Nhà tái định cư bỏ hoang
Có mặt tại khu dự án tái định cư 26,5 ha Mỹ Xuân và 44 ha thị trấn Phú Mỹ (huyện Tân Thành) chúng tôi chứng kiến nhiều lô nhà xây kiên cố đã bị bỏ hoang lãng phí từ nhiều năm nay khiến rêu phong phủ kín, cỏ mọc um tùm.
Gặp chúng tôi, chị Lâm Thị Cẩm Thoa (trú tại thị trấn Phú Mỹ) than vãn: “Mặc dù khu tái định cư này đã xây dựng xong từ lâu, nhưng chẳng có mấy hộ dân chịu vào sinh sống. Do hầu hết các khu tái định cư đều chưa có trường học, trạm y tế, chợ dân sinh!”.
Theo chị Thoa, sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp, gia đình chị được bố trí một lô đất tại khu đô thị mới Phú Mỹ này. Việc xây nhà bắt buộc phải tuân theo thiết kế xây dựng của dự án. Do vậy, mặc dù được cấp đất đã lâu nhưng gia đình chị vẫn phải đi ở nhờ nhà người quen.
Dãy nhà tái định cư trên địa bàn huyện Tân Thành bị bỏ hoang từ rất lâu gây lãng phí…
Chị Thoa tính toán, để xây dựng căn nhà trên phải có từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Trong khi đó, gia đình chị lại rất khó khăn, bản thân chị không có việc làm, chồng chạy xe ba gác mỗi ngày cũng chỉ kiếm được trên dưới 100 ngàn đồng khiến tiền ăn không đủ, lấy đâu ra tiền xây nhà.
Tương tự, sau khi bị thu hồi đất, gia đình anh Trần Đình Du chuyển đến khu tái định cư Phú Mỹ sinh sống. Chuyển về nơi ở mới gia đình anh càng bế tắc về kinh tế. Anh Du buồn bã tâm sự: “Khi chưa bị thu hồi đất kinh tế của gia đình tôi khấm khá. Ngoài việc mở tiệm bán hàng ăn uống, gia đình còn mở một gara sửa chữa ô tô, nguồn thu rất ổn định. Còn từ ngày chuyển về đây cả nhà chẳng biết làm ăn gì!”.
Việc người dân không có tiền xây dựng nhà hoặc ngán ngại chuyển đến sinh sống tại nơi ở mới đã khiến nhiều khu tái định cư bị bỏ hoang hóa suốt nhiều năm qua. Thực tế, nhiều lô nhà xây kiên cố nhưng không một bóng người ở.
Chị Hà Thị Yến, một trong số ít hộ dân đến sinh sống tại đây, tâm sự: “Ở đây tuy sạch sẽ hơn chỗ ở cũ nhưng chúng tôi chỉ biết tự… nhốt mình trong nhà, chẳng có điều kiện làm thêm. Trước gia đình vẫn có nguồn thu nhập từ chăn nuôi, dù không cao nhưng ổn định, đủ để trang trải những sinh hoạt hàng ngày, còn giờ thì không biết làm gì".
Từng sở hữu 3.000 m2 đất tại ấp Phước Lập, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, nhưng đến năm 2007, gia đình chị Yến bị thu hồi toàn bộ diện tích đất để địa phương triển khai thực hiện dự án KCN B1 - Tiến Hùng.
Gia đình chị được bố trí một suất tái định cư ở khu tái định cư Mỹ Xuân. Mặc dù được ở nhà cửa khang trang, nhưng đất sản xuất không có, thu nhập giảm sút. Đã thế, chị Yến cũng đành bỏ dở công việc vì nơi ở mới quá xa chỗ làm.
Chị Yến bức xúc: “Ðến nay tiền di dời gia đình tôi vẫn chưa nhận được một xu nào. Khi đến đây, gia đình bỏ tiền đền bù đất đai ra xây dựng nhà, xây xong thì cũng gần như trắng tay, không biết phải xoay xở thế nào”.
Nhà tái định cư như… ổ chuột
Theo chị Yến, ở khu nhà mới bất tiện, thiếu thốn đủ bề, chợ búa, học hành của con cái đều bị đảo lộn. Ðây chính là lý do mà rất ít hộ dân đến sinh sống tại các khu tái định cư này.
Mổ xẻ rõ bất cập
Theo UBND huyện Tân Thành, phần lớn diện tích đất tại các khu tái định cư vẫn còn trống, người dân được bố trí tái định cư nhưng không xây dựng nhà ở chiếm tỷ lệ cao.
Cụ thể diện tích đất thực ở và xây dựng nhà trong các khu tái định cư hiện chỉ chiếm 12,2%, nhưng nhu cầu xây nhà ở trong khu tái định cư rất ít. Cụ thể khu tái định cư 26,5 ha xã Mỹ Xuân được dành để bố trí cho 781 hộ gia đình bị giải tỏa. Vậy nhưng, sau 5 năm triển khai, mới chỉ có gần 7% số hộ dân thuộc diện tái định cư đến ở; khu tái định cư 44 ha tại thị trấn Phú Mỹ hiện cũng chỉ có gần 10% số hộ.
Khu nhà, đất tái định cư bỏ hoang cỏ mọc um tùm
Ông Lê Văn Xương, Chủ tịch UBND huyện Tân Thành cho biết: “Đến nay, đã có 5 khu tái định cư trên địa bàn huyện xây dựng xong và đưa vào sử dụng với 195 căn hộ và 3.432 nền đất. Trong số này, huyện đã bố trí tái định cư cho 3.213 suất, đồng nghĩa với việc có tới 90% số hộ thuộc diện tái định cư trên địa bàn được bố trí tái định cư".
Tuy nhiên, ông Xương cũng thừa nhận, mặc dù đã tập trung triển khai đầu tư, xây dựng các khu tái định cư nhưng phần lớn diện tích đất tại các khu tái định cư vẫn còn trống, người dân được bố trí tái định cư nhưng không chịu vào xây dựng nhà ở, đó là một bất cập.
Theo tìm hiểu của PV NNVN, mới đây đoàn công tác của HÐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mổ xẻ làm rõ bất cập trong quá trình triển khai đề án tái định cư của huyện Tân Thành. Ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch HÐND tỉnh cho rằng: Số đông hộ dân đều không muốn bị di dời, giải tỏa và hầu hết đều gặp khó khăn khi phải chuyển đến nơi ở mới. Thậm chí, nhiều hộ không có khả năng xây dựng nhà ở hoặc do nhà tái định cư không phù hợp với cuộc sống người dân bị thu hồi đất, vì thế nhiều trường hợp đã chuyển nhượng “quyền được tái định cư” cho người khác để tìm nơi ở mới. |
-
Người dân có phải nộp tiền chênh lệch khi giá đền bù thấp hơn giá khu vực tái định cư?
Xin hỏi, khi bồi thường thu hồi đất, giải phóng mặt bằng một số hộ dân được giao đất tái định cư nhưng giá dự định đền bù thấp hơn so với khu vực tái định cư thì người dân có phải nộp tiền chênh lệch không?...
-
Phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất
Đó là một trong những nội dung tại Nghị quyết số 37 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chí...
-
Người bị thu hồi đất xây dự án đô thị sẽ được bố trí tái định cư tại chỗ
Đó là một trong những nội dung được đề xuất tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).