16/03/2018 8:30 PM
Đề xuất về diện tích nhà ở tối thiểu 20 m2/người mới được nhập khẩu ở Thành phố của Sở Xây dựng TP.HCM đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

TP.HCM hiện có 3 triệu dân nhập cư. Ảnh: Việt Dũng

Tiêu chuẩn quá cao

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10 (nhiệm kỳ 2015 - 2020), diện tích nhà ở bình quân của người dân Thành phố đến năm 2020 là 19,8 m2/người.

Theo đó, tất cả tổ chức, các nhân có nhu cầu đăng ký hộ khẩu vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhà tại các quận, huyện trên địa bản Thành phố đều được áp dụng tiêu chuẩn trên, không phân biệt nội thành hay ngoại thành, không phân chia khu vực.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn này sẽ được điều chỉnh tăng thêm cho phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Thành phố theo từng thời kỳ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, mức này là quá cao so với một số đô thị trong cả nước, như Hà Nội, chỉ đề nghị ở mức 15 m2/người.

“Bộ Xây dựng đã có thông tư hướng dẫn, thực hiện chuyện xây dựng phòng trọ, trong đó có ghi rõ, một phòng trọ khép kín (có bếp và toilet) dành cho người nhập cư và công nhân lao động có diện tích tối thiểu là 10 m2, diện tích bình quân đầu người trong thông tư đó là 5 m2/người. Như vậy, mức đề xuất của Sở Xây dựng TP.HCM như trên là quá cao”, ông Châu đánh giá.

Dự kiến, vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp HĐND TP.HCM diễn ra vào giữa tháng 3/2018.

Theo tờ trình, quy định không áp dụng với một số trường hợp người thân trong gia đình như người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh chị em ruột; người chưa thành niên không còn cha mẹ, hay còn nhưng không khả năng nuôi dưỡng; người khuyết tật, tâm thần, mất khả năng lao động, nhận thức…

Cũng theo lãnh đạo HoREA, mục tiêu phấn đấu của TP.HCM tới năm 2020 có diện tích ở bình quân 20 m2/người, điều đó có nghĩa là sẽ có những hộ gia đình có diện tích ở bình quân là 50 - 70 m2/người, nhưng cũng có những hộ gia đình sẽ sở hữu diện tích ở bình quân chỉ trên dưới 10 m2/người.

“TP.HCM có hơn 3 triệu người nhập cư, chiếm 23% dân số của Thành phố, nhu cầu thuê nhà trọ là rất lớn. Tôi e rằng, đề xuất này sẽ không phù hợp với thực tế của người dân Thành phố. Nếu cao nhất, nên lấy mức của Hà Nội là 15 m2/người thì có lẽ sẽ phù hợp với thực tế tình hình và khả năng tài chính của người nhập cư”, ông Châu nhấn mạnh.

Người nhập cư sẽ vẫn vào thành phố

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, quy định này nhắm đến việc nâng chất lượng sống và hạn chế tình trạng người lao động tự do từ các tỉnh đổ về.

Tình trạng người lao động các tỉnh đến Thành phố sinh sống đã gây áp lực lớn cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ùn tắc giao thông, quá tải bệnh viện, trường học, ô nhiễm môi trường, giá bất động sản tăng cao... Đặc biệt, khu trung tâm và các quận có tốc độ đô thị hóa nhanh, ảnh hưởng đến việc chăm lo chất lượng cuộc sống người dân.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Lê Thành cho biết, Thành phố nên xem xét kỹ vấn đề này, bởi nếu đề xuất được thông qua, sẽ rất khó đăng ký tạm trú cho những người ở trong nhà trọ có diện tích nhỏ. Khi đã không đăng ký tạm trú cho họ, thì sẽ khó quản lý, ảnh hưởng nhiều hơn đến vấn đề an ninh trật tự.

“Định hướng này là rất tốt, nhưng chỉ dành cho những người dân đang ở Thành phố, còn với hơn 3 triệu người nhập cư, chúng ta cần phải xem họ đang sống như thế nào, liệu họ có đáp ứng được diện tích ở nói trên không?”, ông Nghĩa đặt câu hỏi.

Đồng quan điểm, một số lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản TP.HCM cũng cho biết, việc hạn chế người dân tập trung quá đông vào khu vực trung tâm là cần thiết, nhưng thực hiện bằng biện pháp hạn chế nhập hộ khẩu thì rất khó. Việc làm này không ngăn được số lượng dân di cư vào khu vực đô thị, mà chỉ tạo thêm khó khăn cho người dân.

Trên thực tế, một đô thị có nhiều cơ hội sẽ thu hút người nhập cư là một quy luật tất yếu. Ngươi dân nhập cư đến TP.HCM không phải vì muốn được đăng ký hộ khẩu thường tru, mà họ đến TP.HCM và ở lại vì cơ hội việc làm, cơ hội khởi nghiệp… Họ đăng ký hộ khẩu thường trú vì những mục đích khác.

Do đó, việc tăng điều kiện được đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú ở thời điểm này gần như chỉ là phương pháp “đánh chặn” khi mọi việc đã rồi, thay vì có những chính sách phù hợp giải quyết cơ bản nhu cầu của họ như việc làm, chỗ ở và tận dụng tốt nguồn lực này cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Việt Dũng (Đầu Tư BĐS)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.