Đây là con số được Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam đưa ra trong công văn vừa gửi Ngân hàng Nhà nước về việc lựa chọn giải pháp đột phá để nhanh chóng kết thúc tình trạng “vàng hoá” nền kinh tế.

Tham gia sàn vàng, chỉ có thua lỗ

Theo VAFI, trong những ngày qua đã diễn ra “cơn điên loạn của giá vàng", để lại nhiều hậu quả, nhiều người dân không am hiểu về đầu tư vàng và kinh tế vĩ mô đã đổ xô đi mua vàng ở giá rất cao, cao hơn cả giá thế giới. Vấn đề đặt ra là tại sao họ không mua vàng ở giá thấp mà cứ mỗi khi xảy ra sốt vàng thì lại đổ xô đi mua ?

Cơn điên loạn của giá vàng đã gây hậu quả là VND yếu đi, tác động mạnh đến thị trường ngoại hối, gây căng thẳng giả tạo về quan hệ cung cầu ngoại tệ... Đồng thời , nó còn ảnh hưởng tới niềm tin của người dân, đến khả năng bình ổn thị trường ngoại tệ mà NHNN đang cố gắng thực thi.

Phân tích tính khả thi các giải pháp được đề xuất trong chính sách quản lý thị trường vàng, VAFI đã đưa ra một số ý kiến phản biện, theo đó, đề xuất cho phép thành lập 1 sàn giao dịch vàng tập trung dưới sự quản lý của NHNN mà Hiệp hội kinh doanh vàng và một số chuyên gia, nhà kinh tế đề xuất là không mới, đã được thử nghiệm thực tế trong mấy năm và không mang lại lợi ích kinh tế mà ngược lại gây nhiều bất ổn cho nền kinh tế. Việc lập sàn giao dịch vàng tập trung chỉ khác so với các sàn giao dịch vàng tự do trước đây ở chỗ thống nhất lại thành 1 sàn vàng, có thể khác ở tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính.

Bên cạnh đó, các sàn vàng tự do trước đây khiến cho người đầu tư hầu hết là lỗ. Theo VAFI, 99% người dân tham gia sàn vàng đều thua lỗ, chỉ có người kinh doanh sàn vàng là thu được lợi nhuận siêu ngạch.

Về đề xuất cho phép doanh nghiệp kinh doanh vàng được tự do xuất nhập khẩu vàng mà không cần giấy phép, VAFI đã phản biện, hàng hóa thông thường như ximăng, sắt thép, phân bón… đang được tự do xuất nhập khẩu mà thỉnh thoảng còn xảy ra những cơn sốt, huống chi là vàng.
Vàng là hàng hóa đặc biệt, kinh doanh vàng là kinh doanh tiền tệ, chỉ cần một cơn sốt như vừa qua thôi đã gây ra nhiều hậu quả, do đó đề xuất này không đáp ứng được mục tiêu giảm chênh lệch giá trong nước và quốc tế, cũng như để vàng vận động theo cơ chế thị trường linh hoạt.

Với đề xuất cho phép một số tổ chức kinh doanh vàng được kinh doanh vàng tài khoản, theo VAFI, đề xuất này cũng không đáp ứng được các mục tiêu đã đề ra và những tổ chức được giao chức năng này có thể lạm dụng chức năng để gặt hái lợi nhuận siêu ngạch.


99% dân tham gia sàn vàng bị thua lỗ

Cơn sốt vàng vừa qua do giới đầu cơ lợi dụng tạo sóng, làm căng thẳng thị trường


Kiểm soát thị trường vàng là phép thử năng lực với Tân Thống đốc?

Tại bản Dự thảo Nghị định cũ về quản lý thị trường vàng có những nội dung chủ yếu như: Cấm mua vàng miếng; Chỉ có NHNN có chức năng thu mua vàng miếng từ khu vực dân cư ( thông qua hệ thống đại lý được cấp phép );

Bản Dự thảo cũ đã đáp ứng được tất cả các mục tiêu của chính sách kiểm soát thị trường vàn. Thông điệp này được phát đi từ NHNN, tuy chưa thành chính sách nhưng đã tác động lớn đến thị trường vàng, như, giao dịch kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do đã giảm 70%; tính thanh khoản của thị trường bị giảm sút nhanh chóng, mảnh đất cho đầu cơ đã gần như không còn tồn tại;

VAFI nhận định, bản Dự thảo cũ là một phát minh lớn trong ngành ngân hàng VN. VAFI nhận thấy “đã nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm của con đường kết thúc vàng hóa”. Tuy nhiên cuối cùng thì giải pháp này chưa được thực hiện mà thay bằng giải pháp khác và không hiểu lý do tại sao ?.

Trong văn bản mà VAFI gửi Ngân hàng Nhà nước cũng đã góp ý, bản Dự thảo Nghị định về quản lý thị trường vàng mà NHNN công bố cách đây vài tháng đã không đi đúng hướng, không khả thi. Bởi, ngay khi NHNN công bố Bản Dự thảo mới, (thay thế Bản Dự thảo cũ với nội dung cơ bản là xóa bỏ thị trường kinh doanh vàng miếng theo hướng không cho phép người dân được mua vàng miếng, đảm bảo quyền lợi của người dân bằng hình thức NHNN sẽ mua vàng theo giá quốc tế ) thì giao dịch kinh doanh vàng miếng tăng dần; Bản Dự thảo mới không thể hiện các giải pháp chống đầu cơ hữu hiệu, không chỉ ra được con đường để kết thúc tình trạng vàng hóa nền kinh tế…

Theo VAFI, trước hết cần phải xác định những mục tiêu cụ thể mà chính sách cần đạt được. Theo đó, cần từng bước chuyển số vàng dự trữ trong dân sang khu vực sản xuất kinh doanh và làm tăng kho dự trữ ngoại hối của nhà nước; Giải quyết tận gốc tình trạng đầu cơ vàng, không để xảy ra một cơn sốt vàng nào nữa; Giá vàng trong nước có thể tăng giảm theo giá thế giới nhưng sự biến động về giá này không tạo ra làn sóng đầu tư, đầu cơ vàng, không ảnh hưởng tới chính sách tỷ giá….

VAFI cho rằng, ban hành được chính sách kiểm soát thị trường vàng là phép thử năng lực đầu tiên với Tân Thống đốc. Thực tế đã chỉ ra rằng kinh doanh vàng là kinh doanh tiền tệ, là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trong một số trường hợp là nguồn gốc của bất ổn tỷ giá, lạm phát, lòng tin… Cho nên đòi hỏi phải có ngay chính sách kiểm soát hữu hiệu.

VAFI nhận định, cơn sốt vàng vừa qua không phải do yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước bất ổn (các chỉ tiêu cân đối vĩ mô đang tốt dần lên), giới đầu cơ đã nhân cơ hội giá vàng quốc tế biến động cộng với việc chưa có chính sách kiểm soát thị trường vàng của nhà nước để tạo sóng, làm căng thẳng thị trường tiền tệ trong thời gian ngắn và tác động thay đổi tỷ giá. Thực tế này cần phải nhanh chóng chấm dứt.

Theo Đình Bách (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh