Điện thương phẩm năm 2030 đạt khoảng 500,4 - 557,8 tỷ kWh
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 15/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Quyết định nêu rõ phạm vi, ranh giới quy hoạch: Quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới tại Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng.
Quy hoạch điều chỉnh đặt mục tiêu bảo đảm cung ứng đủ điện cho yêu cầu tăng trưởng GDP bình quân 10% mỗi năm giai đoạn 2026-2030 và khoảng 7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050.
Trong đó, điện thương phẩm: Năm 2030 đạt khoảng 500,4 - 557,8 tỷ kWh; định hướng năm 2050 đạt khoảng 1.237,7 - 1.375,1 tỷ kWh.
Điện sản xuất và nhập khẩu: Năm 2030 đạt khoảng 560,4 - 624,6 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1.360,1 - 1.511,1 tỷ kWh.
Công suất cực đại: Năm 2030 khoảng 89.655 - 99.934 MW; năm 2050 đạt khoảng 205.732 - 228.570 MW.
Phấn đấu đến năm 2030, có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Chính phủ duyệt Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII
Về chuyển đổi năng lượng công bằng, sẽ phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo (không bao gồm thuỷ điện) phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 28 - 36% vào năm 2030. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 74 - 75%. Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.
Về phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo, dự kiến đến năm 2030, hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi.
Phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu sang Singapore, Malaysia và các đối tác khác trong khu vực. Phấn đấu đến năm 2035, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000MW.
Phát triển tối đa nguồn điện từ năng lượng tái tạo
Đáng lưu ý, trong lần điều chỉnh Quy hoạch điện VIII này, tỷ trọng năng lượng tái tạo được điều chỉnh mạnh mẽ.
Cụ thể, đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện mặt trời (gồm điện mặt trời tập trung và điện mặt trời mái nhà đạt 46.459 - 73.416MW; định hướng đến năm 2050, tổng công suất 293.088 - 295.646MW.
Đến năm 2030, tổng công suất điện gió trên bờ và gần bờ đạt 26.066 - 38.029MW, ưu tiên bố trí các nguồn điện gió quy hoạch mới tại các địa phương có tiềm năng gió tốt, điều kiện kinh tế khó khăn.
Đối với các nguồn điện lưu trữ, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh xác định phát triển các nhà máy thủy điện tích năng với quy mô công suất khoảng 2.400 - 6.000MW đến năm 2030; định hướng đến năm 2050, công suất thủy điện tích năng đạt 20.691 - 21.327MW để điều hòa phụ tải, dự phòng công suất và hỗ trợ tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo với quy mô lớn.
Pin lưu trữ phát triển phục vụ nhu cầu hệ thống và kết hợp với năng lượng tái tạo, bố trí phân tán gần các trung tâm nguồn điện gió, điện mặt trời hoặc trên hệ thống điện tại các trung tâm phụ tải. Đến năm 2030, pin lưu trữ đạt công suất khoảng 10.000 - 16.300MW; định hướng đến năm 2050, công suất pin lưu trữ đạt 95.983 - 96.120MW để phù hợp với tỷ trọng cao của năng lượng tái tạo.
Cũng trong lần điều chỉnh quy hoạch này, nhiệt điện than sẽ không tăng thêm công suất mới, giữ nguyên ở mức 31.055MW, chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong quy hoạch và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030; thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối, amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp. Các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm sẽ phải dừng hoạt động nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu.
Đặc biệt, điện hạt nhân được xác định là nguồn điện nền quan trọng trong dài hạn. Giai đoạn 2030 - 2035 sẽ đưa vào vận hành các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 với quy mô đạt 4.000 - 6.400MW. Giai đoạn đến năm 2050, hệ thống cần bổ sung khoảng 8.000MW nguồn điện hạt nhân để cung cấp nguồn điện nền và có thể tăng lên theo nhu cầu.
Bản điều chỉnh Quy hoạch điện VIII tiếp tục khẳng định quyết tâm Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, với tỷ lệ năng lượng tái tạo dự kiến chiếm 74 - 75% tổng sản lượng điện vào năm 2050.
Nhu cầu vốn đầu tư
Cũng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, để triển khai thành công quy hoạch mới này, Việt Nam cần huy động khoảng 136 tỷ USD đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải tương đương trong giai đoạn 2026 - 2030. Trong đó, đầu tư cho nguồn điện khoảng 118,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 18,1 tỷ USD.
Định hướng giai đoạn 2031 - 2035, ước nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 130 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 114,1 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 15,9 tỷ USD.
Định hướng giai đoạn 2036 - 2050, nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 569,1 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 541,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 27,9 tỷ USD.
-
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy, tổng công suất khoảng 4.600MW. Trong đó, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 có công suất 2.400MW, đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam; còn nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 có công suất 2.200MW, đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.
-
Chính thức phê duyệt khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời năm 2025
Điểm mới là khung giá lần này có tính đến nhà máy có hệ thống pin tích trữ và được tính toán theo các miền riêng biệt.
-
Bộ Công Thương đề xuất nghiên cứu, điều chỉnh Quy hoạch điện 8
Sau hơn 15 tháng có hiệu lực, Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh Quy hoạch điện 8 để đảm bảo khả thi, cung ứng điện.








-
Sắp có nhà máy điện linh hoạt thay thế nhà máy nhiệt điện 51 năm tuổi tại Ninh Bình
Dự án nhà máy điện linh hoạt Ninh Bình có công suất là 300MW, được xây dựng trên tổng diện tích 73ha tại xã Kim Đông, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
-
Lộ diện địa điểm Tập đoàn Hàn Quốc “chấm” để đề xuất đầu tư 3 dự án điện LNG tại Việt Nam
Tập đoàn SK (Hàn Quốc) mong muốn được hợp tác phát triển các nhà máy điện LNG tại Việt Nam, đặc biệt tại các địa phương như Nghệ An và Thanh Hóa.
-
Các tỉnh Đắk Lắk, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương… báo cáo về các dự án điện năng lượng tái tạo
Tại cuộc họp, các tỉnh Đắk Lắk, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, Quảng Nam, Bình Dương… đã có báo cáo về những vướng mắc vẫn đang tồn tại cần tập trung xử lý, tháo gỡ về: Thủ tục liên quan đến đất đai; nghiệm thu công trình xây dựng; hưở...