Kiểm tra công tác PCCC tại tòa nhà A1 - KĐT Mỹ Đình. Ảnh: Nha Trang
“Quên” bảo hiểm cháy nổ
Trong tháng 5/2018, đoàn liên ngành quận Nam Từ Liêm đã kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các nhà cao tầng trên địa bàn. Ngoài các vi phạm phổ biến như hệ thống báo cháy tự động lỗi, một số vị trí vòi chữa cháy mục nát, hộp chữa cháy vách tường hỏng hóc, bình chữa cháy không đảm bảo… thì nhiều tòa nhà cao tầng tại đây vẫn “trắng” BHCN.
Cụ thể, tại Khu đô thị Mỹ Đình 1, các tòa A1, C2, C3… của chủ đầu tư Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị - Bộ Quốc phòng (MHDI) vẫn chưa có BHCN bắt buộc. Để đảm bảo an toàn PCCC, Phòng Cảnh sát PC&CC số 3 đã đề nghị chủ đầu tư và đơn vị vận hành khắc phục nhiều hạng mục vi phạm, trong đó có việc mua BHCN bắt buộc.
Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), hiện nay, trên toàn quốc có 43.693 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ đã tham gia bảo hiểm. Điều đáng nói, con số này chỉ chiếm 56% tổng số cơ sở thuộc diện phải mua BHCN bắt buộc. Theo đại diện Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, vẫn còn khá nhiều chủ đầu tư, Ban quản trị của tòa nhà không tham gia BHCN do lơ là hoặc để tiết kiệm chi phí… Các cư dân cũng ít khi chủ động tham gia loại hình BHCN.
Xử lý nghiêm vi phạm
Ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, theo Nghị định số 23/2018/NĐ-CP, từ 15/4/2018, nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên phải mua BHCN bắt buộc. Trường hợp cơ sở nào thuộc diện phải mua, nhưng không mua có thể sẽ bị phạt 60 - 100 triệu đồng.
Nếu cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ không mua BHCN, có thể bị phạt với cá nhân từ 30 - 50 triệu đồng và 60 - 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Về phía DN bảo hiểm, có thể bị phạt từ 40 – 50 triệu đồng khi từ chối bán BHCN bắt buộc cho cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, DN có quyền từ chối bán bảo hiểm nếu cơ sở chưa được nghiệm thu về PCCC theo quy định pháp luật. Trường hợp khác là cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC hoặc biên bản kiểm tra đã quá một năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua BHCN bắt buộc.
Vì thế, nhiều chủ đầu tư và cư dân một số tòa nhà vi phạm đã bị công ty bảo hiểm từ chối.
Để nâng cao ý thức của chủ đầu tư và cư dân về BHCN, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh thanh tra, hậu kiểm thì người mua nhà cũng phải tự trang bị kiến thức pháp luật và cương quyết từ chối mua, nhận những sản phẩm chưa bảo đảm chất lượng.
Đồng thời có ý thức chấp hành nghiêm việc mua BHCN phần diện tích cá nhân nhằm hạn chế những rủi ro không đáng có.
Thời gian tới, để quy định này thực sự đi vào cuộc sống, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ thực hiện BHCN; kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các DN bảo hiểm chủ động tiếp cận khách hàng, cải tiến sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các DN, tổ chức, cá nhân.