Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tính thanh khoản của thị trường bất động sản Hà Nội và Tp.HCM hiện đang rất thấp, thể hiện qua tỷ lệ hấp thụ sản phẩm trên thị trường chỉ khoảng 5 -7% so với tổng nguồn cung căn hộ bán ra khoảng 111.500 căn tại cả hai thành phố.
Thị trường từ nay đến đầu năm 2013 vẫn tiếp tục ngập chìm trong khó khăn và tính thanh khoản vẫn ở mức kém. Mặt khác, tác động của ngân hàng trong việc bán các bất động sản để xử lý nợ xấu và gia tăng nguồn cung từ các dự án mới sẽ tạo nên hiệu ứng giảm giá, tăng cung. Hiệu ứng giảm giá chịu tác động kép do nguồn vốn cho thị trường vẫn còn hạn chế và tâm lý người mua nhà vẫn mong giá giảm tiếp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các chính sách hiện nay đang quá tập trung vào giải quyết nguồn cung cho thị trường trong khi đó vấn đề cần thiết là giải quyết nguồn cầu, phải đưa ra nhiều chính sách kích thích nguồn cầu, giải bài toán thanh khoản mới có thể gỡ khó cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản.
Theo phân tích ông Trần Như Trung – Phó Giám đốc Savills Hà Nội , thị trường bất động sản vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Hiện nay, người ta đang quan tâm và đặt nặng vấn đề giá bất động sản tăng hay giảm. Trong khi đó, điều quan trọng và mang tính quyết định lúc này là thị trường phải có thanh khoản.
Nếu không tăng được thanh khoản từ phía Nhà nước, cá nhân, nhà đầu tư... tình hình thị trường sẽ trở lên khó khăn hơn, căng thẳng có thể kéo sang cả những năm tiếp theo.
Thanh khoản có thể giúp chuyển dịch thị trường và giải quyết một số vấn đề vốn nên bằng mọi giá phải làm cho dòng tiền luân chuyển. Tức để tồn tại và phát triển trong năm 2013, doanh nghiệp phải đặt mục tiêu thanh khoản lên hàng đầu, sau đó mới là câu chuyện tái cơ cấu, bởi phải thanh khoản được mới có lực để tái cơ cấu.
“Cá nhân tôi cho rằng, yếu tố cần phải quan tâm nhất đó là tính thanh khoản thị trường chứ không phải là giá bao nhiêu. Tính thanh khoản ở đây cho cả nhà đầu tư và chủ đầu tư. Ví dụ, một dự án chủ đầu tư muốn bán 100 triệu USD và có nhiều người đến hỏi mua và trả 50 triệu USD nhưng không chốt được giá vì vậy không có thanh khoản. Điều này có tốt hơn không nếu như chủ đầu tư chấp nhận bán dự án mức giá 50 triệu USD và dự án được chuyển cho chủ đầu tư mới có tiềm lực tài chính thực hiện. Vì vậy, có thể thấy nếu không có thanh khoản thị trường tiếp tục khó khăn” ông Trung nhấn mạnh.
Có nhiều nhà đầu tư đã tìm thấy cơ hội trên thị trường khi giá lên. Tuy nhiên cũng đã có khá nhiều người tìm được cơ hội kiếm lời khi thị trường giảm giá. Thực tế, giá bất động sản đang trên đà giảm mạnh, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong nước đang săn tìm các dự án bất động sản “sạch” để mua vào. Thế nhưng, mức giá mà các chủ đầu tư đưa ra để chào bán vẫn còn ở mức cao do vậy đã không thành công.
Ông Trung cho rằng, giá bất động sản hiện nay đã giảm mức 30-40% so với thời điểm năm 2011 và nếu muốn có được thanh khoản giá bán tiếp tục giảm thêm một nấc khoảng 20-30% nữa mới hi vọng.
Bà Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch HĐQT công ty Đầu tư Mai Linh cho rằng, giảm giá bán trong lúc này chưa chắc đã bán được hàng bởi nhiều người dân có nhu cầu về nhà ở nhưng chưa đủ tiền. Ngân hàng luôn là người bạn đồng hành và nhiều chủ đầu tư đã khai thác để đưa ra các gói hỗ trợ nhằm tăng tính thanh khoản cho dự án của mình. Tuy nhiên, nhiều khách hàng hiện nay có tâm lý lo ngại biến động lãi suất nên không dám vay ngân hàng. Vì vậy, thay vì hỗ trợ ở mức 4-5 -10%/năm nhiều chủ đầu tư đã áp dụng lãi suất 0% nhằm xóa bỏ rào cản về lãi suất vốn đang gây trở ngại cho người mua nhà. Điều này sẽ góp phần tăng tính thanh khoản cho dự án.
-
Bi hài khách thuê "săn" chủ nhà
Biệt thự bỏ không khách hàng muốn thuê, mua cũng không được vì không gặp được chủ nhà.
-
Môi giới nhà đất: Bị tán tỉnh, đánh ghen như ‘cơm bữa'
Bị khách mua nhà tán tỉnh hay bị đánh ghen bởi những bà vợ “sư tử Hà Đông”,...là những chuyện diễn ra như “cơm bữa” đối với các nhân viên môi giới nhà đất.
-
Hà Nội “vãn hồi trật tự" đất công
Nhằm quản lý hiệu quả đất công, UBND Tp. Hà Nội chính thức ban hành kế hoạch yêu cầu đơn vị chức trách khẩn trương xem xét, thẩm định phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất thuộc sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, các công ty nhà nước trực thuộc thành phố quản lý …