Bên cạnh đó, cũng có không ít công trình thuộc tài sản công nhưng không có đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm quản lý, đang rơi vào tình trạng xuống cấp, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Sau sự cố sập nhà tại công trình biệt thự Pháp cổ tại số 107 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào tháng 9/2015, làm 2 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương nặng, đến thời điểm hiện tại, vụ việc này vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều hộ gia đình đang sinh sống tại các biệt thự Pháp cổ trên địa bàn TP Hà Nội.
Bà Trần Bích Lan, người dân sống tại công trình biệt thự Pháp cổ tại ngõ Hàng Cỏ cho biết, theo quy định, hiện nay, người dân không được phép tự ý cải tạo, sửa chữa các công trình biệt thự cổ thuộc diện danh mục cần được quản lý, bảo tồn. Mặc dù biết là công trình xuống cấp, không an toàn nhưng do không có điều kiện di dời đi nơi khác nên vẫn buộc phải bám trụ.
Nhiều công trình biệt thự kiến trúc Pháp cổ trên địa bàn Hà Nội đã bị xuống cấp. Ảnh: Doãn Thành
“Chúng tôi rất mong muốn Nhà nước có những quy chế quy định rõ ràng hơn về vấn đề quản lý, sử dụng gắn với bảo tồn các công trình nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ. Đối với những công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp nếu Nhà nước không bố trí được kinh phí cũng nên cho phép người dân được quyền cải tạo, sửa chữa” – bà Trần Bích Lan chia sẻ.
Khảo sát thực tế tại một số địa bàn tập trung số lượng nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ lớn nhất trên địa bàn TP Hà Nội, như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng... ngoài những công trình do quá trình sinh sống và sử dụng của người dân, có không ít công trình bị bỏ hoang đều rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, như biệt thự số 78 Nguyễn Du (Hai Bà Trưng). Đây từng là trụ sở của Ngân hàng Vietcombank Hà Nội, sau nhiều năm chuyển đi nơi khác, ngôi biệt thự không sử dụng bị xuống cấp; hay biệt thự số 46 Hàng Bài (Hoàn Kiếm), diện tích khoảng 1.000m2, từng là trụ sở của Nhà xuất bản văn học. Trong giai đoạn từ năm 1998 - 2003, đã nhiều lần đổi chủ, sau đó được chuyển cho một DN để xây dựng trụ sở, cơ quan Nhà nước nhưng hiện nay vẫn bị bỏ hoang.
KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho biết, từ những năm 70 của thế kỷ XX, các đơn vị xây dựng những công trình nhà Pháp cổ ở Hà Nội đã có văn bản thông báo cho Chính phủ những ngôi nhà này đã hết hạn sử dụng, họ sẽ không chịu trách nhiệm nếu công trình xảy ra sự cố. Nhưng nhiều công trình vẫn được sửa chữa để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. “Cùng với những công trình đang sử dụng rơi vào tình trạng xuống cấp, nhiều công trình nhà biệt thự Pháp cổ là tài sản công, nhưng không có đơn vị nào nhận trách nhiệm quản lý, bị bỏ hoang, nguy cơ sập đổ cao” – KTS Trần Huy Ánh nhìn nhận.
Khó xác định trách nhiệm
Theo thống kê từ Sở Xây dựng Hà Nội, 1.253 nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ trên địa bàn TP được xây dựng từ trước năm 1954 được đưa vào danh mục cần được quản lý, bảo tồn tập trung chủ yếu ở khu vực lõi, như quận Hoàn Kiếm có 527 công trình, quận Ba Đình có 428 công trình, quận Hai Bà Trưng: 270 công trình, số còn lại được phân bố tại các quận Đống Đa, Tây Hồ.
Vì giá trị thương mại và lợi nhuận kinh doanh cao nên rất nhiều chủ sở hữu công trình nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ đã dùng nhiều chiêu trò để có thể cải tạo công năng sử dụng của những công trình này. Theo Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng, từ khi UBND TP chủ trương chuyển các đội Thanh tra xây dựng từ Sở về trực thuộc quản lý tại các quận, huyện, thị xã, công tác phát hiện, xử lý vi phạm trật tự xây dựng đã có tiến triển, nhưng vẫn cần phải có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn từ chính quyền cơ sở.
“Thực tế, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng nói chung vẫn xảy ra với chiều hướng phức tạp hơn. Do vậy để xử lý những vi phạm về trật tự xây dựng nói chung, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền cơ sở để sớm phát hiện, xử lý kịp thời và thực hiện nghiêm chế tài để răn đe” – ông Nguyễn Việt Dũng cho hay.
Phó trưởng Phòng quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) Vũ Đức Thắng cho biết, nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ đều được xây dựng ở các vị trí đẹp, có diện tích khá lớn trên các tuyến phố chính, thuận lợi giao thông, có giá trị về kiến trúc, kinh tế, tạo điểm nhấn cho kiến trúc đô thị Hà Nội. Chủ yếu là kiến trúc kiểu Pháp hoặc kết hợp giữa kiến trúc phương Tây và Á Đông, cùng với các công trình có giá trị kiến trúc khác tạo nên diện mạo riêng của Thủ đô. Quỹ nhà biệt thự chủ yếu thuộc sở hữu Nhà nước được hình thành khi thực hiện các chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa về nhà ở, công tư hợp doanh, nhà vắng chủ...
“Đa số các biệt thự được xây dựng trên dưới 100 năm, nhiều biệt thự không được bảo trì, sửa chữa thường xuyên nên bị xuống cấp, hư hỏng gây mất an toàn cho người sử dụng. Do nhiều thành phần quản lý, sở hữu, sử dụng biệt thự nên việc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp kinh phí để bảo trì, cải tạo sữa chữa rất khó, các hộ gia đình vẫn trông chờ vào Nhà nước, tiền thuê nhà thu được không đủ để sửa chữa, bảo trì biệt thự” – ông Vũ Đức Thắng cho hay.
Bên cạnh đó, công tác thực hiện kiểm định để lập danh mục nhà cổ, biệt thự Pháp cổ có giá trị đặc biệt và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 đã xuống cấp thuộc diện nhà nguy hiểm. Từ đó lập phương án di chuyển các tổ chức, cá nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm để xây dựng, cải tạo, phục hồi, bảo trì.
Việc nghiên cứu thí điểm dùng ngân sách Nhà nước mua lại của các chủ sử dụng đan xen với trụ sở cơ quan, nhà biệt thự có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa gắn với lịch sử Thủ đô, đất nước đã xuống cấp để bảo tồn, tôn tạo lại theo nguyên trạng ban đầu theo tinh thần Nghị quyết số 02/2014/NQ-HĐND của HĐND TP cũng chưa được thực hiện.
"TP Hà Nội cần rà soát lại tổng thể tất cả ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc Pháp cổ trên địa bàn, phân loại cụ thể các nhóm công trình, thời gian xây dựng, giá trị sử dụng, vai trò của công trình đối với lịch sử - văn hóa... Từ đó có kế hoạch, bố trí nguồn kinh phí trùng tu hàng năm, kết hợp với việc quản lý, sử dụng." - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính "Hiện nay, rất nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tại khu vực phố cổ muốn tìm kiếm một căn biệt thự theo kiến trúc Pháp cổ để thuê lại phục vụ mục đích kinh doanh, song việc này rất khó, cho dù đó là căn biệt thự đã bị xuống cấp, các DN sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để cải tạo nếu như được thuê." - Thành viên Hiệp hội khách sạn, du lịch phố cổ Hà Nội Lê Xuân Vinh |
-
Hà Nội sẽ thí điểm mua lại biệt thự cổ để bảo tồn
Hà Nội cho biết sẽ xây dựng cơ chế thí điểm mua lại biệt thự, thực hiện việc giải phóng mặt bằng tái định cư các hộ dân để bảo tồn, tôn tạo các biệt thự có giá trị.