Những dấu hiệu căng thẳng về tỷ giá đô la Mỹ bắt đầu xuất hiện. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã có biện pháp điều chỉnh nhằm ổn định và khống chế mối nguy từ tín dụng ngoại tệ, tuy nhiên, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy cho rằng, nếu vấn đề không giải quyết được tận gốc thì tỷ giá sẽ còn biến động lâu dài.

Mối lo lớn nhất hiện nay chính là tín dụng đồng đô la Mỹ đang tăng cao và phần lớn trong số đó sẽ đáo hạn vào dịp cuối năm. Khi đó, c ầu thực về ngoại tệ sẽ rất lớn, gây áp lực cho tỷ giá cuối năm.


Trước tình hình này, ngày 24/8, Ngân hàng nhà nước đã quyết định tăng tỷ giá liên ngân hàng từ 20.618 đồng lên 20.628 đồng cho mỗi đô la Mỹ. Thời điểm này, các ngân hàng thương mại đã đẩy giá bán lên kịch biên độ cho phép 1%. Tại ngân hàng Vietcombank, ngày 11/9 báo giá mua 20.830 đồng và bán ra 20.834/đô la Mỹ. Biên độ giữa giá mua vào – bán ra để ở mức rất hẹp như vậy cho thấy nhu cầu mua, bán đang “nóng” dần lên. Trong khi đó, tại thị trường tự do, tỷ giá đô la Mỹ đang dao động ở khoảng 21.000đồng/đô la Mỹ.


Áp lực tỷ giá có dấu hiệu căng thẳng
Những dấu hiệu căng thẳng về tỷ giá đô la Mỹ vào dịp cuối năm bắt đầu xuất hiện

Lý giải về điều này, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy cho rằng, nhìn vào những yếu tố kinh tế như hiện nay thì sự căng thẳng về tỷ giá hối đoái là chuyện không thể tránh khỏi trong những tháng cuối năm. Đó là hiện tượng đã từng xảy ra và bây giờ bắt đầu nhen nhóm trở lại, hiện tượng hai giá trong hệ thống chính thức. Ngoài ra, cộng thêm giá của thị trường chợ đen nữa sẽ là ba giá.


Theo ông Lê Đức Thuý, những điều đã nói ở trên là biểu hiện của sự không bình thường trong cơ chế quản lý của Nhà nước.


Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải, trước khi có sự điều chỉnh tỷ giá, rõ ràng tỷ giá chợ đen cách xa tỷ giá công bố và tỷ giá giao dịch thực tế trong ngân hàng. Mặc dù có quy định chặt chẽ về tỷ giá công bố và trần cho phép nhưng sau khi có sự điều chỉnh tỷ giá một thời gian thì tình hình trên có phần thay đổi theo chiều hướng ngược lại và tỷ giá quy định hay trần chính thức cho phép bắt đầu cao hơn cả giá giao dịch thực tế trong ngân hàng và thậm chí cao hơn cả giá ngoài thị trường tự do. Sự chênh này không hề nhỏ và có khi vượt mức 1,5%. Biện pháp này khi đó đã khiến nhiều người vui mừng vì cho rằng điều hành tỷ giá như vậy là hiệu quả .


Tuy nhiên, theo ông Thúy, đây là cách không bền vững bởi những yếu tố tăng cung ảo. Khi đó, doanh nghiệp vay đồng đô la rẻ hơn vay Việt Nam đồng. Dù không cần đến đồng đô la người ta cũng vẫn vay ngoại tệ để bán và dùng Việt Nam đồng để quay vòng đồng thời kỳ vọng rằng, sự điều chỉnh tỷ giá sẽ không diễn ra đến mức vượt quá chênh lệch họ thu về được từ lãi suất giữa hai đồng tiền.


Khi đó, cầu cho nhập khẩu, cầu cho những thanh toán bên ngoài về ngoại tệ chưa lớn. Các ngân hàng có thể mua được ngoại tệ và bán cho ngân hàng nhà nước để tăng dự trữ chứ không phải nguồn cung là do xuất khẩu được nhiều và kiếm được ngoại tệ hay là do luồng vốn FDI, kiều hối về nhiều so với trước.


Chỉ khi hợp đồng vay ngân hàng đến lúc đáo hạn thì nhu cầu mua ngoại tệ lại tăng cao. Lúc này cầu thực mới xuất hiện. Và khi cầu thực xuất hiện thì lại cao hơn nguồn cung. Hậu quả sẽ là tỷ giá sẽ tăng lên và biến động và thời điểm hiện nay chính là dấu hiệu.

“Điều này cũng chứng tỏ rằng biện pháp điều chỉnh tỷ giá thời điểm đầu năm vừa qua chỉ giải quyết được phần bề mặt, có thể tạm ổn định được thị trường ngoại hối, nhưng nếu không lường trước được các tình huống tiếp theo và giải quyết được gốc rễ thì sẽ còn biến động lâu dài”, ông Thúy nhận định.


Thêm một lý do nữa khiến tỷ giá đô la Mỹ được dự báo sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm, ông Thúy cho biết đó là giá vàng tăng mạnh. Khi vàng tăng giá mạnh thì luồng đầu tư của người nắm giữ tiền sẽ chuyển sang vàng. Ngoài ra, những người đầu cơ vàng muốn tăng nguồn cung thì sẽ đi “vét” đô để nhập vàng và họ vô tình đã đẩy giá đồng đô lên cao.


Lời giải


Có thể nói, tỷ giá ngoại tệ biến động vào thời điểm cuối năm là điều đã được dự báo trước. Để kiểm soát tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ thêm 1% kể từ tháng chín.


Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội cho rằng, tăng dự trữ bắt buộc đồng đô la và tăng lãi suất cho vay là điều cần phải làm. Tỷ giá hiện nay đang tương đối ổn định nhưng ở mức danh nghĩa. Vì lạm phát của Việt Nam đang rất cao nên điều này cho thấy hàng Việt Nam đang đắt lên tương đối so với thế giới. Bởi giá cao dần lên mà tỷ giá không đổi nên từ nay đến cuối năm nhập siêu sẽ tăng rất mạnh. Khi đó, áp lực thay đổi về tỷ giá sẽ rất cao và sẽ có cú sốc về tỷ giá với mức biến động từ 10-15%.


Còn nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tỷ giá sẽ biến động đến mức nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.


“Thời điểm cuối năm, tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ giữ mức tỷ giá như hiện nay. Còn áp lực của thực tế thị trường thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp xử lý, chẳng hạn có thể dùng phần dự trữ mua được để can thiệp. Ngoài ra, hạn chế những khoản vay mượn, đầu tư ngoại tệ…Và ngay từ bây giờ cũng có thể làm giảm sức hấp dẫn của đồng đô la bằng cách tăng lãi suất cho vay”, ông Thúy chia sẻ quan điểm.


Mặc dù vậy, ông Thúy cũng khẳng định, để giải quyết được vấn đề tỷ giá là cả một quá trình không hề đơn giản.

Theo Quỳnh Anh (Tổ Quốc)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh