Nhiều chủ dự án BĐS do thiếu tiền triển khai dự án, đang phải chấp nhận đổi nhà để lấy… gạch, cát, xi măng.
Niêm yết giá bán nhà bằng USD, kín kẽ hơn thì thanh toán tiền bán nhà bằng Việt Nam đồng, nhưng quy đổi theo tỷ giá USD. Bàn giao nhà chậm tiến độ đến cả 5-6 năm trời, hay bàn giao nhà giá trị chục tỷ, nhưng hạ tầng chưa hoàn thiện, phí dịch vụ thu vượt quy định gấp nhiều lần…
Trong lĩnh vực bất động sản, chưa bao giờ quyền lợi của người tiêu dùng lại bị cố tình xâm phạm một cách đồng loạt như bây giờ. Có thể kể ra hàng loạt cái tên, mà hầu hết là những dự án chung cư cao cấp, có giá trị từ một vài cho đến cả chục tỷ đồng một căn như Chung cư Lê Văn Lương Residential, Chealsea Park, Royal City, AZ Land, Golden West Lake, Mulberry Lane, Keangnam…
Không phải nhà đầu tư - người mua - người tiêu dùng không biết các chủ đầu tư đang làm sai quy định, nhưng vào giai đoạn cơn sốt bất động sản đang ở cao trào, nhiều người đã nhắm mắt cho qua với tâm lý “của mua là của được”. Để bây giờ, khi cái bóng khó khăn của nền kinh tế phủ xuống mọi ngõ ngách, nhà không bán được, ngân hàng giục giã, chỗ vay nặng lãi siết nợ hàng ngày… nhà đầu tư không còn lựa chọn nào khác, đành một lần nữa bỏ tiền thuê Luật sư cãi lý để tìm lại quyền lợi cho mình được chút nào hay chút ấy.
Vậy là, lợi dụng “tâm lý đám đông” của một bộ phận những nhà đầu tư đang say sưa trong cơn sốt ảo của bất động sản, các chủ đầu tư đã đưa ra các bản hợp đồng trong đó có nội dung vừa vi phạm pháp luật nhà nước, vừa vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Hệ quả tất yếu của việc vi phạm đồng loạt trong một giai đoạn trước đây của các chủ đầu tư chính là tình trạng khiếu kiện đồng loạt của các nhà đầu tư hiện nay. Cuộc đấu tranh đòi lại quyền lợi này xem ra sẽ mang đến nhưng bài học đắt giá cho các chủ đầu tư và cả người tiêu dùng.