Cụ thể, Ngân hàng Sacombank vừa điều chỉnh lãi suất các kỳ hạn 2 tháng và 6 tháng với mức tăng từ 0,1-0,2%/năm. Ngân hàng VP Bank cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động với kỳ hạn 1 tháng tăng từ 4,9%/năm lên 5,2%/năm, kỳ hạn 12 và 13 tháng tăng từ 6,5% lên 6,9%/năm. Trước đó nhiều ngân hàng khác như Eximbank, Techcombank… cũng đã tăng lãi suất thêm từ 0,1-0,3%/năm tại một số kỳ hạn.
Theo các ngân hàng, nguyên nhân của việc tăng lãi suất huy động là do thời điểm cuối năm, nhu cầu rút vốn của các doanh nghiệp để chi lương, thưởng tết và chi mua sắm tăng. Do đó, ngân hàng cần thu hút vốn để cân bằng thanh khoản.
Ngoài ra, ở thời điểm hiện tại, các ngân hàng cũng cần chuẩn bị nguồn vốn để triển khai các chương trình cho vay ngay khi có hạn mức tín dụng mới trong năm 2017.
Trong khi đó, theo phân tích của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) tại Báo cáo Triển vọng 2017, trong năm 2017, mặt bằng lãi suất sẽ vẫn tiếp tục chịu áp lực do những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng kéo theo việc cạnh tranh huy động và những biến động trên thị trường thế giới, đặc biệt là lộ trình tăng lãi suất của FED đi cùng rủi ro tỷ giá.
VCBS chỉ ra rằng, các ngân hàng cần tăng lãi suất huy động để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN. Theo số liệu của VCBS, tính đến hết quý 3-2016, tại nhiều ngân hàng tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động vẫn vượt quá 80% theo quy định như là VIB (89%), TPBank (83%), SHB (83%), Vietinbank (96%), BIDV (90%), Việt Á (87%)… Nhiều ngân hàng cũng có tỷ lệ tỷ lệ nợ trung dài hạn cao hơn 50% như là Eximbank (65%), Maritime Bank (70%), Sacombank (62%), Techcombank (70%), VPBank (74%)...
Do đó, trước áp lực tăng lãi suất huy động như trên, lãi suất cho vay khó có thể giảm theo mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước. VCBS cũng lưu ý rằng chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động tại các ngân hàng đã giảm rất mạnh trong khoảng 3 năm trở lại đây và thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực. Chênh lệch lãi suất huy động - cho vay càng nhỏ, các ngân hàng có biên lợi nhuận càng mỏng nên càng ít động lực để giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, các chuyên gia của VCBS cũng cho rằng, trong bối cảnh lạm phát trong tầm kiểm soát, biến động của thị trường ngoại hối, việc giảm giá của VND ở mức hợp lý như kỳ vọng và triển vọng nguồn cung ngoại tệ ở mức ổn định và dồi dào tiếp tục hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để điều tiết thị trường và giải tỏa các áp lực lên lãi suất.
Theo đó, mục tiêu duy trì mặt bằng lãi suất thấp ở mức hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ và NHNN là có thể đạt được. Dự báo mặt bằng lãi suất năm 2017 sẽ tương đối ổn định và chỉ biến động nhẹ quanh mức cuối năm 2016, mức tăng nếu có sẽ không quá 50 điểm cơ bản (0,5%) và trần lãi suất 5,5%/năm đối với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng nhiều khả năng sẽ được đảm bảo.