21/03/2019 10:24 AM
CafeLand - Nhận thấy mối đe dọa từ sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến, các nhà điều hành trung tâm thương mại đã bắt đầu chào đón những khách thuê cung cấp dịch vụ như không gian coworking, hệ thống giáo dục và phòng tập thể hình để gia tăng tỷ lệ lấp đầy.

Các nhà điều hành trung tâm thương mại đưa lĩnh vực “phi bán lẻ” vào chiến lược mới nhờ vào sự linh hoạt mô hình dịch vụ này

Theo báo cáo quý 4/2018 của Jones Lang LaSalle (JLL), tổng nguồn cung thị trường bán lẻ tại TP.HCM và Hà Nội đạt khoảng hơn 2 triệu mét vuông, với tỷ lệ lấp đầy lần lượt đạt 89,7% và 88,1%.

Nếu như trước năm 2016, các nhà điều hành trung tâm thương mại luôn xem xét ưu tiên những thương hiệu bán lẻ lớn như là nguồn khách thuê chủ chốt, làm tăng giá trị cho dự án. Thì hiện nay, chủ đầu tư đưa lĩnh vực “phi bán lẻ” vào chiến lược mới nhờ vào sự linh hoạt mô hình dịch vụ này trong việc lấp đầy những diện tích ở các tầng cao hơn và có vị trí khuất hơn trong trung tâm thương mại.

JLL ghi nhận lượng nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp coworking, gym và giáo dục vào trung tâm bán lẻ tại TP.HCM, chiếm diệm tích từ 500m2 đến vài ngàn mét vuông sàn. Nhóm khách này thường ký hợp đồng thuê dài hạn từ 5 đến 10 năm.

Đơn vị này nhận định, việc thiết lập một không gian coworking, lớp học ngoại ngữ hoặc phòng gym trong trung tâm thương mại không chỉ mang lại không gian năng động cho người tiêu dùng, mà còn cung cấp đầy đủ các chức năng thiết yếu khác như vị trí thuận tiện, bãi đậu xe rộng rãi, hàng loạt các tiện ích như mua sắm, giải trí và ăn uống, và nhiều loại dịch vụ khác.

Ngược lại, những thương hiệu fitness, coworking hoặc giáo dục nổi tiếng có thể thu hút một lượng khách ổn định với hàng ngàn thành viên thường xuyên ra vào trung tâm thương mại. Những vị khách này sẽ trở thành nguồn khách hàng tiềm năng cho các thương hiệu bán lẻ - ăn uống, quần áo thể thao hoặc thiết bị công nghệ. Nhờ các dịch vụ này, nhà điều hành trung tâm thương mại được trao nhiều cơ hội để giữ chân khách hàng.

Theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, đối với thế hệ nhân viên văn phòng hiện nay, đặc biệt là thế hệ millenials, khung giờ hành chính truyền thống đang dần chuyển sang chế độ tích hợp công việc - cuộc sống. Do đó, trung tâm thương mại trở thành một nơi lý tưởng để xây dựng không gian cung cấp dịch vụ không thuộc bán lẻ, nơi mà cư dân đô thị có thể dễ dàng tham gia vào các cộng đồng kinh doanh, mua sắm, học ngoại ngữ hay thậm chí là tập yoga chỉ trong vài bước chân.

Bên cạnh đó, những trung tâm fitness, coworking và giáo dục là loại hình thương mại khó chuyển đổi sang trực tuyến. Đầu tư không gian “phi truyền thống” cho những diện tích bán lẻ trống chính là món đầu tư lâu dài.

“Chúng tôi dự đoán đây sẽ là một trong những xu hướng chính trong 10 năm tới, các khối đế thương mại trên toàn thành phố sẽ cần phải định vị lại bản thân để duy trì sự hấp dẫn trong lĩnh vực năng động này. Thất bại trong việc thích ứng chắc chắn sẽ dẫn đến tỷ lệ trống cao.” ông Stephen nhận định.

  • Khốc liệt cuộc đua mặt bằng chuỗi bán lẻ

    Khốc liệt cuộc đua mặt bằng chuỗi bán lẻ

    Câu chuyện siêu thị Co.opmart Đinh Tiên Hoàng với doanh thu 2 tỉ đồng/ngày nhưng phải bàn giao mặt bằng theo yêu cầu từ đối tác cho thuê đã cho thấy sự nuối tiếc khi mặt bằng rất quan trọng với nhà bán lẻ. Trước sự khốc liệt cuộc đua mở rộng chuỗi bán lẻ, để nâng sức cạnh tranh của khối bán lẻ nội, chính sách với địa điểm thuê cần được lưu ý.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.