LTS: Bất động sản những năm qua trở thành một trong những kênh đầu tư hấp dẫn nhất. Tuy nhiên, khoản lợi nhuận "kếch xù" đó rơi vào túi ai: người sở hữu đất, giới đầu cơ, các sàn hay doanh nghiệp đầu tư... là vấn đề đáng bàn. Đặc biệt khi những giao dịch đó kéo theo hệ lụy tiêu cực như hiện tượng "sốt" giá, bong bóng trên thị trường và đối tượng thực sự cần nhà ở lại khó có thể mua được. Hơn nữa, rủi ro khi đầu tư vào thị trường bất động sản cũng rất lớn khi mua bán trao tay, qua nhiều nấc trung gian.
Thị trường nhà đất, đặc biệt là đất nền
trong những năm gần đây liên tục tăng. Vì vậy, người có nhu cầu thật thì
rất khó mua vì giá liên tục bị đẩy lên ngưỡng quá cao. Một bộ phận
những người có đất lại gần như "đứng ngoài" thị trường, để những nhà đầu
cơ mặc sức điều khiển, làm mình mẩy thị trường để kiếm lời. Chủ nhật
vừa rồi, có việc sang Đông Anh, gặp lại ông bạn quen từ thuở hàn vi. Vừa
gặp, anh bạn đã mày hớn hở như nông dân được mùa. Hắn nhất quyết mời về
nhà chơi mà lý do chính chỉ là việc khoe khoang vừa làm xong cái nhà
ống ba tầng, vôi ve lòe loẹt. Tưởng mới trúng số mới xây được nhà oách
vậy, nhưng hoá ra, việc ông xây được nhà khang trang là vì tranh thủ cắt
đi một khu đất để bán khi đang lên giá. Nhưng đất vừa bán xong ít hôm,
giá lại tiếp tục tăng nên ông bạn tiếc hùi hụi. Trường hợp bạn tôi chỉ
là một trong số những người được hưởng lợi trước mắt về về cơn sốt giá
đất.
Ngay tại xã Xuân Nộn, nơi xảy ra câu chuyện trên, trước đây
vẫn gọi là "vùng sâu vùng xa" của Hà Nội - nơi "chúa không biết mặt, vua
không thèm biết tên". Ở đó, đồng ruộng thẳng cánh cò bay. Tiếng gọi là
Hà Nội nhưng thu nhập chính của người dân chủ yếu vẫn từ hạt lúa, củ
khoai. Khi người ào ạt rót tiền cho các công trình kỷ niệm Nghìn năm
Thăng Long, con đường tới xã được mở rộng, láng nhựa phẳng lỳ đã thu hút
giới đầu cơ nô nức về cái miền hẻo lánh ấy. Đất ở đang ế rề, chỉ độ một
vài triệu mét vuông giao dịch lèo tèo, bỗng dưng có một vài người xuống
tiền mua lập tức trở nên của hiếm. Cùng với đó là tin đồn, rằng sắp có
quận mới Cổ Loa, rằng, xây xong cầu Nhật Tân, đây về nội đô chỉ mất vài
chục phút ôtô... vậy là đất cứ thế leo thang.
Không chỉ riêng khu
vực Đông Anh, ở mọi nơi, mọi ngõ ngách của Hà Nội và các tỉnh lân cận,
đất cứ thế tăng giá mà lý do tăng thì vẫn cũ như cái hũ, rằng, chỗ này
sắp mở đường, chỗ kia sắp khánh thành nhà văn hóa, Trung tâm hành chính
Hà Nội sắp chuyển về đây... Nửa năm lại đây đã đánh dấu một thời kỳ
"động loạn" của thị trường bất động sản. Khi cả thế giới đang loay hoay
vật lộn để thoát khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử thì giá
nhà đất Hà Nội cứ thẳng tiến như máy bay trực thăng đang đà bốc lên
cao. Nói theo cách dân gian, đây là thời kỳ "đục nước", vậy ai là người
được hưởng lợi từ việc "đục" ấy? Ngồi nhìn ngôi nhà to lớn của ông bạn,
tôi băn khoăn, hỏi: "Mai kia, con cái ông lớn, muốn ra ở riêng, ông cho
nó ở đâu"? Bạn bĩu môi, bảo: "Chuyện ấy tính sau, đời cua cua máy, đời
cáy cáy đào!". Vậy là, đất tăng giá, bán, có tiền, xây nhà thỏa mãn nhu
cầu trước mắt, tương lai vẫn bỏ lửng. Đó là tâm lý khá phổ biến của một
số nông dân thiếu thông tin.
Nhìn tổng thể về mặt giá trị, quỹ
đất không hề tăng, xã hội không phải vì thế mà tăng của cải mà chỉ là sự
chuyển dịch giá trị từ túi người này sang người khác. Cụ thể ở đây, lợi
nhuận mà đất cát mang lại không phải những người có đất được hưởng, mà
giá trị lợi nhuận ấy lại chuyển dịch vào túi của một nhóm đầu cơ. Cứ
tưởng, nhóm những kẻ đầu cơ thu lợi nhuận từ đất, đẩy giá đất lên cao là
một nhóm mơ hồ. Thế nhưng, mới đây, tại một Hội thảo về thị trường nhà
đất, tôi đã thảng thốt vô cùng khi nghe một giám đốc của một sàn giao
dịch bất động sản có tiến tại Hà Nội thú nhận: Sàn giao dịch của anh
hoạt động cũng chẳng khác một trung tâm môi giới. Vì làm gì có sản phẩm
đâu mà giao dịch qua sàn! Muốn có sản phẩm, sàn giao dịch phải hoạt động
như nhà đầu tư thứ cấp, đi mua lại sản phẩm từ chủ đầu tư. Và để có
lãi, sàn phải đẩy giá sản phẩm này bán kiếm lời. Và nếu sự thực hoạt
động của sàn giao dịch bất động sản đúng như vị giám đốc này nói thì
hoạt động của sàn giao dịch bất động sản cũng chẳng khác gì một hoạt
động của nhà đầu cơ. Mong muốn minh bạch thị trường nhà đất qua sàn giao
dịch bất động sản là không hề có.
Với một nền kinh tế lành mạnh,
chuyện tăng giá vài ba chục phần trăm đã là một cơn sốt thì với bất
động sản, sự biến động đã vượt xa con số đó nhiều lần. Nơi ít nóng tăng
dăm chục phần trăm, nơi nhiều như trường hợp đã nói ở trên con số đó là
gấp đôi thậm chí gấp ba (300%).
Đất tăng giá, nhà có đất mát mặt,
nhà chưa kịp mua đất, cảm thấy như mình bị móc túi. Anh bạn tôi đang
làm ở Trung ương Đoàn, ky cóp được dăm trăm triệu, đang tính chuyện mua
mấy chục mét vuông ở ngoại thành làm chỗ cắm dùi, bỗng tắt ngấm hy vọng
khi giá đất tăng quá nhanh. Với số tiền đó, trước đây có thể mua được cả
trăm mét, nay chỉ còn có thể mua được vài chục mét ở một vị trí ven đô.
Cùng với sự mát mặt của người có nhiều đất là sự phất lên của những
người buôn đất. Có tiền nhàn rỗi, khỏi cần đầu tư kinh doanh, mua miếng
đất để đấy, nhanh thì dăm sáu tháng, lâu thì một vài năm, việc có tiền
tỷ trong tay là chuyện thường.
Từ khi có Luật Đất đai, những cơn
sốt đất dường như đã đi vào quy luật, khoảng năm năm rộ lên một lần. Mỗi
lần sốt kéo dài trên dưới 1 năm, làm xã hội náo loạn. Nó như một cơn
lốc lôi kéo mọi thành phần tham gia vào thị trường nhà đất. Tầng lớp
công chức cũng không cưỡng lại được quy luật đó. Một lần có việc đến một
cơ quan Cục ở Hà Nội có chút việc, bên bàn nước là một tấm bản đồ quy
hoạch khu đô thị, dăm bảy cái đầu chụm vào đó chỉ trỏ, thảo luận thông
tin về giá cả, tiến độ xuống tiền... hồn nhiên như ở sàn giao dịch bất
động sản. Điều này lý giải phần nào thủ tục hành chính ở các cơ quan
công quyền sau bao nhiêu hô hào cải cách vẫn ỳ ạch đến thế. Một nền kinh
tế khó có thể lành mạnh khi công chức không sống bằng lương, bằng tâm
huyết công vụ mà chỉ trông chờ vào việc buôn đất và đánh quả.
-
Lướt sóng bất động sản gặp 'hạn'
Mới có hiệu lực gần hai tuần, song Nghị định 71 khiến nhiều nhà đầu tư địa ốc nhấp nhổm không yên. Tuy nhiên, một số người lạc quan cho rằng quy định này sẽ tăng cường cơ hội cho những nhà đầu tư thực sự.
-
Thị trường bất động sản: Sống chung với “sóng”
Cùng với các ngành kinh tế khác, lĩnh vực bất động sản đã góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2010. Tuy nhiên, thị trường bất động sản luôn phải “sống chung với sóng” do nhiều yếu tố.
-
Mua gom chung cư: Đề phòng “tiền mất tật mang”
Khi những cơn sốt nhà đất tạm lắng, giao dịch mua bán các chung cư cũ bình yên trở lại thì nhiều nhà đầu tư và cả những người mua nhà mới chợt nhận ra mình bị cuốn vào vòng xoáy lợi nhuận. Nếu không tính kỹ, nhiều người sẽ lâm vào cảnh bỏ tiền tỉ mà vẫn phải nhận hàng kém chất lượng.