Căn hộ trị giá 4 tỉ đồng của Khánh có diện tích 69m2 nằm ở quận Tân Bình (TP.HCM). Chàng trai trẻ mạnh tay chi thêm 700 triệu đồng để thiết kế nội thất cho căn hộ theo phong cách industrial & mordern, với 4 tông màu chủ đạo là cam, xám, trắng và đen.
Vậy bằng cách nào chàng trai xoay xở được 4,7 tỉ đồng ở tuổi 30?
Kế hoạch 10 năm
Mười năm về trước, Khánh đã lên kế hoạch mua nhà từ khi tìm được công việc đầu tiên.
"Mình xác định ngay thời điểm vừa mới đi làm rằng mình phải đặt mục tiêu xa là có được căn nhà. Dù không chắc chắn sẽ đạt được nhưng có mục tiêu cụ thể sẽ giúp mình có định hướng rõ ràng hơn. Sau đó, mình bắt đầu lập ra những kế hoạch và mục tiêu ngắn hạn để hoàn thành được mục tiêu dài hạn", anh Khánh chia sẻ.
Khi mới ra trường, lương của anh chỉ có 7 triệu/tháng, lúc này anh tính toán trích 5 triệu gửi mẹ giữ hộ. Do sống cùng gia đình nên anh không tốn nhiều chi phí sinh hoạt, tuy nhiên việc chi tiêu trong khoảng 2 triệu đồng/tháng là điều không dễ dàng, đặc biệt tại TP.HCM đắt đỏ.
Anh Khánh lên kế hoạch chi tiết các khoản cần phải chi và các khoản có thể tiết kiệm. Một trong những chi phí anh Khánh cắt giảm là ăn trưa ở ngoài. Anh tự tạo cho mình thói quen nấu cơm mang đi, vừa tiết kiệm vừa đảm bảo.
Bên cạnh đó, anh cũng hạn chế những cuộc đi chơi không cần thiết, những buổi tụ tập bạn bè thì sẽ gợi ý tổ chức tại nhà, tự mua nguyên liệu nấu ăn để giảm thiểu chi phí.
“Trong khoản tiền chi trả cho nhu cầu cuộc sống, mình không dành ra khoản nào để mua vui bằng những cuộc vui tại bar hay club, vì đơn giản bản thân mình không có sở thích đó. Việc mua sắm cũng được mình hạn chế tối đa, chỉ mua khi thật sự cần thiết. Điều này vừa giúp cho cuộc sống trở nên nhẹ nhàng tối giản, vừa giúp mình tiết kiệm được những khoản chi phí không đáng có”, anh Khánh chia sẻ.
Tuy nhiên, với mức thu nhập và tiết kiệm hiện tại thì kế hoạch mua nhà vẫn rất khó thực hiện. Anh Khánh cố gắng chăm chỉ làm việc để tăng nguồn thu và tăng khoản tích lũy hàng tháng.
“Từ một nhân viên bình thường, sau 10 năm, mình trở thành quản lý truyền thông, đó là bước đi nằm trong kế hoạch của mình để tăng nguồn tiền để dành. Khi mức lương 10 triệu, mình đã để dành 50% tiết kiệm, đến khi 20 triệu thì mình vẫn theo tỉ lệ đó, và duy trì nó cho đến tận bây giờ”, anh Khánh cho biết
Khi thu nhập tăng lên anh cũng cân đối lại các chi phí cần thiết, và điều chỉnh kế hoạch tiết kiệm sao cho phù hợp. Anh Khánh chia thành 4 đầu mục chính rõ ràng: tiền gửi cho ba mẹ, tiền chi tiêu cho nhu cầu cơ bản trong cuộc sống, tiền chi trả thẻ tín dụng, và tiền tiết kiệm. Con số sẽ thay đổi phụ thuộc vào nguồn thu của anh ở từng thời điểm.
Là một người thích sự an toàn, anh Khánh không lựa chọn phương án đầu tư mạo hiểm để sinh lời nhanh mà kiên định với công việc lãnh lương hàng tháng. Muốn thực hiện hóa kế hoạch mua nhà thì anh Khánh buộc phải xây dựng lối sống kỷ luật, tuân thủ các nguyên tắc và kế hoạch đã đặt ra một cách nghiêm ngặt.
Bắt tay vào mua nhà
Nhờ lối sống kỷ luật, đến năm 2019 anh đã tiết kiệm được 500 triệu đồng. Nhận thấy giấc mơ mua nhà đang cận kề, anh Khánh bắt đầu “tăng tốc”, tìm thêm công việc để gia tăng thu nhập, chắt bóp chi tiêu để tăng mức tiết kiệm lên 20 triệu đồng/tháng, bất chấp khó khăn thời điểm dịch Covid-19.
"Mình phải bám sát mục tiêu của mình, dù bị giảm lương thì vẫn phải theo đuổi mục tiêu vì càng đến nước rút rồi thì mình càng phải cố gắng. Đến thời điểm chín mùi là vào cuối năm 2021, khi đã dành đủ số tiền đủ tối thiểu để vay ngân hàng, mình đã tiến hành mua căn nhà" anh Khánh cho biết
Sau quá trình tìm kiếm, anh Khánh “chốt” căn nhà trị giá 4 tỉ đồng thuộc dự án án Bontanica Premier Tân Bình. Thời điểm này, anh chỉ mới có một nửa giá trị căn hộ, để có thể mua nhà anh Khánh phải vay thêm ngân hàng 2 tỉ đồng.
“Để đi đến quyết định này, mình cũng đã phải cân đo đong đếm rất nhiều, vì tài chính có hạn, chứ không phải quá dư giả đến mức mua đứt được 1 căn nhà tại TP.HCM như thế”, anh Khánh cho biết.
Anh lựa chọn gói vay với lãi suất 7%/năm và dự tính sẽ chi trả khoản vay trong 5-10 năm. Theo anh việc “gánh nợ” sẽ tạo thêm cho anh động lực để kiếm tiền và duy trì lối sống quy củ.
“Lúc tiết kiệm tiền thì đôi khi mình còn "chểnh mảng" thế nhưng khi đã "mang nợ" thì mình càng phải kiểm soát gắt gao hơn nữa", anh Khánh nói.
Lời khuyên cho người trẻ
Ủng hộ tư tưởng “theo đuổi ước mơ đến cùng”, Khánh cho rằng nên suy nghĩ thực tế và lên kế hoạch rõ ràng.
“Điều kiện tiên quyết đầu tiên, đó là khả năng tài chính của bạn phải phù hợp với nhu cầu mà bạn mong muốn. Mình mua nhà trả góp khi nguồn thu - chi của mình đủ đáp ứng việc trả nợ, cũng như vẫn đáp ứng những nhu cầu mà mình cần”, anh Khánh cho hay.
-
Mua nhà ngẫu hứng, còng lưng cõng nợ
Không ít người đã vay tiền mua nhà vì…ngẫu hứng, đến lúc lên kế hoạch trả nợ mới bắt đầu thấy áp lực.
-
Nhà thi đấu nằm trên khu “đất vàng” trung tâm TP.HCM khi nào sẽ khởi công?
Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng tọa lạc trên khu đất đắc địa ngay trung tâm TP.HCM nhưng suốt nhiều năm chưa thể khởi công.
-
Con trai cố Chủ tịch DIG nhận hơn 11 triệu cổ phiếu thừa kế, nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 12%
Ông Nguyễn Hùng Cường thông báo giao dịch cổ phiếu của Người nội bộ Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã: DIG).
-
Giá thuê mặt bằng tại một tuyến đường trung tâm TP.HCM lại lọt top đắt đỏ nhất thế giới
Đường Đồng Khởi tiếp tục lọt top điểm đến bán lẻ đắt nhất Việt Nam và xếp hạng 14 trên toàn cầu, còn phố Tràng Tiền ở Hà Nội đứng thứ 18 khu vực, theo Cushman & Wakefield.