Hội nghị trực tuyến về sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020 mới đây đã công bố một số thông tin đáng chú ý về hiện trạng giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài của các bộ ngành địa phương sau 6 tháng đầu năm.
Theo đó, tính đến 24/6/2020, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nguồn nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương là 7.427 tỷ đồng, mới đạt 13,1% so với dự toán được giao.
Trong đó, giải ngân của các bộ, ngành trung ương đạt 2.815 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 15,46% so với dự toán được giao. Trong đó 3 bộ giải ngân trên 20% so với kế hoạch vốn là Bộ Giao thông vận tải (29%), Bộ Quốc phòng (27,6%) và Bộ Y tế (27,3%).
Đáng chú ý, có 1 bộ chưa giải ngân phần vốn cấp phát đầu tư công là Bộ Công Thương, với dự toán được giao là 138 tỷ đồng.
Về địa phương, sau 6 tháng đã giải ngân được 4.611 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 11,98% so với dự toán được giao. Trong đó 14 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 20% kế hoạch vốn là Hà Nội, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Sóc Trăng.
Hai tỉnh tiêu biểu là Tây Ninh đạt 55%, Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 44,5%.
Tuy nhiên, có tới 10 địa phương chưa giải ngân phần vốn cấp phát đầu tư công là Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tiền Giang.
Đáng chú ý, một trong hai đầu tàu của cả nước là TP.HCM hiện tỷ lệ giải ngân mới đạt 4,13%.
Bộ Tài chính lý giải, nguyên nhân là do TP.HCM đang có vướng mắc về việc hoàn ứng cho 3 dự án (Metro 1 Bến Thành Suối Tiên, Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2, Vệ sinh môi trường TP.HCM) trị giá 4.600 tỷ đồng. Trường hợp UBND thành phố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp giải quyết dứt điểm việc xác định giá trị cấp phát cho tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên và hoàn thành các thủ tục hoàn ứng thì tỷ lệ giải ngân chung sẽ nâng lên mức khoảng 40%.
Bên cạnh công tác giải ngân nguồn vốn 2020, các bộ, ngành, địa phương vẫn đang tiếp tục giải ngân phần vốn của năm 2019 chuyển sang là 7.198 tỷ đồng. Trong đó số giải ngân của các bộ, ngành là 2.425 tỷ đồng và số giải ngân của các địa phương khoảng 4.773 tỷ đồng (xấp xỉ bằng số giải ngân theo kế hoạch vốn 2020).
Tốc độ giải ngân cao gấp 3,6 lần cùng kỳ nhưng vẫn... chưa đạt chỉ tiêu
Đánh giá về tốc độ giải ngân sau 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đánh giá, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2020 hiện cao gấp 3,6 lần so với mức cùng kỳ của năm 2019 (7,427 tỷ đồng/2.050 tỷ đồng).
Tuy nhiên, nếu so với kết quả giải ngân của nguồn vốn đầu tư công trong nước thì tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài vẫn còn thấp. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong nước kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước hiện đạt khoảng 28,2% kế hoạch.
Năm 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Các nhiệm vụ còn tồn tại của cả giai đoạn đều đặt vào năm này, bao gồm cả việc hoàn thành giải ngân kế hoạch đầu tư công của giai đoạn 2016-2020.
Bộ Tài chính nhìn nhận, với tốc độ giải ngân như hiện nay và việc nền kinh tế tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nếu các cấp, các ngành, các địa phương và các chủ dự án không có các giải pháp quyết liệt, khắc phục khó khăn thì sẽ khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ đã được Quốc hội và Chính phủ giao đối với giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của năm 2020 và cho cả nhiệm kỳ 2016-2020.
Thực tế cho thấy, công tác giải ngân từ nguồn vốn đầu tư phát triển trong một số năm gần đây trong giai đoạn 2016 - 2020 đang có xu hướng đi xuống rõ rệt. Nếu như năm 2017, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài đạt 78,4% dự toán được giao thì năm 2018 giảm xuống chỉ còn 59%. Đặc biệt trong năm 2019, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chỉ đạt ở mức 36,4% dự toán được giao.
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân cơ bản của việc giải ngân thấp xuất phát từ việc triển khai thực hiện dự án của các cơ quan chủ quản, các chủ dự án. Mặc dù, vốn đầu tư đã được giao từ đầu năm nhưng cho đến nay vẫn còn một số bộ, địa phương chưa phân khai và nhập Tabmis hết dự toán được giao, khối lượng triển khai các hoạt động còn thấp.
Một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư (tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện dự án, cơ cấu vốn,...), điều chỉnh hiệp định vay nên chậm triển khai. Bên cạnh đó, thời gian thống nhất được với nhà tài trợ nước ngoài về các nội dung hoạt động của dự án như kế hoạch tổng thể, kế hoạch hoạt động chi tiết, thuê chuyên gia, tuyển chọn tư vấn... thường kéo dài.