26/12/2024 7:05 PM
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 lên 6,6%, từ mức 6,2% dự báo vào tháng 9/2024, nhờ vào động lực từ thương mại và đầu tư trong năm 2024, theo thông tin từ Báo Điện tử Chính phủ.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Văn Cường

Đánh giá về kinh tế Việt Nam trong năm 2024, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc ADB cho rằng, Việt Nam đã đạt được thành công kinh tế đáng kể trong năm 2024.

Nền kinh tế đã tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng trưởng ấn tượng đạt 6,8% trong ba quý đầu năm 2024, nhờ vào tăng trưởng thương mại mạnh mẽ, FDI đạt kỷ lục và các biện pháp chính sách hiệu quả.

Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư lên tới 24,3 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế và cải thiện cán cân thanh toán. Trong khi đó, giải ngân FDI đạt mức kỷ lục 22 tỷ USD trong cùng kỳ, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển.

Các chính sách thúc đẩy mạnh mẽ của Việt Nam, bao gồm việc hỗ trợ tài chính mở rộng và chính sách tiền tệ linh hoạt, đã giúp duy trì sự cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định.

Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2025, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 lên 6,6%, từ mức 6,2% dự báo vào tháng 9/2024, nhờ vào động lực từ thương mại và đầu tư trong năm 2024.

Giám đốc ADB cho rằng, Việt Nam đang phấn đấu đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm là 7%.

Để bù đắp cho mức tăng trưởng thấp trong thời kỳ đại dịch COVID-19, việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8% cho năm 2025 là hoàn toàn hợp lý và sẽ đóng góp vào mục tiêu của Việt Nam vào năm 2030.

"Tuy nhiên, điều quan trọng là Việt Nam cần ưu tiên không chỉ khía cạnh tốc độ của tăng trưởng kinh tế mà còn cả chất lượng của tăng trưởng, vì nền tảng tăng trưởng của Việt Nam cần được củng cố thêm. Do đó, mục tiêu tăng trưởng này nên được coi là định hướng cho những nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vào năm 2025", ông Shantanu chia sẻ.

Sự điều chỉnh này dựa trên hiệu suất xuất khẩu mạnh mẽ của Việt Nam, bao gồm cả ngành sản xuất, hiệu suất đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vững chắc, được hỗ trợ bởi xu hướng điều chỉnh tiền tệ toàn cầu và giá hàng hóa toàn cầu ở mức vừa phải (bao gồm giá dầu thô).

Về các thách thức trong năm 2025, Giám đốc ADB cho rằng, cho rằng nền kinh tế toàn cầu và khu vực có nhiều bất ổn trong năm 2025, điều này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù đánh giá gần đây của ADB về các kịch bản rủi ro cho thấy những bất ổn này chỉ có tác động khiêm tốn tới nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025, tuy vậy, sự bất ổn này vẫn có thể ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu từ nửa sau của năm 2025, gây ra sự tăng trưởng thấp hơn trong những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, chất lượng cơ sở hạ tầng vẫn là một thách thức đối với Việt Nam, mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể, nhưng vẫn cần nỗ lực để cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng. Việt Nam cũng cần phát triển sâu rộng hơn thị trường tài chính, để có thể thu hút các khoản đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng.

Phương Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.