05/05/2013 8:20 PM
Sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, bình ổn thị trường không đồng nghĩa với bình ổn giá vàng...

Trong thời gian gần đây, vấn đề giá vàng và quản lý thị trường vàng được dư luận hết sức quan tâm.

Chuyên mục “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” cũng nhận được nhiều câu hỏi, ý kiến khác nhau về công tác quản lý hoạt động thị trường vàng. Để giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của người dân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tham gia chuyên mục “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tuần này.

PV: Thưa Thống đốc, thời gian qua có rất nhiều người dân gửi thư hỏi Chuyên mục "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" về thị trường vàng và việc quản lý thị trường vàng. Có một người dân viết thế này: “Ngân hàng Nhà nước cứ nói là bình ổn thị trường vàng nhưng không nhằm mục tiêu bình ổn giá. Tôi nghĩ bình ổn thị trường vàng chính là bình ổn giá, chứ còn gì nữa”. Xin Thống đốc trả lời câu này của người dân?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Đúng như người dân vừa rồi phát biểu, một trong những nội dung bình ổn thị trường đó là làm sao ổn định được giá cả. Tuy nhiên hiểu thế nào cho đúng lại là một vấn đề mà chúng ta cần phải bàn.

Khái niệm bình ổn một thị trường nói chung và bình ổn thị trường vàng nói riêng thì cũng bao gồm rất nhiều nội dung khác nhau. Ví dụ để có một thị trường hoạt động lành mạnh thì phải có một cơ chế chính sách đảm bảo cho các bên tham gia thị trường được hoạt động công khai minh bạch, để làm sao cho giá cả trên thị trường không bị thao túng không bị lũng đoạn. Với một thị trường như thị trường vàng tức là thị trường không phải là các mặt hàng ưu tiên, thì giá cả của vàng phải do lực lượng thị trường quyết định, thế nhưng không bị chi phối bởi các nhóm lũng đoạn. Đó là những vấn đề chúng ta cho rằng là mục tiêu để ổn định thị trường.

Ở đây sở dĩ có câu hỏi đó của người dân vừa rồi, tôi cho rằng có sự hiểu nhầm giữa khái niệm ổn định giá với khái niệm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.

ảnh: Tuổi trẻ

PV: Như vậy qua trả lời của Thống đốc tức là có sự nhầm lẫn giữa khái niệm bình ổn giá và chênh lệch giá. Vậy theo Thống đốc, phải hiểu như thế nào mới đúng?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Về vấn đề này, để cho dễ hiểu tôi lấy một ví dụ: Trong thời điểm vừa qua, giá vàng trong nước ngày hôm nay là 42 triệu đồng, ngày mai có thể cũng xung quanh mức 42 triệu đồng thôi, nhưng ngày hôm qua chênh lệch giữa giá vàng thế giới có thể là 2 triệu đồng, nhưng ngày hôm nay giá vàng trong nước vẫn 42 triệu đồng nhưng chênh lệch với giá vàng thế giới có thể lên tới 5-6 triệu đồng rồi. Đó là hai khái niệm khác nhau.

Như thế chúng ta thấy giá vàng trong nước về cơ bản vẫn ổn định nhưng so với giá vàng thế giới thì khoảng cách đã giãn ra. Chúng ta hiểu như thế giữa khái niệm là giá vàng trong nước và chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.

PV: Tôi đồng ý với nhận định đúng là giá vàng trong nước thời gian qua không còn thất thường như trước đây. Tuy nhiên, giá vàng thế giới và trong nước vẫn giữ chênh lệch ở mức cao, ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước bán vàng ra để can thiệp. Tại sao lại có tình trạng như vậy, thưa Thống đốc?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Để lý giải tại sao lại như vậy thì chúng ta cần đánh giá một chút về mục tiêu quản lý thị trường vàng và mục tiêu quản lý thị trường hàng hóa nói chung. Ngay cả trong các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt trong Luật Ngân hàng Nhà nước cũng như là trong Nghị định 24 mới nhất về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, thì cũng đã nêu rõ mục tiêu của chúng ta là mục tiêu ổn định thị trường chứ không có mục tiêu ổn định hay là làm cho giá vàng trong nước hay giá vàng thế giới thu hẹp lại. Điều đó xuất phát từ chính lý luận về tiền tệ cũng như là thực tiễn trong suốt thời gian vừa qua. Thế thì về lý luận về tiền tệ, chúng ta thấy đồng tiền của Việt Nam là đồng tiền chưa chuyển đổi. Do vậy chúng ta có chế độ quản lý ngoại hối và chế độ quản lý này của chúng ta so với nhiều nước còn tương đối chặt, hay nói một cách khác những cái tự do trong ngoại hối của chúng ta vẫn còn có nhiều nội dung phải quản lý và nếu nói rộng ra thì giữa thị trường ngoại hối trong nước và thị trường ngoại hối nước ngoài là không liên thông.

Vàng về bản chất là ngoại tệ, vì bản chất chúng ta không sản xuất vàng mà vàng là nhập khẩu. Do vậy nếu một bên mà thị trường ngoại tệ không liên thông mà chúng ta lại để cho thị trường vàng liên thông thì chính chúng ta làm cho tỷ giá bị chao đảo theo giá vàng thế giới và đó là thực tế trong thời gian trước đây khi chưa có Nghị định 24, chúng ta thấy rằng giá vàng thế giới chao đảo thì làm cho giá vàng trong nước, tỷ giá cũng chao đảo và thị trường ngoại hối cũng chao đảo. Chúng ta thấy rõ được hệ lụy dẫn tới của việc chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Từ khi chúng ta thấy được điều đó thì chúng ta ban hành Nghị định 24 và nhiều các văn bản khác để làm sao có một thị trường vàng trong nước tương đối ổn định so với thị trường vàng nước ngoài. Hay nói một cách khác làm cho giá vàng ở nước ngoài, đặc biệt trong giai đoạn vừa qua là giai đoạn giá vàng thế giới biến động rất lớn, nó không còn ảnh hưởng nhiều và ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô của đất nước.

Để đạt được những điều đó thì chúng ta phải làm được một trong những nội dung bình ổn thị trường vàng là ổn định được cái giá vàng trong nước một cách tương đối và tránh được tác động lên xuống thất thường của giá vàng nước ngoài mà từ đó ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

PV: Vậy thưa Thống đốc, mục tiêu bình ổn thị trường có bao gồm mục tiêu thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hay không và cách làm như thế nào để đạt được mục tiêu đó?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Như tôi đã trình bày ở trên, do thị trường vàng trong nước và thị trường vàng thế giới không liên thông và thị trường vàng trong nước có sự độc lập tương đối, cho nên từ đó dẫn tới có sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Chênh lệch này có thể có lúc cao, có thể có lúc thấp.

Tôi lấy ví dụ như trong 5 phiên đấu thầu đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước. Chúng ta đã qua các phiên đấu thầu, đưa giá vàng trong nước từ mức 46 – 47 triệu đồng về xoay xung quanh mức 42 – 43 triệu đồng. Chúng ta đã đưa được mức chênh lệch với giá vàng thế giới từ 6 triệu đồng xuống mức 2,5 – 3 triệu đồng. Thế nhưng, chỉ trong 2-3 ngày trung tuần tháng 4 vừa rồi, chúng ta đạt được mức đó thì giá vàng thế giới lại sụt quá nhanh và làm cho khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới lại dãn ra quá lớn.

Nếu như trước đây, chúng ta điều chỉnh ngay giá vàng trong nước theo giá vàng thế giới thì sẽ tạo ra làn sóng đầu cơ về vàng rất lớn. Như vậy, nhất định sẽ tạo ra hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng, tỷ giá bị ảnh hưởng. Thế nhưng điều đó không xảy ra ở Việt Nam. Vì sao? Bởi vì giá trong nước vẫn có ổn định tương đối cho nên làm cho động cơ để đầu cơ vào vàng khi biến động không còn hấp dẫn như trước đây nữa. Đó là cái mà Nghị định 24 đã làm được.

PV: Thưa thông đốc, có câu hỏi đặt ra là giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch cao thì ai sẽ là người được hưởng lợi?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Về câu hỏi “ai được hưởng lợi”, chúng tôi trình bày thế này: Trước đây với những người có vàng muốn bán vàng thì rõ ràng nếu giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới thì ở một mức độ nào đó họ được hưởng lợi. Thế nhưng người đang cần mua vàng, họ phải mua vàng với giá cao hơn thì có vẻ là họ bị thiệt. Nhưng chúng ta phải thấy rằng nếu mua giá vàng cao hơn thì cũng bán giá cao, do vậy sự chênh lệch ở đây không phải là cái thiệt thòi của người mua và bán, mà chỉ là cái giá chênh lệch giữa giá mua và giá bán thôi. Còn nếu anh mua giá cao, anh cũng bán được giá cao thì sự chênh lệch ở đây không ảnh hưởng đến lợi nhuận của người mua bán vàng trong nước.

Thế thì bây giờ chúng ta nói ai được lợi? Chúng ta đã thấy rằng hoạt động kinh doanh vàng theo các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta là mặt hàng nhà nước không cấm kinh doanh nhưng không khuyến khích kinh doanh. Và rõ ràng hoạt động kinh doanh vàng này tiêu tốn một lượng ngoại tệ rất lớn của đất nước. Trong khi đó lượng ngoại tệ của đất nước không phải dồi dào mà phải ưu tiên cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Nhưng vì còn tồn tại thị trường vàng cho nên vẫn phải dùng một lượng ngoại tệ nhất định để tạo ra nguồn cung hàng hóa.

Xuất phát từ hai góc độ như thế thì thấy rằng nếu như trước đây chúng ta cho nhập vàng: Tư nhân nhập vàng, các tổ chức kinh tế nhập vàng hoặc nhập lậu vàng thì toàn bộ sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới là do các đối tượng kinh doanh này được hưởng và người dân không được hưởng. Nhưng đến nay toàn bộ hoạt động này do nhà nước đảm nhiệm cho nên toàn bộ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là thuộc về ngân sách nhà nước để đầu tư lại cho nền kinh tế, thực hiện các công trình phúc lợi xã hội.

Trong giai đoạn hiện nay, chênh lệch giá vàng là thuộc về đất nước, thuộc về nhân dân. Liệu chúng ta có thể thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lại được không, làm như thế nào và bao giờ làm được? Như tôi đã nói ở trên, mục tiêu trước mắt và mục tiêu trực tiếp là bình ổn thị trường vàng nói chung trong đó có bình ổn giá vàng trong nước để tránh việc đầu cơ trục lợi do giá vàng lên xuống thất thường. Nếu chúng ta làm tốt công tác này cộng với việc tiếp tục ổn định được kinh tế vĩ mô thì tin tưởng chắc chắn rằng giá vàng trong nước và thế giới sẽ sát lại gần nhau hơn. Điều đó đã thể hiện trong thực tế.

Tôi nói lại ví dụ ở trên: Trong 5 phiên đấu thầu đầu tiên chúng ta đã đưa được giá vàng về sát với nhau. Cho nên trung và dài hạn thấy rằng có thể đưa được, thế nhưng trong ngắn hạn khi giá vàng thế giới có biến động thì có thể giãn ra nhưng chỉ là hiện tượng trong ngắn hạn.

PV: Đến hôm nay là gần tròn 1 năm Nghị định 24 của Chính phủ chính thức có hiệu lực. Năm qua, giá vàng thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và thất thường. Điển hình là vụ giá vàng thế giới trượt dốc tới 14% chỉ trong vòng vài ngày vào trung tuần tháng 4 vừa qua.

Tuy nhiên, trong suốt 1 năm qua, thị trường vàng trong nước không còn những cơn sốt vàng, không còn cảnh người dân đổ xô đi mua hoặc đi bán vàng, không còn hiện tượng giá vàng nhảy múa chóng mặt, thậm chí trong 1 ngày thay đổi đến 10 lần giá, không còn cảnh giá vàng chi phối thị trường ngoại tệ, chi phối luôn cả chỉ số giá tiêu dùng CPI. Đó là những tác động tích cực của Nghị định 24 trong việc bình ổn vàng trong nước nói riêng và chương trình chống vàng hóa nền kinh tế nói chung.

Hy vọng những câu trả lời của Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã phần nào giải đáp được những thắc mắc, băn khoăn của người dân về chính sách quản lý và điều hành thị trường vàng.

Một lần nữa, xin được cảm ơn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tham gia chuyên mục “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”.

Đặng Linh (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.