14/06/2023 1:51 PM
Một loạt các dự án thép quy mô hàng nghìn tỉ đồng vừa được chấp thuận đầu tư tại các tỉnh miền Trung. Sau Quảng Ngãi, các doanh nghiệp tiếp tục rót vốn để xây nhà máy thép tại Quảng Trị và mới đây là Bình Định.

Tháng 9/2016, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường. Nội dung chính của đại hội khi đó là lấy ý kiến cổ đông bàn về dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận công suất 16 triệu tấn/năm với tổng vốn đầu tư 10 tỉ USD.

Đáng chú ý, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hoa Sen đã có câu nói gây xôn xao dư luận: “Nhìn Hòa Phát quý vừa rồi lời đến 2.000 tỉ đồng, 80% là từ thép, thì ngu gì không làm”.

Khi ấy, nhắc tới các doanh nghiệp ngành thép thì Hoa Sen của “đại gia” Lê Phước Vũ và Hòa Phát của tỉ phú Trần Đình Long là 2 cái tên nổi bật bậc nhất về quy mô, thị phần, cũng như sự nhanh nhạy với diễn biến thị trường.

Tuy nhiên, tới tháng 7/2020, Hoa Sen chính thức tuyên bố từ bỏ “siêu dự án” thép Cà Ná sau khi chuyển nhượng 100% vốn góp/cổ phần tại 2 công ty con quản lý dự án Cà Ná.

Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen

7 năm sau câu nói kinh điển của ông Lê Phước Vũ, Hoa Sen và nhiều doanh nghiệp thép đang gặp phải những khó khăn chưa từng thấy. Tuy nhiên, vẫn có nhiều tay chơi ngoài ngành nuôi tham vọng làm những dự án thép tỉ đô.

Thêm “tay chơi” nhảy vào ngành thép

Thời gian gần đây, Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ gây chú ý khi là nhà đầu tư dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn với diện tích dự kiến trên 468 ha, tổng vốn 53.500 tỉ đồng. Dự án chia làm ba giai đoạn đầu tư, công suất 5,4 triệu tấn mỗi năm bao gồm các sản phẩm thép chế tạo chất lượng, thép xây dựng, thép cuộn.

Cùng với dự án trên, UBND tỉnh Bình Định đề xuất xây cảng chuyên dụng mức tổng đầu tư 6.800 tỉ đồng, phục vụ cho vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của dự án. Cảng có diện tích dự kiến 500 ha, trong đó hơn 470 ha mặt nước, tiếp nhận tàu trọng tải 250.000 DWT, khả năng bốc dỡ 21-23 triệu tấn hàng hóa/năm.

Việc một dự án thép tỉ đô được chủ trương thực hiện trong thời điểm bức tranh ngành thép vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn thu hút nhiều sự chú ý. Dù vậy, bất chấp bối cảnh, không chỉ có dự án Gang thép Long Sơn mà còn loạt dự án thép tỉ đô khác cũng đang được “rục rịch” triển khai trong giai đoạn tới.

Hồi tháng 11/2022, Tập đoàn Xuân Thiện cũng đã khởi công đã khởi công xây dựng dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn quy mô 425 ha, với công suất 350.000 tấn/năm tại xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định.

Theo kế hoạch, dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định sẽ hoàn thành xây dựng vào quý 4/2024, bắt đầu đi vào sản xuất từ quý 1/2025.

Được biết, đây là 1 trong 3 dự án thuộc tổ hợp dự án thép xanh Xuân Thiện bên cạnh dự án Nhà máy gang thép số 1 Xuân Thiện Nam Định. Nhà máy cán thép Xuân Thiện do Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư với tổng vốn gần 100.000 tỉ đồng.

Trước đó, tháng 5/2022, Thép Vina Roma cũng gây chú ý khi muốn làm dự án Khu liên hợp gang thép gần 50.000 tỉ đồng tại Quảng Trị. Dự án này có tổng công suất là 4,5 triệu tấn thép sản phẩm/năm, nhằm sản xuất thép xây dựng, thép hình và thép tấm cán nóng bằng công nghệ hiện đại của châu Âu.

Dự án Khu liên hợp gang thép dự kiến đặt trong khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tại 2 xã Triệu sơn và Triệu Lăng thuộc huyện Triệu Phong với diện tích 463,5 ha.

Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất

“Anh cả” ngành thép là Hòa Phát cũng đang triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 công suất thiết kế 5,6 triệu tấn/năm với tổng vốn đầu tư là 85.000 tỉ đồng.

Tại đại hội thường niên mới đây, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long tiết lộ trong năm nay, Tập đoàn sẽ dồn nguồn lực thực hiện dự án Dung Quất 2.

Đến thời điểm hiện tại, tổng đầu tư giai đoạn 2 cho Dung Quất, riêng tài sản cố định đến nay là 75.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 3,26 tỉ USD. Dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành vào quý 1/2025, nâng công suất thép thô của Hòa Phát lên hơn 14 triệu tấn/năm.

“Mỏ vàng” 310 tỉ USD

Trong báo cáo Thủ tướng về chiến lược phát triển ngành thép đến 2030, tầm nhìn đến 2050, Bộ Công Thương tính toán tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam có thể đạt tới 310 tỉ USD trong năm 2030.

Cụ thể, nhu cầu thị trường từ cơ khí phục vụ công trình công nghiệp và ôtô hiện nay rất lớn, ước tính khoảng 120 tỉ USD, tiếp đến là giao thông đường sắt với 35 tỉ USD; cơ khí phục vụ xây dựng, nông nghiệp, chế biến là 15 tỉ USD; thiết bị tiêu chuẩn là 10 tỉ USD.

Nhu cầu từ ngành chế tạo là thị trường rất lớn cho ngành thép trong nước, đặc biệt là các loại thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo, vốn là phân khúc hiện nay Việt Nam chưa tự chủ được trong hoạt động sản xuất thép nội địa.

Thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam cần xây dựng các tổ hợp luyện kim quy mô lớn, tập trung sản xuất các loại thép có dung lượng thị trường lớn để bước đầu làm chủ công nghệ sản xuất. Từ đó, tiếp tục sản xuất các mác thép đặc biệt, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ đa dạng nhu cầu ngành cơ khí, chế biến chế tạo.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.