19/08/2011 12:52 AM
Nhằm phá băng cho thị trường bất động sản (BĐS), giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, tới đây Bộ Xây dựng (XD) sẽ buộc các dự án (DA) đầu tư phải sử dụng 80% đất để xây nhà chung cư, đồng thời sẽ “bơm” vốn cho thị trường từ các quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác và quỹ đầu tư BĐS.

Nợ xấu tăng


BĐS đóng băng đang ảnh hưởng xấu đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp (DN). Theo Thứ trưởng Bộ XD Nguyễn Trần Nam, trong 7 tháng qua đã có nhiều DN sản xuất gạch ốp lát, đá, gạch ceramic bị phá sản. Các DN xi măng rơi vào hoàn cảnh khó khăn triền miên do sản lượng xi măng giảm sút liên tục trong 5 tháng liên tiếp (tháng 7 sản lượng tiêu thụ chỉ bằng 67% của tháng 3). Công nhân tại các công ty xây dựng thiếu việc làm…


80% đất dự án dành để xây chung cư

Các dự án phải dành 80% diện tích để xây chung cư - Ảnh: Ngọc Thắng

Trên thị trường tài chính, các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đang như ngồi trên đống lửa, bởi tài sản thế chấp là BĐS bị tồn đọng. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính (UBGSTC) quốc gia, so với cuối năm 2010, nợ xấu trong lĩnh vực BĐS tính đến 6.2011 đã tăng 1.776 tỉ đồng, tương đương 37%. Dư nợ cho vay BĐS tính đến tháng 6.2011 đạt 245.000 tỉ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ toàn xã hội. Trong đó, nợ xấu BĐS chiếm khoảng 3%, đặc biệt nợ nhóm 5 (nợ có nguy cơ mất vốn) chiếm khoảng 40% tổng số nợ xấu BĐS. “Đáng lưu ý, tỷ lệ cho vay BĐS tại các NH nhỏ lên tới 30-40%, thậm chí 50%, trong khi hệ thống kiểm soát rủi ro yếu kém là điều rất đáng lo ngại”, ông Nghĩa nói. Ông cũng cho rằng cần phải kiểm soát thật chặt các NH nhỏ, nhất là với các cổ đông lớn đồng thời là chủ đầu tư các DA BĐS trong các NHTM.

''Quan điểm Chính phủ bắt đầu dần thay đổi theo hướng không siết quá chặt vốn. Các ngân hàng bắt đầu mở van tín dụng trong ngắn hạn có trọng tâm, đặc biệt với các dự án nhà giá rẻ'' - Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Nguyễn Trần Nam

Kiến nghị riêng về chính sách tài chính đối với thị trường BĐS, ông Nghĩa đề xuất không nên cào bằng hạn mức tăng trưởng tín dụng chung 20%, cũng như 16% đối với BĐS. Cần bỏ ngay khái niệm xếp BĐS vào tín dụng phi sản xuất, bởi đây là khái niệm không rõ ràng, có phần nhiêu khê gây khó khăn cho các NH, gây ách tắc nguồn cung từ người dân có nhu cầu mua nhà, sửa nhà để ở do không tiếp cận được vốn vay.

Lập quỹ tiết kiệm nhà ở

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, trước mắt phải chấp nhận thực tế là thị trường BĐS sẽ không thể có bất cứ phép mầu nào giúp bật dậy được. Vì ngoài lý do cố hữu như: thị trường sau 10 năm còn quá non trẻ, điều kiện kinh doanh lỏng lẻo, DN thiếu tiềm lực vẫn lao vào gây rối thị trường; sự thiếu hiểu biết của người dân, mua bán theo tin đồn… thì nguồn vốn, cơ chế vốn huy động hạn chế đang là nguyên nhân trực tiếp. Ông Nam tính toán, kể cả các tập đoàn lớn như HUD, Vinaconex cũng không thể chịu nổi khi phải bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng để đầu tư một DA 20-30 ha. Trong khi thời gian thu hồi vốn thấp nhất 5-7 năm, nhiều có thể đến 20 năm. Nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi dài, trong bối cảnh chống lạm phát, siết chặt tiền tệ càng làm cho thị trường khó khăn hơn.

Để tháo gỡ, lãnh đạo Bộ XD khuyến nghị trước mắt các DN phải liên doanh, liên kết với nhau, chọn các phân khúc có tính thanh khoản cao để đầu tư. Khi làm DA phải chuyên nghiệp từ dịch vụ đến chất lượng sản phẩm, lấy được lòng tin của người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng quay lại mua, thị trường có tính thanh khoản, mới có thể tạo vốn đầu tư tiếp... Về chính sách điều hành, ông Nam cho biết, quan điểm Chính phủ bắt đầu dần thay đổi theo hướng không siết quá chặt vốn. Các NH bắt đầu mở van tín dụng trong ngắn hạn có trọng tâm, đặc biệt với các DA nhà giá rẻ. “Hôm qua tôi có tham gia ký kết tài trợ của Vietinbank cho Vinaconex DA xây dựng nhà thu nhập thấp với hạn mức 300 tỉ đồng”, ông Nam nói.

Theo lãnh đạo Bộ XD cho biết, Chính phủ đã đồng ý cho triển khai đề án quỹ tiết kiệm nhà ở, cùng với đó, sắp tới sẽ hình thành quỹ đầu tư và quỹ tín thác BĐS để giải quyết nhu cầu vốn cho thị trường. Đồng thời, quan điểm cơ cấu lại sản phẩm sẽ được hiện thực bằng xu hướng đẩy mạnh nhà chung cư, không cho đầu tư quá nhiều nhà phân lô, liền kề, biệt thự. “Tới đây, chúng tôi chủ trương bất cứ DA nào muốn đầu tư cũng phải có 80% đất xây chung cư, còn lại mới dành cho nhà biệt thự, liền kề. Hiện nay có nhiều DA chỉ dùng 20% đất xây chung cư, chúng tôi từ chối”, ông Nam nói.

Sẽ có Nghị định về cơ chế cho thuê nhà

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ XD sẽ trình Chính phủ nghị định về cơ chế pháp lý người đi thuê và cho thuê nhà, để tạo cho người dân thay đổi quan niệm chỉ muốn sở hữu nhà, thay vì đi thuê nhà để ở. Ông Nam dự báo thị trường BĐS trong trung và dài hạn còn nhiều tiềm năng, bởi đến năm 2020 VN có khoảng 96 triệu dân, mỗi năm tăng 1-1,2 triệu dân. Đến 2020 cần 2,5 tỉ m2 nhà ở, hiện mới xây được 1,4 tỉ m2. 10 năm tới phải phát triển 1 tỉ m2, mỗi năm 100 triệu m2 nhà ở, chưa kể mặt bằng bán lẻ.


Theo Anh Vũ (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.