Nhiều dự án BT (dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao) trên địa bàn TP.HCM đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt sai phạm...

Điển hình là 3 dự án BT: đường song hành từ đường Mai Chí Thọ đến đường Vành đai 2, đường D3 kết nối vào cảng Sài Gòn – Hiệp Phước, dự án đường nối Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa.

Nhà nước trả lãi 10 tỷ đồng/tháng

Tại dự án đường nối Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (Quốc lộ 1, quận Thủ Đức) do Công ty CP Văn Phú Bắc Ái (Liên danh 3 công ty: Công ty CP Đầu tư HNS Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Văn Phú – Invest và Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái) thực hiện.

Ngày 25/11/2016, UBND TP.HCM ký kết hợp đồng BT với Công ty CP Văn Phú Bắc Ái. Hợp đồng ký kết có giá trị 2.765 tỷ đồng; trong đó, giá trị xây dựng gần 945 tỷ đồng, còn lại là bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Bất cập từ những dự án BT: Nhà nước “oằn lưng” trả lãi, ai chịu trách nhiệm cho những sai phạm, hạn chế?  - Ảnh 1.

Dự án đường nối Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (đoạn gần cầu Gò Dưa) đang tạm ngưng thi công - Ảnh: Quang Phương.

Tổng Giám đốc Công ty CP Văn Phú Bắc Ái, Trần Đức Thắng cho biết: Tính đến thời điểm tháng 5/2020, tổng giá trị ứng vốn giải phóng mặt bằng và thực hiện thi công tuyến đường là 1.370 tỷ đồng. Khoản lãi vay ước tính UBND thành phố sẽ phải chịu tính đến tháng 5/2020 là 222 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng khoảng 10 tỷ đồng.

Để đổi lấy dự án, dự kiến UBND TP.HCM sẽ thanh toán các khu đất có vị trí đắc địa cho nhà đầu tư gồm: khu đất 234 Lý Tự Trọng (Quận 1, diện tích 642,3m2), khu đất 129 Đinh Tiên Hoàng (Quận 3, diện tích 7.200m2), khu đất 582 Kinh Dương Vương (quận Bình Tân, diện tích 12.240m2), khu đất 132 Đào Duy Từ (Quận 10, diện tích 10.618m2), khu đất 12 Kỳ Đồng (Quận 3, diện tích 940m2), khu đất 42 Trương Định (Quận 3, diện tích 807m2).

Tuy nhiên, đến nay các sở, ngành thành phố vẫn chưa thống nhất, dẫn đến việc giao đất cho nhà đầu tư chưa thực hiện được, kéo theo nhiều hệ luỵ về tài chính đối với ngân sách; trong đó có việc mỗi tháng UBND TP.HCM phải chi trả khoảng 10 tỷ đồng trả lãi suất.

Theo Kiểm toán Nhà nước, tại dự án này, việc lập dự toán bóc tách khối lượng, áp dụng đơn giá chưa chính xác với số tiền 10,5 tỷ đồng. Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện chậm tiến độ, việc xác nhận chi phí hoàn thành chưa chính xác gần 1,9 tỷ đồng; qua kiểm toán điều chỉnh giảm lãi vay tương ứng phần vốn thực hiện dự án BT gần 12 tỷ đồng và phần vốn dự án giải phóng mặt bằng gần 33 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm khác tại dự án này như: Hợp đồng BT ký kết không quy định cơ cấu tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện dự án đền bù giải phóng mặt bằng… Công ty CP Văn Phú Bắc Ái chưa thực hiện kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo nghĩa vụ…

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo thực hiện các thủ tục theo quy định đối với các khu đất thanh toán cho nhà đầu tư thự hiện dự án khác nhằm đảo bảo tính khả thi của phương án tài chính và giảm chi phí của dự án do chậm thanh toán dẫn đến phát sinh chi phí lãi vay; Công ty CP Văn Phú Bắc Ái điều chỉnh giảm chi phí đầu tư thực hiện và chi phí lãi vay đến thời điểm được kiểm toán với số tiền 38,76 tỷ đồng, giảm thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ số tiền 33,8 tỷ đồng.

Chưa xác định giá trị khu đất đối ứng

Dự án đường song hành từ đường Mai chí Thọ đến Vành đai 2 do Công ty TNHH Bất động sản Nguyên Phương làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 808 tỷ đồng cũng vướng nhiều sai phạm. Dự án gồm 2 đoạn đường song hành bên phải tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có tổng chiều dài gần 3,4km, rộng 20m, đáp ứng 4 làn xe, xây dựng 3 cầu mới.

Đổi lấy dự án, tháng 10/2017, UBND TP.HCM ban hành quyết định thanh toán khu đất hơn 14,8ha tại phường An Phú, Quận 2. Trong đó: đất ở, đất thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn là 8,8ha, còn lại là đất công trình nội khu, công cộng để thanh toán cho hợp đồng BT.

Tại dự án này, Kiểm toán Nhà nước kết luận: Cơ quan Nhà nước chưa tổ chức xác định giá trị quyền sử dụng đất của khu đất thực hiện dự án đối ứng tại thời điểm ban hành quyết định giao đất. Cùng với đó là việc xác định sai giá vật liệu và một số chi phí đã làm tăng dự toán hơn 9,6 tỷ đồng. Đến thời điểm ngày 31/8/2019, Hợp đồng BT đã hết thời gian thực hiện nhưng các bên vẫn chưa hoàn thành thủ tục gia hạn theo quy định. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa kịp thời bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà đầu tư xây dựng công trình theo đúng tiến độ.

Bất cập từ những dự án BT: Nhà nước “oằn lưng” trả lãi, ai chịu trách nhiệm cho những sai phạm, hạn chế?  - Ảnh 3.

Một đoạn dự án đường nối Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (đoạn gần cầu Gò Dưa) - ảnh: Quang Phương.

Công tác quản lý chi phí đầu tư còn sai sót hơn 76 tỷ đồng. Qua kiểm toán giảm số thuế giá trị gia tăng được khấu trừ đối với giá trị Hợp đồng BT là 18 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành, chủ đầu tư hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ thực hiện dự án; xác định giá trị quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định đối với các khu đất đối ứng.

Ngoài ra Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Công ty TNHH Bất động sản Nguyên Phương giảm thanh toán chi phí đầu tư thực hiện đến thời điểm kiểm toán số tiền gần 8,3 tỷ đồng, giảm giá trị hợp đồng BT số tiền 49,34 tỷ đồng, giảm dự toán xây lắp 830 triệu đồng, giảm thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ 18 tỷ đồng.

Tương tự, tại dự án đường D3 kết nối vào cảng Sài Gòn - Hiệp Phước do Công ty TNHH Đầu tư Phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông làm chủ đầu tư, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ việc xác định sai giá một số loại vật liệu, đơn giá vận chuyển với số tiền gần 1,4 tỷ đồng. Nhà đầu tư chưa thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư cho Sở GTVT TP.HCM theo quy định của Hợp đồng BT và chưa lắp đặt các thiết bị quan trắc để theo dõi độ lún và chuyển vị trí công trình trong quá trình khai thác.

Bên cạnh đó, việc xác định chi phí thực hiện dự án còn trùng lắp, sai sót với số tiền gần 25 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án theo quyết định phê duyệt từ năm 2015 nhưng đến năm 2016 các bên mới ký hợp đồng BT. Ngày 8/7/2017 dự án thi công xong nhưng đến ngày 31/12/2019 các bên liên quan chưa hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án cho phù hợp với thực tế.

Từ kết quả kiểm toán nêu trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo việc xác nhận khối lượng hoàn thành, giá trị đã thực hiện, tiếp nhận để quản lý sử dụng và khai thác đối với dự án. Đề nghị Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông giảm thanh toán chi phí thực hiện đến thời điểm kiểm toán hơn 22 tỷ đồng cũng như bàn giao toàn bộ công trình, sớm tổ chức lập hồ sơ quyết toán dự án BT trình cơ quan có thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt.

Chủ đề: Các dự án BT, BOT,
  • Bịt kẽ hở BT, không nên chốt chặn

    Bịt kẽ hở BT, không nên chốt chặn

    Báo ĐTTC ra ngày 27-7 có bài “Cần sòng phẳng với các dự án BT”, phản ánh những bất cập đối với nhà đầu tư (NĐT) khi tham gia loại hình đầu tư này, dẫn đến nhiều dự án ngưng trệ, Nhà nước không huy động được nguồn lực xã hội… ĐTTC tiếp tục nêu những bất cập từ các dự án này.

Quang Phương (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.