05/12/2015 10:19 PM
Lực tài chính của giới đầu tư trong nước đã gia tăng đáng kể trước sức hấp dẫn trở lại của địa ốc. Ở những thị phần phát triển mạnh như Hà Nội hay Tp.HCM, “tỷ phú” trong làng nhà đất dần phổ biến hơn lúc nào. Đặc biệt, các sản phẩm mục tiêu (đảm bảo lợi nhuận) đang mở rộng hết mức.

Trong danh mục đầu tư của nhiều cá nhân chủ động tầm tài chính trên 2 tỷ đồng, vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm…đều lần lượt xếp dưới địa ốc. Cơ sở tham chiếu chính là bức tranh thực tế tương phản giữa BĐS và phần còn lại.

Chậm chân hoặc lấn cấn tài chính, khách hàng sẽ bỏ lỡ cơ hội mua ngay lập tức?!

Không gì bằng…đất!

Lợi nhuận là mục tiêu xuyên suốt của bất cứ kế hoạch kinh doanh nào. Đương nhiên, trong bối cảnh hành lang pháp lý ngày càng chặt chẽ và hoàn thiện, việc đảm bảo hạn chế tối đa rủi ro (tới mức tuyệt đối) ở kết quả kinh doanh lẫn tuân thủ chính sách, quy định liên quan càng trở nên quan trọng.

Đầu năm 2015, nhiều ý kiến của nhà quản lý lẫn chuyên gia kinh tế đều dự báo lĩnh vực BĐS sẽ ghi nhận hồi phục (về thanh khoản lẫn niềm tin). Đồng thời, hoạt động đầu tư cũng trở lại mạnh mẽ.

Kết thúc 11 tháng, dự báo được cụ thể hóa bằng nhiều chỉ số thống kê. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh yếu tố niềm tin của người tiêu dùng lẫn tốc độ ra hàng hấp thụ của sản phẩm nhà đất.

Tháng cuối cùng của năm tài khóa, nhịp độ của toàn nền kinh tế càng gấp gáp. Riêng xây dựng – BĐS hay ngân hàng – tài chính (nguyên lý “bình thông nhau”, theo cách gọi của giới đầu tư BĐS), lại vận động có phần khác biệt.

Nhiều nhà đầu tư non trẻ cho rằng từ nay tới Tết nguyên đán sẽ là thời gian “giảm nhiệt” của địa ốc. “Dự án mới vẫn tiếp tục đẩy mạnh bán hàng. Những cuộc mở bán, công bố giá, hay tri ân khách hàng vẫn diễn ra. Nhưng đó chỉ là cố gắng “chốt” doanh số cuối năm của các đơn vị thứ cấp, sàn giao dịch độc quyền phân phối. Còn thực chất, phải tới giữa quý I/2016 mới là giao dịch “thực” giữa khách mua cần nhà và nhà cung cấp”, Phó giám đốc kinh doanh của công ty độc quyền bán hàng một số dự án cao cấp ở Hà Nội phân tích.

Tuy nhiên, trong mắt nhà đầu tư chuyên nghiệp (không riêng BĐS), thời điểm hiện tại rất thuận lợi cho việc săn lùng sản phẩm cần “bán tháo”(chủ yếu dự án chung cư cao tầng và liền kề trung cấp) ở mức giá dưới 3 tỷ đồng. Đương nhiên, không dễ dàng tìm được nguồn hàng “vừa rẻ, vừa tốt” với đủ các điều kiện sau: dễ thanh khoản (trong tương lai gần); giá trị sang tay không… quá rẻ trong thang quy chiếu sản phẩm cùng loại….

Táo bạo và cập nhật với thực tế chính sách là ý tưởng đầu tư vào đất tại KĐT Golden Palace A (tại quận Nam Từ Liêm) mới được UBND Tp.Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Đây từng là nơi khai sinh dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, công viên giải trí và tháp dầu khí (năm 2010).

Sau khi dự án bị “khai tử” và chuyển đổi thành tên mới như hiện tại, ý tưởng “rót tiền” trở lại siêu dự án này (công ty CP Đầu tư Mai Linh làm chủ đầu tư) với kỳ vọng …bình mới – rượu mới.

Căn cơ bền vững

BĐS, chứng khoán, gửi tiết kiệm, ngoại tệ…đều là những kênh đầu tư “truyền thống” từ trước tới nay. Lựa chọn để sinh lời, lại phụ thuộc vào hiểu biết, mức độ chấp nhận rủi ro và… sở thích của từng cá nhân đầu tư.

Sau nhiều biến cố trong “làng chứng khoán”, lĩnh vực này đã bị gạt khỏi danh mục ưa thích của dân kinh doanh. Do đó, trong tầm tài chính phổ biến ở 2 tỷ đồng, bài toán đầu tư được xác định cơ bản giữa gửi nhà băng và BĐS.

Nếu gửi ngân hàng tiết kiệm với lãi suất 6%/năm (chỉ tính tới tháng 11 vừa qua), thì tiền lãi mỗi năm sẽ là: 2 tỷ đồng x 6% = 120 triệu đồng. Liên quan trực tiếp tới số lãi này, là chỉ số lạm phát. Nếu… không may (!), lạm phát năm 2015 cũng ngang ngửa các năm trước ở mức 6%, thì đồng nghĩa người gửi mất 120 triệu đồng (2 tỷ đồng không sinh lãi sau 1 năm).

Ngược lại, “rót” 2 tỷ đồng vào BĐS, giá trị sinh lời sẽ ổn định và ít khả năng lao dốc. Đặc biệt, đơn giản nhất là mua căn hộ chung cư cho thuê lại. Phân tích nhanh của giới thứ cấp cho thấy chỉ cần lựa chọn được vị trí, chủ đầu tư uy tín, tiện ích nội khu và ngoại khu đều đầy đủ, môi trường sống trong lành, giao thông thuận lợi như tại 4 quận nội đô lịch sử (tại Hà Nội) hay KĐT Phú Mỹ Hưng (Tp.HCM); thì giá cho thuê căn chung cư 70 m2 – 90m2 giúp mang lại khoảng 15-18 triệu đồng/tháng. Chưa kể, những BĐS kiểu này chắc chắn sẽ duy trì và tăng giá trong tương lai, khi quỹ đất nội đô đã eo hẹp.

“Mơ mộng” hơn, là kỳ vọng đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng ở các địa bàn ven biển. Tuy nhiên, chỉ những cá nhân, đơn vị có tham vọng và… mức độ chấp nhận rủi ro cao cũng như thu hồi vốn trong dài hạn mới nghĩ tới.

Chỉ điểm nhanh một số dự án “hoành tráng” ở Phú Quốc, Nhà Trang, Đà Nẵng, Hạ Long…, để “giữ” một suất căn hộ dịch vụ hay biệt thự ven biển cho thuê kiếm lời, đa phần cá nhân nhà đầu tư nhỏ lẻ đều đề cập tới vấn đề liên kết, góp vốn, mời gọi cùng rót tiền. Thời điểm cuối năm tài khóa, việc này không đơn giản!

Nguyễn Cảnh (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.