05/10/2017 11:25 AM
Bất chấp những nỗ lực của các ngành chức năng, vi phạm về xây dựng trên địa bàn TPHCM vẫn không giảm mà còn tăng thêm.

Nhà xây dựng không phép trên đất công của Phân viện miền Nam Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam (quận 9)

Trong 9 tháng đầu năm 2017, công trình xây dựng không phép tăng gần 36%, công trình xây dựng sai phép tăng hơn 11% so với cùng kỳ. Trước thực trạng này, người đứng đầu ngành xây dựng TPHCM cũng phải nhìn nhận: “Vi phạm xây dựng như bom nổ chậm” và đề xuất chuyển lực lượng thanh tra xây dựng về lại quận, huyện.

Nhiều bất cập khi xử lý vi phạm

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về câu chuyện UBND phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) tổ chức c
ưỡng chế tháo dỡ 44 căn phòng trọ vì xây dựng sai quy hoạch. Vi phạm này đã được Đội Thanh tra xây dựng địa bàn quận Thủ Đức (thuộc Thanh tra Sở Xây dựng) lập biên bản từ tháng 11-2015 và yêu cầu tháo dỡ.

Thế nhưng, do chậm xử lý dứt điểm (dù chính quyền địa phương có ra quyết định đình chỉ thi công, tạm giữ tang vật, phương tiện thi công…), chủ đầu tư vẫn hoàn thành được công trình và đưa vào sử dụng. Mãi đến tháng 8-2017, cơ quan chức năng mới tổ chức cưỡng chế. Thiệt hại lúc này là khá lớn và đây có thể là một trong các nguyên nhân chính khiến người dân bức xúc phản ánh.

Sự chậm trễ trong việc cưỡng chế nêu trên có phần xuất phát từ mô hình tổ chức lực lượng thanh tra xây dựng hiện nay, cũng như công tác phối hợp, xử lý vi phạm xây dựng giữa địa phương với lực lượng chuyên ngành còn nhiều vướng mắc. Điều đáng nói, bất cập này diễn ra ở hầu khắp các quận - huyện trên địa bàn TPHCM. Một lãnh đạo UBND quận 9 cho biết thêm, quận 9 có quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Bình quân mỗi năm quận tăng khoảng 17.000 người, tương đương với dân số của một phường.

Ngoài ra, quận còn tiếp giáp với những nơi sử dụng lượng lao động lớn và gần các trường học, nên nhu cầu về phòng trọ cao. Nhu cầu xây dựng nhà ở rất lớn, trong khi quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng (theo Quyết định 58/2013 của UBND TPHCM - PV) còn bất cập. Vì vậy, thời gian qua trên địa bàn quận 9 phát sinh nhiều trường hợp xây dựng không phép.

“Trước đây, lực lượng kiểm tra, xử lý nhà xây dựng không phép tại các phường gồm cán bộ địa chính - xây dựng và 2 hoặc 3 thanh tra xây dựng quận phụ trách địa bàn phường. Tuy nhiên, sau khi tách thanh tra xây dựng về Sở Xây dựng quản lý thì công việc này chỉ do 1 cán bộ địa chính - xây dựng phường đảm nhiệm. Vốn dĩ khối lượng công việc của cán bộ địa chính - xây dựng phường khá lớn, nên càng thêm khó khăn trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ xây dựng không phép. Đội Trật tự đô thị thì không có chức năng kiểm tra nên việc phát hiện công trình xây dựng vi phạm còn hạn chế.

Về phía Đội Thanh tra xây dựng địa bàn, sau khi phát hiện công trình xây dựng sai phép thì chuyển hồ sơ cho UBND quận thực hiện việc cưỡng chế tháo dỡ phần vi phạm. Điều này gây khó khăn cho quận ban hành quyết định cưỡng chế, do khi hồ sơ được chuyển đến thì hầu như các công trình này đã hoàn tất, đưa vào sử dụng, gây lãng phí cho người dân”, vị lãnh đạo UBND quận 9 phân tích.

Gỡ vướng cách nào?

Để giải quyết bất cập, UBND quận 9 kiến nghị được phép thành lập các tổ chuyên trách ở từng phường để xử lý các công trình xây dựng không phép. Tổ này do Chủ tịch UBND phường làm tổ trưởng và các thành viên gồm địa chính phường, nhân viên trật tự đô thị, thanh tra xây dựng (địa bàn) và cảnh sát khu vực. Trong khi đó, UBND huyện Nhà Bè kiến nghị Sở Xây dựng tham mưu cho UBND TP sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp quản lý xây dựng theo hướng giao trách nhiệm cho đội thanh tra xây dựng địa bàn phối hợp với UBND phường, xã, thị trấn kiểm tra, xử lý công trình xây dựng không phép.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn, Quyết định 58/2013 của UBND TPHCM đã xác định rõ các nguyên tắc xử lý, phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng với UBND các cấp. Theo quy chế, UBND cấp phường có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và xử lý các công trình xây dựng không phép. Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra, xử lý công trình xây dựng sai phép. Tuy nhiên, trong thực tế thực hiện vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Chính vì có những khoảng hở trong phối hợp, xử lý, dẫn đến số vụ vi phạm tăng cao như thời gian qua.

Theo ông Trần Trọng Tuấn, hiện nay lực lượng thanh tra xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng, ở cấp quận không có. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý xây dựng ở cơ sở, nên cần đưa thanh tra xây dựng về quận - huyện để bám sát cơ sở hơn. “Theo Luật Thanh tra, lực lượng thanh tra xây dựng chỉ được tổ chức ở 2 cấp là cấp trung ương và cấp tỉnh.

Sở Xây dựng đề xuất đưa thanh tra xây dựng về quận - huyện nhưng vẫn đảm bảo thanh tra 2 cấp, có nghĩa là tính toán lại quy chế cho phù hợp với phân công nhiệm vụ của Sở Xây dựng và với địa bàn. Theo đó, biên chế của thanh tra xây dựng thuộc sở sẽ giảm, chuyển biên chế này về cho các quận - huyện. Lực lượng chuyển về quận - huyện tuy mặc áo trật tự đô thị và không gọi là thanh tra sở nữa nhưng vẫn có chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm xây dựng. Sắp tới, Sở Xây dựng sẽ tham khảo ý kiến của Sở Nội vụ, Sở Tư pháp để đề xuất UBND TP về vấn đề này”, ông Trần Trọng Tuấn thông tin.

Tại buổi làm việc với UBND huyện Nhà Bè vào ngày 29-9, Chánh văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhận xét, công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP hiện nay chưa được thực hiện tốt. Nguyên nhân có phần từ việc “gom” lực lượng thanh tra xây dựng (với các yêu cầu về bằng cấp, kinh nghiệm, năng lực chuyên môn…) từ các địa phương về Sở Xây dựng. Vì vậy, Sở Xây dựng cần báo cáo với Thường trực UBND TP về việc giao cho các quận - huyện quản lý thanh tra xây dựng cùng cấp. Trên cơ sở đó, lãnh đạo TP sẽ xem xét, báo cáo Bộ Nội vụ và Thủ tướng Chính phủ cho phép TPHCM tổ chức lại lực lượng thanh tra xây dựng ở quận - huyện như trước đây.
Kiều Phong (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.