Được xây dựng từ cách đây hơn nửa thế kỷ, các khu nhà tập thể từng là mơ ước của nhiều công chức nay đã trở nên dột nát nghiêm trọng, gây khó khăn trong sinh hoạt, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đe dọa tính đến những người đang sử dụng.
Ghi nhận của phóng viên VTC News, tại hầu hết các khu tập thể cũ ở Hà Nội như Giảng Võ, Bách khoa, Văn Chương, Kim Liên, Nam Đồng, Thành Công, Nguyễn Công Trứ… đều ở trong tình trạng xuống cấp trầm trọng.
Mặc dù xuống cấp nhưng cảnh tượng 6-7 con người chen chúc trong một căn phòng với diện tích khoảng 20-30m2 là hình ảnh dễ bắt gặp ở bất cứ khu tập thể nào.
Do đã cũ, tường của các ngôi nhà đã bị nứt, móng sụt lún, hệ thống điện nước không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt… Đã vậy, người dân ở mỗi căn hộ thường xuyên cơi nới diện tích sử dụng khiến những ngôi nhà đã già nua càng phải gồng mình gánh thêm những chiếc “chuồng cọp”, nguy cơ về một sự đổ vỡ luôn rình rập.
Hình ảnh những khu tập thể cũ giữa lòng Hà Nội. |
Trước đây, trong các khu nhà tập thể luôn có những khoảng sân để sinh hoạt chung và trẻ em vui chơi, nhưng nay những khoảng sân này đã biến thành nơi để xe, thậm chí thành các khu chợ sầm uất. Nhà đã cũ kỹ, xuống cấp lại bị vây quanh bởi chợ búa mất vệ sinh khiến các hộ nơi đây luôn cảm thấy bị “ngộp thở”.
Khu tập thể E4 – Đại học Y Hà Nội (phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội) được xây dựng từ năm 1974 để phục vụ sinh viên. Sau đó, hơn 100 căn hộ được chuyển thành nhà ở cho cán bộ của trường.
Mỗi phòng của khu tập thể này có chiều rộng 1,8 mét, chiều dài gần 8 mét. Do diện tích phòng quá nhỏ, hầu hết người dân đều cơi nới thêm để làm khu bếp và nhà vệ sinh.
Hậu quả, hệ thống thoát nước của các hộ dân đều không được đấu nối vào hệ thống thoát nước chung của ngôi nhà mà hầu hết thông qua những ống nhựa dẫn thẳng nước thải từ các "chuồng cọp", chảy qua đầu người dân, rồi đổ ra sông Lừ trước nhà E4.
Lối vào khu tập thể A2 Giảng Võ như một hang tối và ẩm thấp |
Cũng như nhiều nơi khác, khu tập thể Kim Liên được người dân cơi nới để tăng diện tích sử dụng. Các hộ dân tại khu tập thể B16 – Kim Liên cho biết, khu nhà này được thiết kế với hai loại phòng, phòng lớn có diện tích 21,5 mét, phòng nhỏ có diện tích 13,5 mét. Nhưng hầu hết các hộ dân đều cơi nới để tăng diện tích.
Điều đặc biệt, khu tập thể này được thiết kế 4 căn hộ đi chung một cửa, chung một lối hành lang. Trước đây, theo thiết kế ban đầu, 4 căn hộ dùng chung khu phụ bao gồm nhà bếp và nhà vệ sinh.
Nhưng về sau, nhiều vấn đề nảy sinh do sinh hoạt chung nên các hộ dân đã thống nhất ngăn diện tích khu phụ thành 4 phòng nhỏ cho từng hộ dùng riêng.
Bác Mai (ở phòng 323, nhà B16) cho biết, ở khu này, 4 gia đình cũng chung một cửa vào, chung một lối hành lang nên sinh hoạt rất bất tiện, nếu gia đình bên cạnh có tiếng cãi vã hay nói chuyện to là coi như 3 phòng còn lại mất ngủ.
Trần của nhà tập thể A2 Giảng Võ đã mục nát, vôi vữa rơi xuống, gây nguy hiểm cho người dân. |
Không kém phần xập xệ so với những nơi khác, các nhà tập thể ở Giảng Võ (quận Ba Đình) cũng xuống cấp trầm trọng khiến người dân lúc nào cũng sống trong sợ hãi khi hiện trượng sập trần nhà, nứt tường liên tiếp diễn ra.
Ông Nguyễn Tất Diện (phòng 108 khu tập thể A2 Giảng Võ) cho biết, những khu ở đây được xây dựng từ những năm 1959-1960 hiện đã xuống cấp và mục nát.
Lối cầu thang vào tòa nhà giống như một cái hang tối, hai bên tường ẩm mốc chằng chịt dây điện, hệ thống cầu thang không hề có bóng điện, một số gia đình còn lấn chiếm khu vực trống ở hành lang cầu thang làm chỗ để đồ đạc, nấu ăn khiến các khu này trở nên nhếch nhách, tối tăm.
Bên trên, những mảng trần liên tiếp sập xuống khiến mỗi ai đi qua cũng nơm nớp sợ trần rơi trúng đầu, người lớn càng không dám cho trẻ con ra chơi ở hành lang.
Cảnh nhếch nhác bên trong các khu tập thể. |
Tình trạng cơi nới ở đây không chỉ xảy ra ở trước, sau mỗi căn hộ mà còn diễn ra trên nóc của ngôi nhà, các hộ ở trên thường đặt những bể nước bê tông hoặc khoan cắt rồi xây dựng phía trên thành một tầng tum để nới rộng diện tích sinh hoạt.
Đặc biệt, toàn bộ các khu tập thể ở Giảng Võ đều không hề có thiết bị chữa cháy, trong khi nguy cơ cháy nổ ở những ngôi nhà này rất cao. Người dân biết vậy nhưng cảnh sống chen chúc nhau từng xentimet, nên ít người quan tâm đến việc phòng cháy chữa cháy nên cháy nổ có xảy ra thì cũng phó mặc cho “số phận”.
Đặc biệt, tại khu tập thể C8, tình trạng xuống cấp đã được chính quyền thành phố báo động tới mức nguy hiểm. Chủ tịch UBND TP Hà Nội mới đây đã yêu cầu các sở, ngành chức năng ưu tiên tập trung áp dụng ngay các biện pháp cần thiết, cấp bách đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Cùng với nhà tập thể C8 Giảng Võ, nhà E6 khu tập thể Thành Công cũng thuộc diện xuống cấp đến mức nguy hiểm, có khả năng xảy ra sự cố sập đổ theo thông báo của UBND TP Hà Nội.
Tuy nhiên, không phải khi UBND TP có thông báo về sự nguy hiểm của 2 khu nhà trên thì nhiều chuyện mới được phát lộ. Thực tế, người dân sống vẫn trong nỗi sợ hãi, ám ảnh từ nhiều năm nay.
Nhiều giải pháp, nhiều bản quy hoạch đã được Hà Nội xây dựng, triển khai nhưng tính đến hiện tại, số nhà tập thể được cải tạo vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay