Sở hữu những dự án vào hàng “hot”, nhưng Công ty cổ phần bất động sản AZ (AZ Land) lại nổi tiếng vì những vụ kiện tụng và bị khách hàng gắn mác “lừa đảo”.
Dự án nào cũng tai tiếng
Có lẽ nhắc đến tên AZ Land, hẳn khiến nhiều khách hàng phải tái mặt vì những dự án đẹp long lanh như mơ, nay vẫn chỉ là bãi đất hoang hoặc chưa được cấp phép.
AZ Land từng một thời đình đám trong giới bất động sản nhờ sở hữu hàng loạt các dự án vào loại hàng “hot” trên thị trường như: AZ Vân Canh CT1, AZ vân Canh CT2, AZ Lâm Viên, AZ Sky Định Công, AZ Kim Giang, Bright City…
Khách hàng biểu tình trước trụ sở cũ của AZ Land tại 58 Trần Thái Tông
Dù dự án nào cũng được quảng cáo rầm rộ và mức giá chênh lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng đến nay, khách hàng mua các dự án này đều đang phải ngậm “trái đắng” vì dự án thì đắp chiếu bỏ hoang, dự án thì vẫn chưa được cấp phép.
Mở màn cho những tai tiếng của AZ Land là việc bị khách hàng tố dự án AZ Vân Canh CT1 chậm tiến độ, có dấu hiệu chiếm dụng vốn của khách hàng. Theo đó, cuối năm 2009 đầu năm 2010, Công ty AZ bắt đầu bán dự án dưới hình thức huy động vốn với số tiền 11 – 12 triệu đồng/m2, chênh từ 2 – 4 triệu đồng/m2 (số tiền này không có hóa đơn).
Theo hợp đồng, dự án sẽ được khởi công 4/2010, nhưng phải đến hơn 1 năm sau (7/2011), dưới sức ép rút vốn của khách hàng, công ty này mới làm 1 lễ động thổ hoành tráng. Nhưng chỉ sau 20 ngày, dự án đã bị phát hiện “khởi công cho có” vì máy móc đã rút ra hết khỏi công trường. Đến nay dự án này vẫn nằm án binh bất động.
Dự án thứ hai đưa tên tuổi của AZ Land trở nên nổi tiếng là AZ Vân Canh CT2. Đầu năm 2010, Công ty Đầu tư phát triển Nhà Thái Sơn (công ty con của AZ Land) đã làm hợp đồng vay vốn đối với hơn 100 khách hàng để huy động vốn thực hiện dự án này.
Điều đáng nói là tuy chưa được chuyển giao từ HUD nhưng công ty này vẫn công khai huy động vốn từ khách hàng. Sự việc khiến nhiều khách hàng ngã ngửa khi đại diện của HUD lên tiếng khẳng định “chưa có một sự chuyển giao nào”.
Tương tự, dự án AZ Sky Định Công cũng bị khách tố huy động vốn khi dự án chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng. Cụ thể, hợp đồng huy động vốn được ký kết từ năm 2009, nhưng đến tận ngày tháng 10/2010, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội mới có Công văn cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Và tất nhiên, dự án chưa có giấy phép xây dựng cũng như được phê duyệt về quy hoạch.
Dự án BrightCity cũng khiến nhiều khách hàng phải đau đầu khi chủ đầu tư huy động vốn, nhưng không chịu thực hiện dự án, thậm chí còn có dấu hiệu “xù” tiền. Huy động vốn của khách hàng từ năm 2011 với mức giá 16 triệu đồng/m2 (chênh khoảng 2 triệu đồng/m2). Nhưng đến tháng 11/2012, hợp đồng đặt cọc hết hạn, dự án vẫn chưa thi công xong móng.
Khách hàng yêu cầu thanh lý hợp đồng và hoàn trả tiền, nhưng chủ đầu tư không thực hiện, với lý do “vốn góp của khách hàng đã được đầu tư cho cơ sở hạ tầng, làm móng”.
Có lẽ dự án đình đám nhất khẳng định thương hiệu “lừa đảo” của công ty này là dự án Hùng Vương (xã Tiền Châu, thị xã Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) khi AZ Land bán khống hàng trăm mảnh đất của dự án này.
AZ Land đã dùng chiêu gì?
Dự án nào cũng có vấn đề, nhưng vì đâu khách hàng vẫn “dính” phải và buộc phải chấp nhận những “trái đắng”?
Dự án AZ Lâm Viên
Trước hết, AZ đánh trúng vào tâm lý thích “giá rẻ” của khách hàng. Dự án do AZ Land bán thường thấp hơn so với giá của nhiều dự án tương đương trên thị trường. Và có lẽ đó chính là “miếng mồi ngon” được đem ra nhử các con mồi.
Cụ thể, giá của dự án Vân Canh được chào bán hồi năm 2009 của HUD lên tới 14 – 15 triệu đồng/m2, thì AZ Land chỉ 11 – 12 triệu đồng/m2, dự án BrightCity AZ Land đưa ra giá 16 triệu đồng/m2, trong khi những dự án khác xung quanh dao động từ 18 – 22 triệu đồng/m2. Đặc biệt, dự án Hùng Vương, trong khi chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thăng Long bán 11 – 12 triệu đồng/m2, thì AZ Land chỉ bán với giá 7 – 8 triệu đồng/m2.
Có lẽ sự khôn ngoan nhất của AZ Land cũng như nhiều công ty bất động sản hiện nay là việc huy động vốn của khách hàng dưới dạng hợp đồng góp vốn.
Theo luật sư Bùi Quang Hưng, văn phòng Luật sư BQH và cộng sự, việc ký hợp đồng góp vốn thực tế đặt khách hàng vào một tình huống có thể mất trắng tiền bất cứ lúc nào.
“Hợp đồng góp vốn, thực chất là cùng nhau đầu tư. Nếu thắng thì anh sẽ được hưởng lợi nhuận trả bằng tiền hoặc bằng tài sản, vì dụ như bao nhiêu m2 đất. Còn nếu thất bại, thì tôi và anh đều phải chịu”, Luật sư Hưng phân tích.
Đối với mỗi dự án, AZ Land đều lập ra một công ty con, AZ Vân Canh CT1 là Công ty Đầu tư phát triển nhà Thái Sơn, Dự án AZ Hùng Vương là công ty La Giang, AZ Sky Định Công là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đá quý, BrightCit là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bánh kẹo Thăng Long,…Tuy nhiên, trên website chính thức hiện nay của công ty này chỉ có 2 công ty thành viên là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đá quý và Công ty bánh kẹo Thăng Long.
Đặc biệt, sự mập mờ trong cách làm ăn của AZ Land còn thể hiện trong việc niêm phong hợp đồng khi bàn giao cho khách hàng.
Một khách hàng mua dự án AZ Vân Canh CT2 nói: “Khi nhận hợp đồng, phía AZ yêu cầu phải niêm phong 45 ngày để tránh việc chuyển nhượng, bán lại cho người khác. Nhưng thực chất là một trò “bịp bợm” khách hàng, vì sau 45 ngày, chúng tôi mở túi hồ sơ ra, thì chỉ có mỗi bản hợp đồng vay tiền, chứ không hề có một giấy tờ nào về dự án CT2”.
Với việc dính hàng loạt phốt, có lẽ việc lấy lại niềm tin với khách hàng của AZ Land là không hề dễ. Số tiền mà công ty này khất nợ với khách hàng chưa biết đến bao giờ có thể trả được. Có lẽ với nhiều khách hàng, cái tên AZ Land đã trở thành một nỗi ám ảnh lớn.
Được biết, trụ sở của công ty này đã rời khỏi tòa nhà hoành tráng tại số 58 Trần Thái Tông (Hà Nội) để chuyển về một con ngõ nhỏ ở phố Tây Sơn.
Theo phản ánh trên báo chí, hiện trụ sở của Công ty chỉ có 2 người làm việc tại văn phòng công ty, 1 bảo vệ, 1 lễ tân. Đội ngũ kỹ sư thiết kế, nhân viên văn phòng, hành chính, kế toán... công ty đã vắng bóng.a