Thời gian vừa qua, dư luận và báo chí liên tục phản ánh về thực trạng nhiều tòa nhà chung cư, nhà cao tầng chưa đủ điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhưng vẫn đưa vào vận hành, cho cư dân vào ở. Những vụ việc trên đang đặt ra cho dư luận nhiều băn khoăn: Phải chăng, chủ đầu tư các dự án chỉ quan tâm đến việc bán căn hộ mà coi nhẹ công tác PCCC? Câu chuyện xung quanh việc chấp hành pháp luật về PCCC của các chủ đầu tư chung cư, nhà cao tầng hiện nay còn rất nhiều vấn đề đáng bàn.
Muôn kiểu vi phạm PCCC
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Xây dựng, hiện trên địa bàn TP Hà Nội, số lượng các chung cư, nhà cao tầng mới được đưa vào sử dụng hoặc chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng chiếm số lượng khá lớn. Trong số đó, rất nhiều các tòa chung cư, nhà cao tầng được các chủ đầu tư, đơn vị quản lý, vận hành nghiêm túc thực hiện đầy đủ công tác PCCC và an toàn phòng chống cháy nổ (PCCN).
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều đơn vị cố tình “lờ” đi các quy định về an toàn PCCN, an toàn PCCC, sẵn sàng đưa dân vào ở trong khi hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu, chưa đủ điều kiện hoạt động.
Phải chăng, các chủ đầu tư các dự án chung cư, nhà cao tầng chỉ quan tâm đến việc bán căn hộ mà coi nhẹ công tác PCCC?
Vấn đề mà những cư dân sinh sống tại các tòa chung cư, nhà cao tầng luôn quan tâm hàng đầu đó là công tác PCCC, PCCN của tòa nhà nơi mình sinh sống có được đảm bảo hay không? Thế nhưng, trên thực tế nhiều cư dân sau khi chuyển về sinh sống ổn định tại chung cư, nhà cao tầng mới “ngã ngửa” ra bởi tòa nhà nơi mình ở chưa được nghiệm thu PCCC, chưa đảm bảo và đủ điều kiện về an toàn PCCN.
Những lo lắng trên của người dân là hoàn toàn chính đáng, có cơ sở bởi nhìn vào những số liệu mà Cảnh sát PCCC Hà Nội công bố vào tháng 7/2016 cho thấy, đơn vị này đã điểm mặt chỉ tên rõ ràng 38 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC, không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC mà vẫn đưa vào sử dụng.
Nhiều vụ cháy nổ thời gian gần đây xảy ra tại các chung cư ở khu vực Hà Nội khiến cư dân hoang mang, lo lắng là lời cảnh báo cho các chủ đầu tư về công tác PCCN, an toàn PCCC hiện nay đang ở tình trạng đáng báo động.
Không chỉ vậy, hiện nay nhiều nhà chung cư, văn phòng cao tầng tại Hà Nội, chủ đầu tư bất chấp các quy định của pháp luật, ngang nhiên cho các đơn vị thuê mặt bằng để kinh doanh trong khi hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu.
Được biết, đa phần các chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành các tòa chung cư, nhà cao tầng để xảy ra các vi phạm an toàn PCCN, PCCC đều thừa nhận sai sót và viện dẫn nhiều lý do khác nhau, trong đó phần lớn là do cư dân bức thiết về chỗ ở nên chủ đầu tư đồng ý bàn giao nhà cho họ trước.
Một thực tế dễ dàng nhận thấy là mặc dù các chủ đầu tư lắp đặt hệ thống PCCC hiện đại, song cũng phải trải qua nhiều lần kiểm tra, thử nghiệm mới có thể đạt yêu cầu theo quy định. Bởi, đã có chung cư, nhà cao tầng khi thử nghiệm, nghiệm thu hệ thống PCCC thì đạt yêu cầu, chuông kêu nhưng khi cháy thật thì lại không thấy hệ thống chuông báo cháy kêu.
Cần chế tài mạnh hơn
Được biết, mặc dù Cảnh sát PCCC TP Hà Nội và các cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc và siết chặt công tác thanh kiểm tra, điểm mặt chỉ tên hàng loạt các chủ đầu tư cũng như công trình nhà ở cao tầng trên địa bàn không đảm bảo điều kiện PCCC.
Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư vẫn tiến hành bàn giao nhà cho người dân bất chấp nguy cơ về cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhiều ý kiến cho rằng, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở cao tầng hiện nay cố tình “quên” công tác PCCC chủ yếu là do chưa có chế tài xử lý đủ mạnh. Bởi lẽ, những vi phạm về PCCC hiện nay mới chỉ bị chỉ xử phạt hành chính.
Nhìn nhận vấn đề này, Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với việc thực hiện đầy đủ các biện pháp PCCC của các chủ đầu tư diễn ra chưa thực sự hiệu quả. Do đó, nhiều chủ đầu tư vẫn coi nhẹ vấn đề PCCC.
Dưới góc độ pháp lý, luật gia Nguyễn Văn Hậu đánh giá: chế tài đối với những vi phạm về an toàn PCCC hiện nay chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền. Mức phạt còn quá thấp, chưa đủ tính răn đe. Do đó, nhiều chủ đầu tư vì quan tâm đến lợi nhuận trước mắt, mà lơ là trách nhiệm về an toàn PCCC dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Cần phải xử lý nghiêm minh những chủ đầu tư không chấp hành pháp luật về PCCC.
Luật gia Nguyễn Văn Hậu cũng cho rằng, để giảm thiểu những sự việc đáng tiếc xảy ra liên quan đến công tác PCCC, ngoài việc các cơ quan chức năng cần hoàn thiện giải quyết những bất cập trong các quy định pháp luật về PCCC thì người dân, chủ đầu tư cũng cần ý thức về trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện nghiêm túc những quy định về PCCC.
Một số chuyên gia cũng thẳng thắn đề nghị các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt phương án PCCC tại các công trình nhà cao tầng, nhằm tránh tình trạng nhà cao tầng đã có người vào ở, làm việc mà không đảm bảo được các yêu cầu về đảm bảo an toàn về PCCC.
Bên cạnh đó, cần phải xử lý nghiêm minh, kể cả biện pháp xử lí bằng pháp luật đối với những chủ đầu tư tự ý đưa người dân vào ở tại các tòa nhà chung cư khi chưa được nghiệm thu, chưa có công trình PCCC.
Khoản 2, Điều 123 Luật Xây dựng 2014 quy định: Hạng mục công trình, công trình xây dựng chỉ được phép đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được nghiệm thu bảo đảm yêu cầu của thiết kế xây dựng, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật cho công trình, quy định về quản lý sử dụng vật liệu xây dựng. Điều 16 Luật Phòng cháy chữa cháy 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định dự án phải đảm bảo các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy mới được đưa vào sử dụng.
Huy Thảo (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.