Mới đây, cư dân sống ở tòa nhà cao nhất Việt Nam - Keangnam - đã phát
hoảng vì mức phí mà chủ đầu tư đưa ra. Phí trông giữ xe ô-tô mỗi chiếc
là 1.462.000 đồng/tháng, trông giữ xe ô-tô theo lượt là 20.000 đồng/hai
giờ. Phí trông giữ xe máy là 104.000 đồng/tháng, trông giữ xe máy theo
lượt là 10.000 đồng/lượt, trông giữ xe máy qua đêm là 60.000 đồng/chiếc.
Phí quản lý được chủ đầu tư áp giá tới 0,99 USD, xấp xỉ 21.000 đồng/m2,
mức cao nhất đối với các chung cư Hà Nội từ trước tới nay. Sau nhiều
tranh cãi, khiếu kiện, Sở Tài chính Hà Nội đã phạt, truy thu 50 triệu
đồng và yêu cầu chủ đầu tư chấm dứt ngay việc thu phí trông giữ xe ô-tô,
xe máy quá quy định của thành phố. Nhưng còn phí dịch vụ, thì vẫn chưa
có phương án giải quyết.
Hà Nội hiện có hàng trăm khu chung cư,
đô thị mới và việc áp dụng mô hình quản lý, thu phí thì mỗi nơi một
kiểu. Mức phí dịch vụ, bình dân thì từ 50.000 đến 70.000 đồng/tháng, cao
cấp như khu đô thị Nam Thăng Long, Ciputra, Pacific, The Manor dao động
trong khoảng 0,5-0,7 USD/m2. Chưa kể, khá nhiều khu chung cư cứ mặc
nhiên điều chỉnh, tăng giá dịch vụ khiến không ít chủ hộ phải "méo mặt".
Và mỗi khi có tranh chấp, người dân chỉ biết trông chờ vào sự "cân
nhắc" của chủ đầu tư.
Căn cứ pháp lý duy nhất hiện nay có đề cập
đến về việc thu và sử dụng phí dịch vụ chung cư là Quyết định số 08/2008
của Bộ Xây dựng, trong đó quy định phí dịch vụ do chủ đầu tư quy định.
Dù đã có yêu cầu mức giá này phải được thương thảo và nhận được sự đồng
thuận của người dân, nhưng trên thực tế, rất ít chủ đầu tư thực hiện
nghiêm túc và nếu chủ đầu tư không thực hiện, thì việc kiểm tra, xử phạt
cũng không có cơ sở pháp lý nào.
Chung cư là mô hình quần thể dân cư sẽ còn phát triển mạnh trong tương lai. Bởi vậy, khó có thể chấp nhận tình trạng "mỗi nơi một kiểu", "mạnh ai nấy lo" như thực tế hiện nay. Rõ ràng, đây là một lĩnh vực quản lý đô thị, liên quan đến khá đông dân cư của thành phố, không thể buông lỏng mãi được. Bao giờ các loại phí dịch vụ chung cư được quản lý? Câu hỏi này vẫn còn để ngỏ...