23/10/2017 10:17 AM
Từ nhiều năm trước TPHCM đã có quy định về việc xây dựng tiêu chí phân loại, đánh giá nhằm bảo tồn biệt thự cổ có giá trị hàng trăm năm tuổi.
Song thực tế công tác bảo tồn dường như chỉ được thực hiện trên giấy, trong khi chủ nhân của những BĐS này vẫn tìm cách phá dỡ vì mục đích riêng. Một số công trình gần đây bị phá dỡ hoàn toàn hoặc bị thay đổi kiến trúc như tại địa chỉ 243 Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), 12 Lý Tự Trọng (quận 1), 237 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), 12 Lê Duẩn (quận 1), 6C Tú Xương (quận 3)...
Tình trạng xin tháo dỡ biệt thự cũ ngày càng tăng do công tác duy tu, tôn tạo gặp nhiều khó khăn, nhiêu khê và phức tạp. Riêng hồ sơ người dân xin sửa chữa tồn đọng tại Sở QH-KT năm 2015 có 41 trường hợp, năm 2016 tăng lên 80 và 2017 là 120 hồ sơ.
Theo quy định, người dân muốn tháo dỡ biệt thự cũ phải nộp hồ sơ lên Hội đồng Phân loại biệt thự. Để được xem xét, mỗi hồ sơ phải qua quy trình kiểm kê, đánh giá, chờ đợi bộ tiêu chí phân loại biệt thự do TP phê duyệt.
Việc giải quyết các hồ sơ rất chậm, đã khiến nhiều chủ sở hữu làm liều sửa chữa biệt thự cổ khi chưa có giấy phép. Và khi cơ quan chức năng phát hiện sai phạm, nhiều kiến trúc cổ chỉ còn trên giấy, hoặc bị sửa chữa, chắp vá, cơi nới, bị phá vỡ và phân chia nhiều chủ quyền. Những trường hợp này theo giới kiến trúc rất khó phục hồi nguyên trạng, cũng không thể xếp vào loại bảo tồn.
Ngôi biệt thự cổ với 3 mặt tiền đường Võ Văn Tần, Bà Huyện Thanh Quan và Nguyễn Thị Diệu được mua với giá hơn 700 tỷ đồng, đến nay cũng chỉ để... làm kiểng.
Không thể phủ nhận việc mạnh tay phá bỏ biệt thự cổ nhắm đến lợi ích kinh tế. Đại gia BĐS bỏ ra hàng trăm tỷ đồng mua lại các biệt thự cổ cũng nhìn vào tiềm năng khu đất, sẵn sàng đập bỏ công trình thay vì tôn tạo. Bởi lẽ hầu hết BĐS này diện tích lớn, có giá trị cao do tọa lạc tại những vị trí đắc địa, đất vàng. Thí dụ, ngôi biệt thự cổ tại số 12 Lê Duẩn (quận 1) bị đập bỏ để xây trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, hiệu quả kinh tế thấy rõ.
Hàng trăm kiệt tác kiến trúc bị hóa kiếp đang khiến nhiều người nuối tiếc vì diện mạo và dấu ấn lịch sử Sài Gòn xưa phai mờ dần. Báo cáo của Sở QH-KT cho biết 1.227 biệt thự cũ tập trung chủ yếu tại quận 1 (177 biệt thự), quận 3 (808), quận 5 (98), quận Thủ Đức (140)… có đến 553 trường hợp dù trên giấy chứng nhận chủ quyền vẫn là biệt thự, nhưng thực tế là đất trống hoặc được thay thế bởi các công trình khác.
Với tốc độ phá dỡ này, hiện trên địa bàn TP chỉ còn 466 căn biệt thự và 28 trường hợp đang có chức năng là công trình công cộng. Sở QH-KT đang tiến hành nghiệm thu, kiểm soát 446 căn biệt thự này để chuyển sang Hội đồng Phân loại biệt thự thực hiện phân loại. Ngoài ra, số biệt thự chưa hoàn thành việc kiểm kê phần lớn thuộc cơ quan trung ương, TP và cán bộ cấp cao, các lãnh sự quán nước ngoài...
Để chấn chỉnh tình trạng trên, chính quyền TP đã có văn bản giao quận, huyện, Sở Xây dựng, Viện Nghiên cứu phát triển hoàn chỉnh bản tiêu chí đánh giá phân loại biệt thự cũ trên địa bàn.
Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua, đến nay TP vẫn chưa ban hành bản tiêu chí đánh giá, phân loại biệt thự cũ để có cơ sở thực hiện phân loại, đánh giá, lập danh sách bảo tồn. Nếu cứ mãi hô hào khẩu hiệu, quản lý, bảo tồn trên giấy kiểu này, chưa biết số phận những ngôi biệt thự cổ hiện hữu sẽ đi về đâu.
  • Hà Nội: Nhiều sai phạm, buông lỏng quản lý biệt thự cũ

    Hà Nội: Nhiều sai phạm, buông lỏng quản lý biệt thự cũ

    Theo HĐND TP, công tác quản lý để xảy ra nhiều sai phạm, buông lỏng dẫn đến biệt thự bị phá dỡ, xây dựng mới; thậm chí rất nhiều biệt thự được chính quyền cấp phép cho phá dỡ xây dựng mới không báo cáo Chính phủ, HĐND TP theo đề án quản lý.

Minh Tuấn (SGĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.