21/10/2018 6:17 PM
Vì tốc độ phát triển quá nhanh nên nhiều khu vực bờ biển của huyện đảo Phú Quốc đã tràn ngập các dự án bất động sản, bất chấp sức chịu đựng của thiên nhiên. Thậm chí có hệ sinh thái quý giá đến mức không có gì đo đếm được, cũng đang phải đối mặt với nguy cơ biến mất do tư duy…phân lô bán nền.

Khu vực ao sen với nhiều loài cá đặc hữu, là sinh cảnh ngập nước nối liền núi Vô Hương cần được bảo tồn cho cộng đồng

Phát triển bền vững cho tương lai

Nội dung các Nghị quyết của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất các địa phương có biển đều yêu cầu phải bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng phòng hộ ven biển, bảo đảm phát triển bền vững trên cơ sở cân bằng sinh thái tự nhiên. Trong quá trình phát triển, nhiều địa phương đã đề ra hàng loạt chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là rừng phòng hộ và đảm bảo đa dạng sinh học tại vùng hải đảo.

Trong nhiều văn bản của UBND tỉnh Kiên Giang đều đã phân tích rõ về hiện trạng thiên nhiên của đảo Phú Quốc. Đó là do nằm độc lập với đất liền (không nhận nước từ thượng nguồn và các khu vực khác) nên mùa khô tại Phú Quốc tuy ngắn nhưng đã gây khô hạn và thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt ở một số khu vực. Mùa mưa kéo dài, lượng mưa lớn cùng với địa hình dốc thường gây ra lũ trong các tháng 7-9, gây ra thiệt hại về cơ sở hạ tầng, nhà ở và sạt lở đất. Vì vậy trong xây dựng các khu dân cư đô thị cần đặc biệt chú trọng đến việc duy trì và trồng mới các mảng xanh, làm vùng đệm cho thoát nước, hạn chế ngập lũ đô thị.

Ngay trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện Phú Quốc do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang thực hiện cũng xác định là: Phú Quốc thiếu nước ngọt trầm trọng trong mùa khô, ngập lũ trong mùa mưa. Mặc dù có lượng mưa hàng năm khá lớn (2.900 mm), tổng lượng mưa năm là 1,6 tỷ m3, nhưng mưa phân bố không đều các tháng trong năm, 89% lượng mưa tập trung vào mùa mưa, nên suốt mùa khô nước ngọt rất khan hiếm. Dân số tăng nhanh, gây áp lực rất lớn đến việc giải quyết nhà ở và xây dựng các công trình công cộng phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày như: trường học, y tế, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường... Vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên phức tạp, cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống cấp thoát nước, xử lý vệ sinh môi trường... chưa bắt kịp với tốc độ phát triển kinh tế.

Từ thực tế này, UBND tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn kiên quyết giữ ổn định quy mô diện tích đất rừng theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đẩy mạnh phục hồi rừng bằng khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và trồng mới, nhất là rừng ven biển, gắn với các chương trình nghiên cứu bảo tồn những loại động vật, thực vật rừng quý hiếm, đặc hữu.

Thế nhưng, trên thực tế nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn được giao thực hiện các dự án nhà ở trên các diện tích đất rừng phòng hộ, đất ngập nước có hệ sinh thái đặc thù. Hậu quả là dọc tuyến đường Dương Đông – An Thới là hàng loạt dự án nhà ở theo tiêu chí phân lô, bán nền biệt thự… nằm ken dày che lấp gần hết bờ biển Nam Bãi Trường.

Bờ biển Nam Bãi Trường đã tràn ngập các dự án với màu xám xịt của bê tông

Cần bảo vệ hệ sinh thái đa dạng của đảo Ngọc

Tốc độ phát triển quá nhanh đã tạo ra một hiện trạng đáng lo ngại tại đảo Phú Quốc khi hầu hết bờ biển đã bị ken dày vì các dự án phân lô, một số khu vực sinh thái đặc thù có được sau hàng triệu năm kiến tạo đang đối diện với nguy cơ xóa sổ khi chủ đầu tư các dự án phân lô bán nền sắp tiến hành đổ đất, dựng cột, xây nhà, dù thực tế là nhu cầu phòng nghỉ dưỡng tại hòn đảo này đã … bão hòa.

Khu vực bãi Trường được chia làm 2 phần là điểm nóng về sự mất cân đối giữa khai thác kinh tế và bảo tồn nguồn lực thiên nhiên. Một khu vực rộng lớn tiếp giáp từ các dãy núi phía Bắc kéo dài đến bờ biển vốn là mảng xanh xen kẽ với các dòng suối nước ngọt, cũng như hàng chục hồ nước với nhiều loài cá bản địa đã bị san lấp thành các tiểu sa mạc, để rồi hàng ngàn căn biệt thự biển với màu bê tông xám xịt mọc lên trong sự ngỡ ngàng của cộng đồng.

Khu vực đối diện hàng chục dự án biệt thự biển, là nơi sinh sống của người dân với những dãy nhà nhỏ, nép dưới tán cây ăn trái nhưng từ tháng 9/2018 đã được quy hoạch thành đất cây xanh với quy mô 110ha. Khi đi tìm câu trả lời cho sự việc này thì thông tin mà các hộ dân nhận được là các dự án bất động sản phía biển đã xây dựng vượt mật độ nên phải cân đối đất dành cho cây xanh bằng cách…quy hoạch cây xanh trùm lên khu dân cư hiện hữu?.

Một trong những điều nhức nhối mà các hộ dân tại xã Dương Tơ vẫn thường xuyên yêu cầu cơ quan chức năng giải thích một cách rõ ràng là tại sao nhu cầu biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch mặc dù đã “dư thừa”, “bão hòa”. Nhưng ao sen rộng khoảng 20ha tại chân núi Vô Hương là niềm tự hào về cảnh quan sen hồng giữa đảo ngọc của nhân dân địa phương, cùng nhiều diện tích rừng phòng hộ vẫn tiếp tục được giao cho Công ty Cổ phần phát triển nhà Phú Quốc thực hiện Dự án Khu dân cư Housing Phú Quốc?.

Từ năm 2016 đến nay, vẫn chưa có cơ quan chức năng nào giải thích đầy đủ cho người dân hiểu câu chuyện lấy đất ao sen, lấy đất khai hoang của dân để giao cho dự án phân lô. Mà người dân chỉ biết rằng chủ đầu tư đã cắm bảng dự án và cho dựng hàng rào thép gai để bao trọn cả khu vực mặt tiền đường Dương Đông – An Thới, còn ao sen vẫn được gia đình một hộ dân tiếp tục khai thác du lịch sinh thái để phục vụ cộng đồng.

Nói về chuyện màu xanh của rừng phòng hộ, màu đỏ của ao sen đang phải đối diện với nguy cơ bị xóa sổ, tương tự như khu vực Nam bãi Trường đã hoàn toàn biến thành dãy nhà cao tầng, biệt thự biển, ông Võ Hoàng Sơn, người từng tham gia kháng chiến tại vùng đất này từ những năm 1963 tỏ ra bức xúc: “Cả gia đình tôi đi theo cách mạng nên khi nghe các cơ quan chức năng huyện Phú Quốc vận động giao đất để phát triển hạ tầng thì đã rất sẵn lòng giao đất. Nhưng sau khi chứng kiến cảnh san lấp, xây dựng có quy mô khủng khiếp tại phía biển thì gia đình chúng tôi mới thấy sự bất ổn khi cây xanh bị chặt trắng, đường thoát nước bị san lấp chỉ còn cát trắng với gió biển. Ngay cả rừng phòng hộ và ao sen tại ấp Suối Lớn cũng lọt vào ranh quy hoạch nhà cho người có thu nhập cao. Đây không phải là du lịch sinh thái mà là tàn phá thiên nhiên, nên tôi mong cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra quy trình thực hiện dự án tại xã Dương Tơ để hủy bỏ các dự án sử dụng đất rừng, đất ngập nước, vì điều này đã được người dân chúng tôi chất vấn tại nhiều buổi tiếp xúc cử tri”.

Thảo Du (TNMT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.