29/05/2019 8:17 AM
CafeLand – Liên tiếp nhiều tập đoàn bán lẻ, chuỗi siêu thị lớn nổi tiếng thế giới đã rút lui khỏi thị trường Việt Nam sau nhiều năm hoạt động thua lỗ hoặc chuyển nhượng cho đối tác khác.

Auchan rút lui sau bốn năm hoạt động

Ngày 14/5 vừa qua, ông Edgar Bonte, Chủ tịch Tập đoàn chuỗi siêu thị Auchan Retail, cho biết tập đoàn này đã quyết định bán 18 cửa hàng tại Việt Nam do chưa tìm thấy mô hình phù hợp tại thị trường này và đang chịu cảnh thua lỗ.

Đại gia bán lẻ của Pháp này mở siêu thị đầu tiên tại Việt Nam năm 2015. Khác với các thương hiệu bán lẻ khác, Auchan chọn cách bắt tay với các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản lớn để hợp tác xây dựng siêu thị ngay chính chung cư của chủ đầu tư. Công ty cũng nhiều lần thay đổi nhận diện thương hiệu, từ S.Mart đổi thành Simply và nay là Auchan.

Auchan từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD với tham vọng mở 300 siêu thị và cửa hàng tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay mới có 18 siêu thị được mở tại Hà Nội, TP.HCM và Tây Ninh. Kết quả kinh doanh của Auchan không nổi bật, đạt doanh thu 45 triệu euro (khoảng 50,4 triệu USD) vào năm 2018 và vẫn đang thua lỗ.

Đây là thương hiệu bán lẻ phương Tây cuối cùng có mặt tại thị trường Việt Nam, và nay cũng đã rời khỏi.

Parkson với 11 năm thua lỗ

Parkson, thương hiệu bán lẻ với các trung tâm mua sắm cao cấp đến từ Malaysia, từng thành công rực rỡ và trở thành hiện tượng của thị trường bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, vào đầu năm 2018, trung tâm thương mại cuối cùng của Parkson tuyên bố đóng cửa, đánh dấu sự rút lui khỏi Việt Nam.

Theo báo cáo tài chính quý 1-2018 của Parkson Retail Asia - tập đoàn sở hữu và vận hành chuỗi Parkson tại Việt Nam - đơn vị này lỗ 24 tỉ đồng, đánh dấu quý thứ bảy liên tiếp thua lỗ tại thị trường Việt Nam. Trong năm tài chính 2016 – 2017, Parkson Việt Nam lỗ 67 tỉ đồng. Trước đó, năm 2015, công ty mẹ Parkson Retail Asia cũng lỗ đến gần 1.300 tỉ đồng tại Việt Nam.

Parkson vào Việt Nam năm 2005 bằng việc ra mắt trung tâm thương mại đầu tiên đặt tại quận 1, TP.HCM và sau đó phát triển ra Hà Nội, Hải Phòng. Thời đỉnh cao, thương hiệu này có đến 12 trung tâm, nằm tại các khu "đất vàng". Thế nhưng, sau một thời gian kinh doanh, hầu hết các trung tâm của Parkson đều rơi vào tình trạng vắng vẻ và lần lượt đóng cửa.

Big C về tay đại gia Thái Lan

Vào năm 2016, Casino Group (Pháp), đơn vị sở hữu thương hiệu Big C tại Việt Nam, đã bán Big C Việt Nam cho tập đoàn đến từ Thái Lan là Central Group, với giá trị doanh nghiệp của Big C Việt Nam đạt 1 tỉ euro (tương đương 1,14 tỉ USD).

Được biết, từ cuối năm 2015, trong kế hoạch tái cơ cấu tài chính nhằm giảm nợ năm 2016, Casino Group đã đề cập đến việc bán chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam - thị trường hãng không coi là trọng điểm.

Casino là tập đoàn bán lẻ hiện có mặt tại 9 quốc gia với hơn 25 thương hiệu khác nhau. Big C Việt Nam khai trương chi nhánh đầu tiên tại tỉnh Đồng Nai năm 1998. Tại Việt Nam, Casino thường liên doanh với một số đối tác trong nước có mặt bằng để thành lập pháp nhân cùng kinh doanh.

Metro Việt Nam về tay TCC Holdings

Một thương vụ đình đám khác là Tập đoàn TCC của Thái Lan đã mua lại toàn bộ cơ sở bán buôn của Tập đoàn Metro (Đức) tại Việt Nam với 19 trung tâm và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu euro.

Tập đoàn Metro có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2002 với lĩnh vực kinh doanh bán sỉ. Ngay khi bước vào kinh doanh tại Việt Nam, Metro đã được biết đến không chỉ là nơi cung cấp các sản phẩm, hàng hóa bán buôn và còn có mức giá cạnh tranh trên thị trường.

Sở hữu lượng khách hàng khổng lồ và lượng tiêu thụ hàng hóa vượt trội, Metro Việt Nam từng là mảng kinh doanh đem lại nhiều doanh thu nhất cho tập đoàn đến từ Đức này.

Tuy nhiên, Metro lập kỷ lục là một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thua lỗ lớn và dài nhất tại Việt Nam. Một báo cáo ngành thuế công bố năm 2013 cho thấy Metro Cash & Carry trong hơn 12 năm hoạt động tại Việt Nam, chỉ duy nhất năm 2010 công ty này báo lãi 116 tỉ đồng. Các năm còn lại, Metro lỗ từ 89 đến 160 tỉ đồng.

Lý giải nguyên nhân thua lỗ kéo dài, đại diện của Metro đã cho rằng do phải tập trung mở rộng đầu tư.

Sau khi mua lại Metro Việt Nam, TCC Holdings đã tiến hành đổi tên hệ thống này thành MM Mega Market và sẽ phát triển thương hiệu này thành chuỗi bán buôn không chỉ ở Việt Nam mà còn cho cả thị trường Thái Lan.

Theo các chuyên gia phân tích thị trường, sở dĩ các thương hiệu bán lẻ lớn trên thế giới lần lượt rút khỏi Việt Nam vì có chiến lược và mô hình kinh doanh không phù hợp với thực tế phát triển tại Việt Nam. Xu hướng bán lẻ trong tương lai dự kiến sẽ tập trung hơn cho việc tạo ra những trải nghiệm mua sắm mới, các trung tâm thương mại trở thành địa điểm vui chơi, giải trí thay vì nơi mua sắm đơn thuần như trước.

Hơn nữa, sự thay đổi về "khẩu vị" của khách hàng cùng sự xuất hiện của các thương hiệu bán lẻ với mô hình kinh doanh hiện đại, cung cấp nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cũng cho biết, không phải ông lớn nào rút khỏi Việt Nam đều do kinh doanh thất bại mà họ ra đi vì nhiều lý do. Như Tập đoàn Casino bán hệ thống Big C cho đại gia Thái Lan nằm trong chiến lược kinh doanh của họ.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.