Hiện nay, giá đất tại Bảng giá đất do Nhà nước quy định dùng để hỗ trợ, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất còn chênh so với thực tế rất nhiều; ở khu vực đô thị có khi giá đất thực tế cao gấp 5 đến 15 lần giá đất trong Bảng giá của Nhà nước.
Chính vì vậy, khi Nhà nước thu hồi đất để làm đường giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị mới… gặp không ít vướng mắc; nhiều người không đồng ý giao đất vì tiền bồi thường căn cứ vào Bảng giá đất của Nhà nước quá thấp, từ đó sinh ra khiếu nại, kiện tụng kéo dài, đơn vị thi công chờ đợi mỏi mòn vẫn chưa có mặt bằng để triển khai dự án. Có trường hợp, các bên đã thỏa thuận được mức giá bồi thường (cao hơn giá do Bảng giá đất của Nhà nước quy định), tuy nhiên vẫn còn sót lại một số hộ chây ỳ không chịu giao đất nhằm muốn tăng tiền hỗ trợ, bồi thường; nên nước ta vẫn còn nhiều ngôi nhà ‘cô đơn’ giữa đường.
Ngược lại với các khu đô thị, nhiều vùng quê nước ta người dân rất thích Nhà nước thu hồi đất của mình để họ nhận được tiền bồi thường; bởi lẽ, tiền bồi thường của Nhà nước cao hơn giá đất thị trường rất nhiều. Có người coi Nhà nước thu hồi đất của họ như là trúng vé số độc đắc, vì một sào ruộng được bồi thường 60, 70 triệu đồng, thậm chí còn cao hơn; trong khi làm lúa, sắn, mía… biết bao giờ mới có được số tiền như thế.
Bởi vậy, nếu Nhà nước đưa giá đất tại Bảng giá đất sát với giá thị trường thì khi thu hồi đất để làm đường giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị mới… được diễn ra thuận lợi hơn; không còn tình trạng chây ỳ không chịu giao đất vì giá bồi thường đã hợp lý. Từ đó, dự án sớm có mặt bằng để đưa vào thi công, hạn chế phần nào việc độn vốn do thời gian kéo dài.
Theo luật sư Phạm Thanh Hữu, nếu Bảng giá đất sát với giá thị trường sẽ tăng nguồn thu thuế sử dụng đất cho Ngân sách Nhà nước. Ví dụ, hiện nay nhiều ngôi nhà có giá thị trường 3 tỷ đồng, nhưng tiền thuế sử dụng đất ở hàng năm họ phải đóng cho Nhà nước chỉ vài chục nghìn đồng (bởi giá đất của căn nhà đó tại bảng giá đất của Nhà nước chỉ bằng 1/15 đến 1/5 giá thị trường); nếu bảng giá đất của Nhà nước sát với giá thị trường thì Ngân sách Nhà nước sẽ tăng thu từ 5 lần đến 15 lần tiền thuế sử dụng đất ở.
Luật sư Phạm Thanh Hữu - Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh
Đồng thời với việc đưa Bảng giá đất sát với giá thị trường sẽ tăng tiền thuế thu nhập cá nhân khi người dân chuyển nhượng quyền sử dụng đất (hiện nay, vẫn còn nhiều trường hợp kê khai giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên hợp đồng chỉ bằng với giá của Bảng giá đất nhằm giảm tiền thuế thu nhập cá nhân); tăng số tiền lệ phí trước bạ khi làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…
Luật sư Phạm Thanh Hữu nhận định, từ nguồn thu ngân sách tăng thêm này, Nhà nước sẽ có khoản tiền dồi dào để bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất. Như vậy, lợi ích của người dân và Nhà nước sẽ được hài hòa, thị trường bất động sản nước nhà minh bạch, ổn định và phát triển bền vững.
Hi vọng, những người có thẩm quyền sớm nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành Khung giá đất mới sát với giá thị trường để làm tiền đề cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng bảng giá đất phù hợp với giá thị trường.
-
Cần sớm có bảng giá đất để phục hồi thị trường bất động sản
Đó là ý kiến được đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục cho ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 7/4....
-
Đất Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tăng giá vì điều chỉnh Bảng giá sớm
Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu vừa báo cáo Tập thể UBND tỉnh việc xây dựng, điều chỉnh Bảng giá các loại đất định kỳ 05 năm (01/1/2020 - 31/12/2024) trên địa bàn tỉnh.
-
"Gánh nặng" tăng hệ số K
Các chuyên gia cho rằng, việc tăng hệ số điều chỉnh giá đất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá nhà và chiến lược phát triển nhà ở phân khúc bình dân.