30/09/2012 10:34 AM
Dù lãi suất trên thị trường liên ngân hàng 2 tuần qua rất ổn định, nhưng lãi suất huy động thị trường dân cư đang vượt trần trở lại.

Để giải bài toán ổn định lãi suất không còn mới, nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, cần một giải pháp tổng thể và căn bản, trong đó, trọng tâm là xử lý nợ xấu của các ngân hàng.

Thanh khoản yếu tại một số ngân hàng là nguyên nhân của các cuộc đua lãi suất huy động

Ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) nhìn nhận, việc các ngân hàng nhỏ vẫn phải đẩy lãi suất huy động từ dân cư xuất phát từ lý do thanh khoản không bền vững. “Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng gặp khó khăn, nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế. Vấn đề là cần sớm cải thiện năng lực quản trị của các ngân hàng này, để tránh tình trạng cho vay công ty sân sau, nợ xấu…”, ông Hải chia sẻ.

Cùng quan điểm nợ xấu là nguyên nhân chủ yếu và tác động mạnh nhất lên thị trường lãi suất, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng phân tích, nợ xấu gây mất vốn, từ đó giảm thanh khoản tại một số ngân hàng. Với quy định tại Thông tư số 21/2012/TT-NHNN, để tham gia giao dịch liên ngân hàng, tổ chức tín dụng đi vay phải không có các khoản nợ quá hạn đối với các giao dịch liên ngân hàng từ 10 ngày trở lên tại thời điểm thực hiện giao dịch. Thời điểm này, giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bị thắt chặt vì nợ quá hạn giữa các ngân hàng tăng cao. Vì thế, nhiều ngân hàng không còn cách nào khác là chạy đua huy động tiền gửi của người dân và doanh nghiệp với lãi suất cao hơn, bất kể việc vượt trần quy định.

“Trong quá trình tái cấu trúc ngân hàng, việc xử lý dứt điểm nợ xấu là điều kiện tiên quyết để lành mạnh hóa ngành ngân hàng, từ đó, tái tạo tính thanh khoản bền vững cho toàn ngành ngân hàng. Phương án cụ thể cho chính sách xử lý nợ xấu có thể khác nhau, nhưng cần đưa ra phương hướng xử lý nợ xấu càng sớm càng tốt. Điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực tới hành vi của ngân hàng ngay trong ngắn hạn”, TS. Hiếu nói.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, mặc dù việc xử lý nợ xấu của hệ thống NHTM là một vấn đề trung hạn, nhưng việc đề xuất phương hướng xử lý nợ xấu có ý nghĩa quan trọng trong ngắn hạn. Lý do bởi hành vi của các ngân hàng sẽ phụ thuộc vào hình dung của ngân hàng về phương án xử lý nợ xấu ở cấp vĩ mô. Ước tính, nếu tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng khoảng 10% thì để hệ thống NHTM tự xử lý nợ xấu, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động sẽ phải cao hơn mức bình thường ít nhất 2%/năm và kéo dài trong 5 năm. Điều này sẽ khiến nền kinh tế mất cơ hội phục hồi và tăng trưởng nhanh trở lại trong quãng thời gian đó.

“Nếu thực hiện một chính sách xử lý nợ xấu sử dụng nguồn lực từ bên ngoài hệ thống NHTM, ví dụ thông qua việc phát hành một loại trái phiếu đặc biệt để có nguồn tài chính mua lại khối nợ xấu và nhờ thế “cắt” khối nợ này khỏi bảng cân đối tài sản của hệ thống NHTM thì các ngân hàng có thể sớm giảm lãi suất cho vay và mở rộng tín dụng trở lại”, TS. Thành nhấn mạnh.

Tổng giám đốc một NHTM chia sẻ, để thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu hệ thống NHTM, cần phải xác định rõ mô hình kinh doanh ngân hàng sau tái cơ cấu, đa năng hay chuyên doanh. Một trong những yếu kém dẫn đến rủi ro trong hệ thống ngân hàng hiện nay là các NHTM đã thực hiện cả chức năng của ngân hàng đầu tư, tỷ trọng đầu tư vào chứng khoán, bất động sản khá lớn dẫn đến rủi ro trong hoạt động đầu tư ảnh hưởng đến rủi ro trong kinh doanh ngân hàng.

“Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, việc có một thị trường mua bán nợ hiệu quả sẽ là một kênh chuyển hóa các tài sản, khoản cho vay chất lượng thấp của ngân hàng yếu kém một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Trong thị trường đó, công ty mua bán nợ quốc gia sẽ là đầu mối xử lý các giao dịch mua bán tài sản và nợ tồn đọng của các ngân hàng và doanh nghiệp. Để có thể làm tốt vai trò trên thị trường mua bán nợ, công ty này phải có nguồn tài chính hoặc được phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh và có một cơ chế mua bán nợ rõ ràng”, TS. Hiếu khuyến nghị.

Theo TS Hiếu, hiện nay, chi phí cho quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn chưa được đề cập một cách cụ thể. Về nguyên tắc, “không có bữa trưa nào miễn phí”, do vậy, Chính phủ cần phải có câu trả lời ngay về nguồn tiền để NHNN cấp thanh khoản hay hỗ trợ các ngân hàng yếu kém và quỹ dành cho tái cơ cấu là bao nhiêu? Với các ngân hàng yếu kém, cần phải cắt giảm quy mô hoạt động, cải thiện năng suất và hiệu quả hoạt động thì mới nhận được hỗ trợ của Chính phủ trong quá trình tái cấu trúc. Thua lỗ và yếu kém trong quản lý thì buộc phải giảm vốn và thay thế lãnh đạo.

“Nên thành lập một cơ quan/ủy ban quốc gia về thực hiện tái cơ cấu NHTM, trong đó, NHNN là đơn vị đầu mối trực tiếp, có sự tham gia của các bên liên quan như Bộ Tài chính, Bảo hiểm tiền gửi, Công ty Mua bán nợ quốc gia và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Khi đó, những khó khăn, hạn chế liên quan đến nguồn lực tài chính, cơ chế giám sát trong quá trình tái cơ cấu; xử lý tài sản đảm bảo và nợ xấu; đặc biệt là mối quan hệ giữa tái cơ cấu hệ thống ngân hàng với tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu đầu tư công trong bối cảnh tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế sẽ được giải quyết đồng bộ và chặt chẽ hơn”, TS. Thành khuyến nghị.

Theo Hồng Dung (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.