói: Khối nhà tại KCN Suối Dầu không có người thuê, bỏ lãng phí. Điều này cho thấy, chính sách đầu tư xây dựng nhà ở cho CNLĐ thuê tại KCN chưa thật sự hiệu quả, thiếu tính khả thi...

  • Buồn thảm như nhà đất cuối năm

    Buồn thảm như nhà đất cuối năm

    Ghi nhận từ những tháng cuối cùng của năm, thị trường BĐS vẫn khá lặng lẽ, ảm đạm chưa có dấu hiệu ấm lên.

  • GS TSKH Đặng Hùng Võ viết về dự án Văn Giang: Những bài học kinh nghiệm từ Văn Giang

    GS TSKH Đặng Hùng Võ viết về dự án Văn Giang: Những bài học kinh nghiệm từ Văn Giang

    Được lãnh đạo ở cơ sở cho biết, lãnh đạo và đa số người dân đều đồng thuận với chủ trương đô thị hóa Văn Giang, nơi giáp với thủ đô Hà Nội. Nhưng vì sao mà khiếu nại đông người và dài ngày ở đây vẫn không thể dứt? Tôi rất hiểu những bất bình của người dân bị thu hồi đất, chính sách bồi thường chưa thỏa đáng, sinh kế bị mất, cuộc sống bị đảo lộn. Từ đây, có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm có ích để giải quyết tận gốc khiếu nại của dân, cũng như cho quá trình hoàn chỉnh Dự thảo Luật Đất đai.

Theo Lưu Phong (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.