ACB hiện đang mắc kẹt hàng trăm tỷ đồng tiền gửi tại các ngân hàng khác
Theo Báo cáo tài chính riêng giữa niên độ cho kỳ 6 tháng kết thúc của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố, tính đến ngày 30/6, ACB còn 1.846 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng khác.
Trong đó, có 252 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và 400 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). Cả 2 nhà băng này đều đã bị NHNN mua lại bắt buộc với giá 0 đồng.
Đối với GPBank, ở thời điểm cuối năm 2015 khoản tiền gửi của ACB tại ngân hàng này là 772 tỷ đồng. Vào ngày 7/4/2016, ACB đã nhận chuyển nhượng các trái phiếu với mệnh giá 500 tỷ đồng do một công ty cổ phần trong nước phát hành để cấn trừ 520 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại GPBank.
Số tiền 252 tỷ đồng tiền gửi còn lại, hiện ngân hàng hàng đang trong quá trình thực hiện các thủ tục nhận chuyển nhượng bất động sản do ngân hàng GPBank nắm giữ để cấn trừ nợ.
Ngoài khoản tiền này, ACB cũng đang mắc kẹt 400 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng VNCB và có nguy cơ mất trắng.
Trong báo cáo của ACB nêu, khoản tiền gửi 400 tỷ đồng có kỳ hạn tại VNCB đã quá hạn, được phân loại vào nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Tổng số tiền trích lập dự phòng cho khoản tiền gửi này tại thời điểm 30/6/2016 là 165,6 tỷ đồng (cuối năm 2015 là 176 tỷ đồng).
Để giải quyết, vào cuối năm 2015, ACB đã gửi công văn lên NHNN đề nghị được xem xét điều chỉnh kỳ hạn thu hồi khoản tiền gửi này và lãi liên quan. NHNN sau đó cũng đã chấp thuận phê duyệt đề nghị này. Theo đó, khoản tiền gửi này sẽ được thu hồi hàng năm theo lộ trình đã được phê duyệt đến ngày 30/9/2020.
Trước đó, ACB đã mang hàng trăm tỷ đồng để gửi vào 2 ngân hàng GPBank và VNCB (nay là CB Bank). Tuy nhiên, bất ngờ cùng trong năm 2015 các nhà băng này bị buộc mua lại với giá 0 đồng do xảy ra nhiều sai phạm và kinh doanh thua lỗ nặng.
VNCB cũng là nơi xảy ra đại án Phạm Công Danh và đồng phạm, gây thất thoát 9.000 tỷ đồng mà tòa án Tp.HCM đang xét xử gây nóng dự luận hiện nay.