Trao đổi với ĐTCK, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận đầu tư của VinaCapital cho biết, việc thoái vốn các khoản đầu tư sau một thời gian nắm giữ là hết sức bình thường. “Cứ 6 tháng một lần, các khoản đầu tư đều được đánh giá lại bởi các công ty độc lập và Jones Lang LaSalle được thuê để đánh giá khoản đầu tư vào Metropole. Việc đánh giá tài sản đầu tư cũng là để phục vụ cho việc thoái vốn nếu có đối tác đưa ra giá tốt”, ông Andy Ho nói. Sau một thời gian dài hoạt động, VOF đang có kế hoạch thoái vốn “thu lợi nhuận khi thích hợp” ở một số khoản đầu tư và tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới ở thị trường Việt Nam. Được biết, giá trị cổ phần Metropole của VOF đang được ghi nhận trên giá trị sổ sách là gần 60 triệu USD.
Đây là một trong số ít quỹ đầu tư nước ngoài có chiến lược đầu tư mới. Chiến lược đầu tư của quỹ này là tập trung vào những cổ phiếu có mức chiết khấu cao, nhưng có tiềm năng tăng trưởng mạnh, những tài sản bị định giá dưới giá trị thực và các cơ hội M&A.
Trong khi đó, gần đây dư luận quan tâm nhiều đến việc Quỹ Vinaland do VinaCapital quản lý vừa tổ chức đại hội nhà đầu tư để thông qua kế hoạch không đầu tư mới mà sẽ thoái vốn để trả lại tiền cho nhà đầu tư. Phải chăng VinaCapital sẽ đóng quỹ Vinaland? Ông Andy Ho nhấn mạnh, nhà đầu tư Vinaland đã thông qua chiến lược 3 năm tới là không đầu tư mới, mà ưu tiên thoái vốn để tiếp tục đầu tư các dự án đang tiến hành dở dang và một phần vốn trả lại cho nhà đầu tư. “Đó đơn giản chỉ là một kế hoạch đầu tư trong 3 năm tới, giống như bất kỳ DN nào cũng phải có kế hoạch hoạt động của mình”, ông Andy Ho lưu ý.
Vinaland là quỹ đầu tư thành lập tháng 3/2006, đến cuối tháng 9/2012 có giá trị tài sản ròng là 540,3 triệu USD. Quỹ này có 36 khoản đầu tư trong danh mục khá đa dạng gồm khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, khu phức hợp, nhà ở và các khu đô thị. Trong kế hoạch, Vinaland sẽ thoái vốn hoàn toàn ở 10 dự án và 1 dự án thoái vốn một phần. Lợi nhuận của quỹ này đạt được là 17,5% trên giá trị tài sản ròng, tính từ khi thành lập.