Các chuyên gia cho rằng, bức tranh bất động sản Hà Nội trong năm 2011 sẽ tiếp tục phụ thuộc vào các đồ án quy hoạch, dự án hạ tầng giao thông đô thị và chính sách tiền tệ, tín dụng của các nhà băng.

Ngóng quy hoạch


Người dân, nhà đầu tư đang chờ đợi Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội

Nhìn lại năm 2010, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội dù chưa được phê duyệt nhưng đã khuynh đảo thị trường bất động sản khu vực này. Tuy chưa gây ra những cơn sốt rộng khắp nhưng vài đợt sốt cục bộ ở phía Đông và phía Tây thành phố đã đẩy giá đất lên cao đáng kể. Tại nhiều điểm nóng dọc trục Lê Văn Lương kéo dài (Hà Đông) hay trục Láng - Hòa Lạc - đường 32 (Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng), giá đất tăng từ 60-100% so với cuối năm 2009.

Theo kế hoạch, Quy hoạch chung Hà Nội sẽ được phê duyệt trong năm 2010. Tuy nhiên, đến nay đồ án vẫn chưa được phê duyệt. Giới chuyên môn có hai luồng ý kiến về tác động của bản quy hoạch đặc biệt quan trọng này. Một là, sau khi được công bố, quy hoạch sẽ “cởi trói” cho hàng trăm dự án bất động sản, dẫn tới dư cung, hàng hóa tràn ngập thị trường và giá đất sẽ không thể có đột biến. Ngược lại, giới đầu cơ lại chờ đợi thông tin chính thống về việc thành lập các thành phố vệ tinh, trục giao thông xuyên tâm mới hay các tuyến đường lớn sẽ được mở... tác động mạnh tới giá đất, tạo ra những “cơn sóng” lớn ngay trong quý I-2011.

Bên cạnh thông tin quy hoạch, các dự án hạ tầng đô thị lớn tiếp tục hứa hẹn làm nóng thị trường. Ở Hà Nội, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn II, cầu Nhật Tân, đường nối sân bay quốc tế Nội Bài với Nam Hồng (Đông Anh), các tuyến vành đai I-II-III... sẽ tác động mạnh tới giá đất khu phía Đông và nội thành Hà Nội.

“Ám ảnh” tín dụng

Thông tin được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra vào cuối năm 2010 cho biết, tính đến hết tháng 10, tổng dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 224.843 tỷ đồng, tăng 22,01% so với năm 2009, trong đó tăng trưởng tín dụng nền kinh tế của toàn hệ thống cùng thời kỳ là 23,87%. Ước tính đến hết năm 2010, dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản đạt khoảng 228.000 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bình luận về những con số này, đại diện Bộ Xây dựng đánh giá, hệ thống tài chính hiện nay chưa hoàn thiện dẫn tới thị trường phụ thuộc lớn vào chính sách tiền tệ, tín dụng cũng như động thái của hệ thống ngân hàng. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang dẫn chứng, đến quý III-2010, cùng với việc thắt chặt tín dụng bất động sản, thị trường bắt đầu có dấu hiệu đình trệ về giao dịch. Dư nợ cho vay xây dựng khu đô thị mới tại thời điểm 31-7-2010 tăng trưởng âm (-) 2,35% so với tăng trưởng 10,2% của cả năm 2009. Tương tự, dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để ở chỉ tăng 5,47% so với 27,2% của cả năm 2009.

Cũng nhấn mạnh thị trường còn lệ thuộc nhiều vào các nhà băng, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, căn bệnh trầm kha - thiếu vốn - của thị trường bất động sản vẫn chưa được giải quyết. Ông cho biết: “Thị trường bất động sản nhà ở vẫn tiếp tục trong tình trạng chưa tìm được nguồn vốn mạnh, có mức ổn định cao. Do đó, thị trường này vẫn sẽ rơi vào cảnh nóng - lạnh thất thường, sốt cục bộ”. Nhận định trong giai đoạn trước mắt, thị trường vẫn tiếp tục phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, do đó, chính sách tài chính, tiền tệ cần rất linh hoạt.

Chờ đợi sự minh bạch

Ở góc độ nhà quản lý, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đánh giá, tính minh bạch của thị trường trong tất cả các khâu hiện nay còn rất hạn chế. Tình trạng đầu cơ, mua bán ngầm, trốn lậu thuế đang diễn ra tràn lan cho thấy hoạt động của thị trường thiếu bền vững. Thực tế, người dân gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thông tin đầy đủ về dự án. Hiện tượng phải mua qua tay với chênh lệch cao đang phổ biến cả ở phân khúc đất nền và căn hộ. Sự thiếu minh bạch còn thể hiện cả ở thị trường sơ cấp, cộng thêm sự lộng hành của giới đầu cơ, môi giới đã góp phần đẩy giá bất động sản lên quá cao so với thu nhập của người dân và điều kiện kinh tế. Hậu quả là cơ hội tạo lập, tiếp cận nhà ở của đại bộ phận các đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo tại khu vực đô thị tụt xuống tỷ lệ cực thấp.

Hướng tới giai đoạn mới, để khắc phục các hạn chế của thị trường, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là với các hoạt động giao dịch vốn bị buông lỏng lâu nay.

Cafeland.vn - Theo ANTĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland