Báo cáo của Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cho thấy, sản lượng khai thác than của Vinacomin tính chung 8 tháng ước đạt 28,3 triệu tấn, giảm 5,9% so với cùng kỳ. Cùng với đó, tiêu thụ than đạt thấp do các hộ mua than lớn giảm mạnh so với khối lượng hai bên đã ký hợp đồng từ cuối năm 2011, làm lượng than tồn kho tăng cao.
Trong khi xuất khẩu cũng giảm mạnh, ước đạt 8,7 triệu tấn, bằng 76,2% cùng kỳ. Như vậy, tính đến hết tháng 8/2012, tồn kho của ngành than ước khoảng 6,9 triệu tấn.
Không khá hơn, với ngành thép, thị trường tiếp tục trầm lắng, buộc các doanh nghiệp phải giảm giá bán từ 200 - 300 ngàn đồng/tấn để cạnh tranh. Tuy nhiên, lượng hàng tồn kho vẫn cao, ước tính tháng 8, toàn ngành sản xuất được 196 ngàn tấn, tăng 1,8% so với tháng 7 nhưng giảm 8,1% so với tháng 8/2011.
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VAS), cho biết nguyên nhân là do tiến độ xây dựng các công trình chậm nên giá thép hạ và lượng thép tiêu thụ không tăng so với tháng trước. “Khó của thép không phải là vốn mà là đầu ra, không tiêu thụ được thì lãi suất thấp cũng không dám vay,” ông Nghi nhận định. Nhưng nghiêm trọng hơn, hiện thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và ASEAN.
Đặc biệt, những sản phẩm nhập khẩu này khi vào Việt Nam đã lợi dụng chính sách thuế của Việt Nam để cạnh trạnh không lành mạnh. Hiện nay, nhập khẩu thép xây dựng từ thị trường ASEAN về Việt Nam phải chịu thuế suất 5%, nhưng có những lô hàng thép xây dựng khi nhập khẩu chỉ có mức thuế 0%. Điều này được VAS nhận định có thể do hàng được trộn lẫn với các chủng loại thép khác như thép que hàn, thép 0% carbon... để tránh thuế và lách luật.
Trước những khó khăn chồng chất, Bộ Công Thương đang đề xuất Ngân hàng Nhà nước áp dụng việc bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như nghiên cứu cơ chế bảo hiểm tín dụng với các thị trường tiềm năng nhưng có rủi ro cao và điều chỉnh linh hoạt thuế suất để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm, mở rộng và tái cấu trúc thị trường cả trong và ngoài nước cũng là một trong những hướng triển khai quyết liệt nhằm giảm áp lực cho việc tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Tiến Nghi chia sẻ thêm, mặc dù lợi nhuận của việc xuất khẩu thép vào thời điểm này thấp, nhưng việc hướng sang các thị trường phi truyền thống cũng là giải pháp để các doanh nghiệp trong ngành giải quyết được lượng hàng tồn kho, thu hồi được vốn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để công nhân mất việc. “Về lâu dài, Hiệp hội Thép cũng kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện hơn nữa trong công tác xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp xuất khẩu thép; đồng thời xem xét cho giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% để giảm áp lực tồn kho hiện nay của ngành”, ông Nghi kiến nghị.