Một khu căn hộ tại Phú Mỹ Hưng có nhiều Việt kiều thuê ở. Ảnh: Cao Thăng
Những khách hàng tiềm năng
Trong thời gian thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng vừa qua, mỗi lần phát văn bản kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn gửi lãnh đạo thành phố cũng như trung ương, Hiệp hội Bất động sản TPHCM đều nhấn mạnh vấn đề cho Việt kiều, người nước ngoài sở hữu nhà ở như người trong nước, bởi xem đó là một thị phần lớn, không nên bỏ qua.
Gần đây nhất, vào đầu tháng 3, Hiệp hội lại có công văn gửi lãnh đạo TPHCM phân tích: hiện nay có hơn 4 triệu người Việt ở hầu hết các nước trên thế giới, tập trung đông nhất ở Hoa Kỳ, hàng năm lượng kiều hối gửi về nước trên 10 tỷ USD. Đề nghị cho Việt kiều được sở hữu nhà như người trong nước là hợp lý và góp phần hướng bà con Việt kiều gắn bó với quê hương và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đối với người nước ngoài, kiến nghị cho họ được mua và sở hữu nhà hạng sang phù hợp thông lệ quốc tế. Hiện có khoảng 140.000 người Hàn Quốc ở Việt Nam, trong đó khoảng 80.000 người ở TPHCM và hàng chục ngàn người Nhật, Philippines… nên nhu cầu mua nhà rất lớn. Cho phép người nước ngoài mua nhà hạng sang tại các khu vực được cho phép là tạo công ăn việc làm và không cạnh tranh với người thu nhập thấp trong nước về nhà ở và góp phần giải quyết hàng tồn kho ở phân khúc nhà ở hạng sang hiện nay.
Thị phần lớn như vậy nhưng kết quả giao dịch lâu nay khá thấp. Trong dịp tết vừa qua, Sàn giao dịch BĐS Novaland đã bán 50 căn hộ cho kiều bào. “Việt kiều đến tham quan dự án gần như là quyết định mua rồi nhưng điều kiện kèm theo là họ phải đứng tên căn hộ. Còn đối với người nước ngoài thì ít vì quy định còn khó khăn” - một nhân viên của Sàn giao dịch BĐS Novaland cho biết. Tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, mặc dù hàng chục ngàn người nước ngoài sinh sống nhưng vẫn thuê nhà ở là chính. Đầu năm chủ đầu tư bắt đầu trao giấy chủ quyền đầu tiên cho một người Pháp, tiếp theo là một người Hàn Quốc, sau đó là một khách hàng quốc tịch Nhật Bản. Theo lý giải của một doanh nghiệp BĐS, khung pháp lý hiện nay rất khắt khe cho đối tượng này mua nhà
Mở tới đâu?
Theo tờ trình của dự thảo sửa đổi Luật nhà ở, độ mở đã khá rộng với các đối tượng này. Cơ bản, với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì có quyền sở hữu nhà ở bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ gắn với quyền sử dụng đất ở mà không bị hạn chế về số lượng và loại nhà ở được sở hữu. Đối với cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, được nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam; sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, có thể được gia hạn thêm theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu có nhu cầu.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật Quốc hội tán thành quan điểm này, tuy nhiên đề nghị cần nghiên cứu quy định điều kiện chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt là tại các địa bàn, khu vực trọng yếu. Chẳng hạn như quy định không được mua nhà ở tại các khu vực đặc biệt; hạn chế về số lượng nhà ở được mua trong một khu vực; hạn chế số lượng căn hộ được mua trong một tòa nhà chung cư… tránh hình thành những khu vực biệt lập hoàn toàn chỉ có người nước ngoài sinh sống. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến băn khoăn đề nghị làm rõ là với nhu cầu còn rất lớn về nhà ở của người dân đang sinh sống trong nước, cũng như điều kiện để tạo lập nhà ở còn rất khó khăn thì việc mở rộng sở hữu nhà ở đối với các đối tượng nêu trên, nhất là người nước ngoài như vậy sẽ tác động như thế nào đến quyền có nhà ở của người dân và thị trường BĐS?
GS-TS Đặng Hùng Võ "Việc mở cửa cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà như thế là chậm, lẽ ra khi gia nhập WTO phải tính chuyện này rồi, bởi đó là xu hướng tất yếu của hội nhập, người nước ngoài hay Việt kiều mua nhà chính là xuất khẩu tại chỗ, sẽ tốt cho Việt Nam nhiều vấn đề." |